Bảo đảm quyền lợi đối tượng thụ hưởng

- Thứ Bảy, 15/06/2024, 06:21 - Chia sẻ

Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với một số địa phương về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Dù mới chỉ là kết quả bước đầu, song qua các cuộc làm việc của Đoàn giám sát cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai nhà ở xã hội vẫn gặp khó khăn, vướng mắc, rất cần giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Thực tế cho thấy, nhu cầu nhà ở xã hội hiện nay rất lớn, lớn hơn rất nhiều so với nguồn cung hiện có và dự án đang đầu tư. Qua cuộc làm việc của Tổ công tác số 3, Đoàn giám sát của Quốc hội với các địa phương cho thấy, sự phát triển của thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự bền vững. Cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa hợp lý, dư thừa sản phẩm có giá cao, thiếu sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở giá thấp phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân. Cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện dự án đến giao dịch bất động sản chưa đồng bộ, đầy đủ.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội, trình tự, thủ tục đăng ký đầu tư còn phức tạp. Việc thẩm định giá bán còn kéo dài, một số quy định về quản lý nhà ở xã hội chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Cùng với đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án còn chậm hoặc gặp khó khăn trong quá trình thực hiện dẫn đến chậm tiến độ. Việc xác nhận đối tượng thuộc diện ưu tiên được mua nhà ở xã hội còn nhiều bất cập, khó tiếp cận chính sách do nhiều thủ tục chưa rõ ràng. Trong đó, quy định điều kiện để được xét duyệt là không có nhà ở, đất ở, nhưng hiện chưa có quy định xác định rõ phạm vi “không có nhà ở, đất ở” là trên địa bàn quận, huyện, địa bàn thành phố hay trên phạm vi cả nước.

Trong khi đó, các dự án nhà ở xã hội lợi nhuận không cao, việc thu hồi vốn kéo dài. Vẫn còn vướng mắc trong thủ tục tiếp cận đất đai, việc thực hiện quy trình xét duyệt đối tượng, trình phê duyệt giá bán, giá cho thuê và thực hiện bán, cho thuê nhà ở thuộc dự án qua nhiều bước, hồ sơ thủ tục phức tạp. Bên cạnh đó, nguồn vốn vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự phát huy hiệu quả hỗ trợ tài chính đối với chủ đầu tư và người mua nhà. Tiếp cận vốn vay gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng đến nay cả nước mới giải ngân được 640 tỷ đồng cho 8 chủ đầu tư và 6 tỷ đồng cho người mua nhà tại 3 dự án. Điều này cho thấy, việc giải ngân vốn vay gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng là rất khó khăn.

Không chỉ khó khăn, vướng mắc trong các quy định triển khai nhà ở xã hội, mà còn xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội. Những điểm nghẽn này đã dẫn đến một số doanh nghiệp chưa thực sự muốn tham gia đầu tư các dự án nhà ở xã hội. Còn người có nhu cầu mua nhà vẫn than khó trong tiếp cận nhà ở xã hội.

Giám sát tối cao của Quốc hội lần này nhằm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Cùng với đó, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Và điều quan trọng là, rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản nói chung và nhà ở xã hội nói riêng.

Cử tri và Nhân dân mong muốn, Chính phủ cần chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Có như vậy mới bảo đảm sự bình đẳng trong tiếp cận chính sách nhà ở xã hội của các đối tượng được thụ hưởng chính sách nhân văn này.

Song Hà
#