Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022

Củng cố, giữ vững ổn định vĩ mô - yếu tố “bất biến” để thích ứng với “vạn biến”

- Chủ Nhật, 18/09/2022, 05:35 - Chia sẻ

Sáng nay, với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và hơn 400 đại biểu, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” chính thức khai mạc. Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân ngay trước thềm sự kiện quan trọng này, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG nhấn mạnh, chủ đề và nội dung của Diễn đàn năm nay tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về “kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu thích ứng của nền kinh tế Việt Nam”, xem đây là yếu tố “bất biến” để thích ứng với “vạn biến” - những diễn biến phức tạp, khó đoán định của tình hình khu vực và thế giới hiện nay.

Củng cố, giữ vững ổn định vĩ mô - yếu tố “bất biến” để thích ứng với “vạn biến” -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Ảnh: Lâm Hiển

Phản ánh sự tin tưởng, kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp với Quốc hội

- Việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Từ năm 2021, Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có chủ trương và giao cho Ủy ban Kinh tế phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam “Phục hồi và phát triển bền vững”. Thành công của Diễn đàn năm 2021 có ý nghĩa quan trọng để Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và rất nhiều quyết sách quan trọng nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tập trung trong 2 năm 2022 - 2023. Các chính sách này đến nay đã từng bước đi vào cuộc sống, vừa có tác động trước mắt, vừa có tác động lâu dài, nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của dư luận trong nước cũng như quốc tế.

Củng cố, giữ vững ổn định vĩ mô - yếu tố “bất biến” để thích ứng với “vạn biến” -1
Ảnh: Hồ Long

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với hai phiên thảo luận chuyên đề về “Đẩy mạnh cải cách thể chế - hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững” và Phiên toàn thể, tọa đàm cấp cao với chủ đề “Củng cố nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”.

Có thể nói rằng, năm 2022, chúng ta đã đạt được những thành quả rất quan trọng. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp, khó đoán định của tình hình thế giới và khu vực, nhất là áp lực lạm phát tăng cao cộng hưởng với sự gia tăng giá cả nhập khẩu đầu vào, chi phí vận tải, logistics, nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc, ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine... đang tiếp tục tác động đến nền kinh tế nước ta, trong đó, tiềm ẩn một số rủi ro về ổn định kinh tế vĩ mô có thể làm giảm sức chống chịu, phục hồi của doanh nghiệp, nền kinh tế, gây khó khăn cho cuộc sống của Nhân dân.

Chính vì vậy, Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ trương tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội từ rất sớm, sớm hơn nhiều so với Diễn đàn năm 2021 (tháng 12.2021 - PV), trước hết là để phục vụ ngay cho việc Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ Tư tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Lãnh đạo Quốc hội đặc biệt coi trọng việc tổ chức Diễn đàn, đã trực tiếp họp với các cơ quan của Quốc hội và các chuyên gia để thảo luận kỹ lưỡng từ cách thức tổ chức, tên gọi của Diễn đàn đến nội dung, chủ đề thảo luận tại phiên họp toàn thể, các phiên họp chuyên đề.

Theo đó, Diễn đàn sẽ có hai phiên thảo luận chuyên đề về “Đẩy mạnh cải cách thể chế - hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững” và Phiên toàn thể, tọa đàm cấp cao với chủ đề “Củng cố nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”.

Diễn đàn sẽ tập trung làm rõ bối cảnh quốc tế, các xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế, xu hướng dịch chuyển địa - kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi và phát triển kinh tế bền vững; đánh giá toàn diện thực trạng nền kinh tế nước ta hiện nay, nhận diện sâu sắc, chính xác các nguy cơ, rủi ro đối với nền kinh tế, nhất là các rủi ro vĩ mô và các lĩnh vực an sinh xã hội, lao động, việc làm...; rà soát, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV... Từ đó, “hiến kế” các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh, các ưu tiên trọng tâm trong điều hành kinh tế vĩ mô cũng như trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Diễn đàn lần này có sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Đơn cử như với chuyên đề 2 về “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”, tính đến trưa 17.9 đã có hàng trăm doanh nghiệp đăng ký tham dự. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

