Đích đến là hiệu quả của chương trình

- Thứ Tư, 19/06/2024, 06:15 - Chia sẻ

Sáng nay, 19.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 (Chương trình). Đây là chương trình mục tiêu quốc gia thứ 4, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa, Chương trình cần thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng lấn, tăng cường phân cấp, phân quyền, hạn chế tối đa cơ chế “xin - cho”.

Với tính chất là chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình thực hiện với quy mô cả nước nhằm tạo bước chuyển toàn diện trong phát triển văn hóa; nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của Nhân dân, khắc phục sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư. Chương trình nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc... Chương trình có đối tượng thụ hưởng rất lớn. Theo đó, có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; đội ngũ văn nghệ sĩ, đội ngũ trí thức, nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn hóa; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; không gian văn hóa công cộng, không gian văn hóa cộng đồng; các cơ sở, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em; các cơ sở giáo dục, đào tạo lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật...

Với quy mô và đối tượng thụ hưởng lớn như vậy, chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết. Từng đầu việc, nội dung, nhiệm vụ được phân định tới nhiều chủ thể.

Chắc hẳn, các đối tượng được thụ hưởng sẽ rất vui mừng đón đợi nguồn lực và tác động tích cực mà Chương trình hướng tới. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến còn băn khoăn, lo ngại bởi nếu không được tính toán thận trọng, kỹ lưỡng thì Chương trình có thể bị chồng lấn với các chương trình đã và đang được thực hiện. Bởi thực tế cho thấy, trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai đều có nội dung đầu tư về phát triển văn hóa. Ngoài ra, nhiều chương trình liên quan đến phát triển văn hóa do Thủ tướng Chính phủ ban hành có nội dung trùng lặp về mục tiêu, đối tượng thụ hưởng, nguồn vốn thực hiện.

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ kiến nghị chuyển Dự án số 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào Chương trình. Các chương trình, dự án liên quan trực tiếp đến phát triển văn hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng chưa được bố trí kinh phí hoặc chưa có kế hoạch triển khai cụ thể trong giai đoạn 2026 - 2030 sẽ được thực hiện thống nhất trong Chương trình. Tuy nhiên, đề xuất này cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi, mỗi chương trình, dự án có mục tiêu tổng thể và giai đoạn thực hiện khác nhau. Các nội dung về văn hóa được xây dựng phù hợp với mục tiêu riêng của từng chương trình, dự án. Việc điều chuyển và tích hợp vào Chương trình có thể gây khó khăn cho việc đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu trong từng chương trình, dự án. Do đó, để bảo đảm hiệu quả các chương trình đang thực hiện, cần giữ nguyên các mục tiêu, dự án có liên quan đến lĩnh vực văn hóa thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia đã được phê duyệt và đang thực hiện, không tích hợp vào Chương trình này.

Một băn khoăn khác nữa đối với Chương trình này đó là cơ chế quản lý, điều hành Chương trình hiện đang được thiết kế với nhiều đầu mối chịu trách nhiệm hướng dẫn, triển khai thực hiện; nhiều văn bản hướng dẫn cần được ban hành. Theo đó, có tới 21 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao những nhiệm vụ cụ thể; các bộ, cơ quan trung ương khác được giao một số nhiệm vụ chung. Trong đó, có nhiều nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật.

Một chương trình quy mô lớn, với sự tham gia, phối hợp của nhiều bộ, ngành là cần thiết. Tuy nhiên, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ, khoa học, tránh gây khó khăn, vướng mắc cho chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân triển khai ở cơ sở. Muốn vậy, Chính phủ cần rà soát kỹ, phân công rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp theo hướng thu hẹp đầu mối quản lý, hướng dẫn để việc triển khai được thống nhất, không dàn trải. Bảo đảm cơ chế quản lý, điều hành chương trình cơ bản thống nhất, tương thích với 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai.

Đích đến của Chương trình phải là kết quả đo đếm được trên thực tế. Từ kinh nghiệm triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong Chương trình này cần giảm số lượng văn bản hướng dẫn phải ban hành để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện. Cùng với đó, tăng cường phân cấp, phân quyền để tạo sự chủ động cho địa phương, hạn chế tối đa cơ chế “xin - cho”. Có như vậy, các đối tượng thụ hưởng mới dễ tiếp cận được chính sách mới, tiến bộ từ Chương trình này.   

Song Hà
#