- Số lượng doanh nghiệp, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và quốc tế đăng ký tham dự Diễn đàn đông hơn rất nhiều so với Diễn đàn năm 2021. Điều này theo tôi trước hết là bởi chủ đề thảo luận của Diễn đàn năm nay, đặc biệt là phiên thảo luận chuyên đề số 2 liên quan trực tiếp đến cộng đồng doanh nghiệp. Như vậy, đây sẽ là một kênh trực tiếp nhất để cộng đồng doanh nghiệp phản ánh thực tế triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được ban hành thời gian qua như thế nào, còn vấn đề gì vướng mắc, nhất là những vấn đề đòi hỏi phải được giải quyết ở tầm vĩ mô, thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Quốc hội.

Ở góc độ khác, điều này cũng phản ánh sự tin tưởng và kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội sau những quyết đáp hết sức quan trọng, đặc cách, đặc thù, đặc biệt đã được Quốc hội ban hành thời gian qua và sự lắng nghe của Quốc hội đối với tiếng nói từ thực tiễn cuộc sống để hoàn thiện chính sách, pháp luật - như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, phải đưa cuộc sống vào chính sách để chính sách quay trở lại phục vụ hiệu quả nhất cho cuộc sống. Nói cách khác, đó là sự tin tưởng, kỳ vọng đã được bền bỉ xây dựng, khẳng định qua sự đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ của Quốc hội với Chính phủ, với cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong suốt thời gian qua.

Khuyến nghị chính sách đi liền với giải pháp cụ thể, thiết thực

- Với quy mô tổ chức có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay với hơn 400 đại biểu tham dự trực tiếp, xin ông cho biết thêm về công tác tổ chức Diễn đàn?

- Đây là lần thứ hai chúng ta tổ chức Diễn đàn trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Tuy nhiên, Diễn đàn năm nay sẽ được tổ chức chủ yếu theo hình thức trực tiếp với số lượng đại biểu tham dự lên tới khoảng 400 người. Đặc biệt, lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ cùng tham dự Diễn đàn. Đây là một trong những minh chứng rõ nét cho sự đồng hành chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ trong việc tìm kiếm các giải pháp nhằm tiếp tục củng cố vững chắc hơn nữa nền tảng kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, tìm kiếm các động lực mới cho sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.

Củng cố, giữ vững ổn định vĩ mô - yếu tố “bất biến” để thích ứng với “vạn biến” -2
Toàn cảnh họp báo Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, ngày 15.9. Ảnh: Hồ Long

Văn phòng Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Diễn đàn, các cơ quan, đơn vị chuyên môn triển khai nghiêm túc, chu đáo các điều kiện bảo đảm phục vụ tổ chức Diễn đàn; lắp đặt trang thiết bị kỹ thuật phục vụ trực tuyến, âm thanh hình ảnh của 3 phòng họp; thử nghiệm hệ thống, bảo đảm an toàn thông tin; rà quét an ninh các thiết bị phục vụ, các khu vực làm việc, phòng họp... bảo đảm an toàn trong thời gian diễn ra Diễn đàn; giám sát an toàn mạng; xây dựng kịch bản cho các phiên họp của Diễn đàn; hỗ trợ công tác trình chiếu, livestream trên các nền tảng công nghệ số; hỗ trợ kỹ thuật, phục vụ kết nối với 6 điểm cầu trong nước (gồm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Ngoại thương); triển khai các công việc khác theo đúng Đề án đã được ban hành; triển khai và lắp đặt hoàn thiện các hạng mục trang trí, bố trí của từng phòng họp; công tác bảo đảm biên, phiên dịch, in tài liệu của Diễn đàn...

Văn phòng Quốc hội cũng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, phương án phân luồng giao thông; bố trí tổ trực y tế, phòng chống dịch, xe cứu thương; tổ trực an ninh tại phòng khánh tiết, hội thảo chuyên đề để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh. 

Về công tác thông tin tuyên truyền, Phiên khai mạc Diễn đàn sẽ được phát trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam và sau đó sẽ được livestream trên Website quochoitv.vn, các nền tảng số, mạng xã hội; tường thuật trực tuyến trên Báo điện tử Đại biểu Nhân dân; thiết lập đường tín hiệu xem riêng bản tiếng Anh trên Youtube phục vụ các nhà đầu tư nước ngoài và cộng đồng người nước ngoài quan tâm đến Diễn đàn. Đặc biệt, cùng với gần 200 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của các cơ quan thông tấn báo chí trong nước trực tiếp tác nghiệp, thông tin về Diễn đàn, chúng tôi đã nhận được đăng ký của 6 hãng tin quốc tế gồm: Reuters, Phoenix, Channel News Asia Singapore, Bloomberg và EPA cử phóng viên tham dự đưa tin về Diễn đàn, hơn 20 cơ quan thông tấn báo chí trong nước đăng ký livestream về Diễn đàn... Đây là điểm mới so với công tác tổ chức Diễn đàn Kinh tế năm 2021 cho thấy tầm vóc và sức hút mạnh mẽ của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022.

- Ông kỳ vọng như thế nào đối với Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022?

- Tôi còn nhớ, tại Diễn đàn Kinh tế 2021, đại diện Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đều nhấn mạnh với chúng ta rằng, để giữ vững được sự ổn định kinh tế vĩ mô là rất lâu dài và rất khó khăn, nhưng để mất sự ổn định vĩ mô thì rất nhanh rất dễ. Khi đó, ngay trong phát biểu bế mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định rất rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong “bảo đảm tính nhất quán, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu thích ứng của nền kinh tế Việt Nam”, bởi với những khó khăn đã từng trải qua trong giai đoạn khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu những năm 2007 - 2008, Việt Nam thấm thía sâu sắc rằng “nếu để mất ổn định vĩ mô là mất hết”.

Chính vì thế, trong các quyết sách của Chính phủ, Quốc hội thời gian qua đều đặc biệt chú trọng việc củng cố và kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, như Chủ tịch Quốc hội đã đúc kết, đây là yếu tố “bất biến” để thích ứng với “vạn biến” - những diễn biến phức tạp, khó đoán định của tình hình khu vực và thế giới hiện nay. Thực tế cho thấy, năm 2021 chúng ta đứng trước nguy cơ lỡ nhịp với sự phục hồi của kinh tế thế giới, nhưng năm 2022, chúng ta đang hồi phục mạnh mẽ và đặc biệt là, trong khi nhiều nước trên thế giới đang đứng trước những thách thức gay gắt về lạm phát, về giá lương thực, xăng dầu, tốc độ tăng trưởng thấp... thì chúng ta đang phục hồi một cách vững chắc, chỉ số lạm phát trong ngưỡng Quốc hội cho phép, các cân đối vĩ mô được giữ ổn định.

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, công tác tổ chức thực thi các chính sách, nhất là các Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa qua vẫn còn chậm, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn phức tạp khiến người dân và doanh nghiệp chưa tiếp cận được..., do đó chưa phát huy được tối đa hiệu quả của các chính sách. Vì thế, cùng với các khuyến nghị chính sách sẽ được đưa ra tại Diễn đàn, tôi cũng mong rằng, với thành phần tham dự rất đa dạng, cả lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan lập pháp, các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp - chúng ta sẽ cùng thảo luận kỹ lưỡng, đa chiều, toàn diện, xác định rõ cách thức, biện pháp cụ thể để thực hiện, tức là khuyến nghị chính sách phải đi kèm với giải pháp cụ thể, thiết thực.

Với thành công của Diễn đàn Kinh tế 2021, sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Quốc hội và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu của Ban Tổ chức, Văn phòng Quốc hội, tôi tin tưởng Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 sẽ thành công tốt đẹp.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quỳnh Chi thực hiện
#