VỀ CUỐN SÁCH KIÊN QUYẾT, KIÊN TRÌ ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG:

Bài 3: Tám bài học kinh nghiệm quý báu

- Thứ Hai, 15/05/2023, 17:37 - Chia sẻ

TS. BÙI NGỌC THANH - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bất cứ ở đâu, vào thời gian nào cũng gay go, phức tạp và quyết liệt. Song với những kết quả đã đạt được, trong tác phẩm của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết, đúc rút thành nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó có 8 bài học sống động và quý báu.

Bài học thứ nhất: Phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để từ đó có quyết tâm chính trị rất cao, biện pháp rất đúng, hành động quyết liệt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tập trung của Đảng.

Chúng ta đều biết, nhận thức là một quá trình và nhận thức có vai trò chỉ đạo hành vi, hành động; nhận thức đúng thì hành động đúng và ngược lại. Tổng Bí thư đã chỉ ra rằng, có người e ngại, chống tham nhũng, tiêu cực mạnh quá sẽ ảnh hưởng đến sự năng động, dám nghĩ, dám làm! Thực tế, hoàn toàn ngược lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết quả, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thúc đẩy mạnh mẽ tư duy sáng tạo, dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nâng lên một cấp độ cao niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân, của toàn xã hội.

Bài học thứ hai: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “chống giặc nội xâm”, tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; lấy tiền tài, của cải, vật chất do người khác “biếu xén”, “cho, tặng”, hối lộ... với động cơ không trong sáng. Nó diễn ra với người có chức, có quyền.

Bác Hồ đã dạy, giặc nội xâm, “Nó là kẻ thù khá nguy hiểm. Vì nó không mang gươm, mang súng, nó nằm trong tổ chức của ta để làm hỏng công việc của ta”. Tiền nhân cũng có câu “giặc nhà khó đánh”. Một vị tướng có tài thao lược cũng từng nói rằng: Thà phải đối diện với một kẻ thù hung bạo ra mặt còn hơn phải đọ sức với một kẻ thù giấu mặt ngấm ngầm phá hoại... Như thế đủ biết phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống giặc nội xâm khó khăn, gian khổ biết nhường nào. Từ đó phải kiên quyết, kiên trì, bền gan, dũng khí hơn nữa trong cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn.

Bài học thứ ba: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là “then chốt của then chốt”, là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”. Thực tế thời gian qua cho thấy, đằng sau những vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, nhất là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài đều có bóng dáng của một số cán bộ, công chức làm ngơ, dung túng, tiếp tay, bao che, đồng phạm, thậm chí là chủ mưu.

Bài học này cho thấy, phải đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác cán bộ; gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, xúc tiến hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách thiết thực, hiệu quả. Qua đó sàng lọc, tinh lọc đội ngũ cán bộ theo yêu cầu công việc và tiêu chuẩn cán bộ các cấp, các loại.

Bài học thứ tư: Phải kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; trong đó phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, đột phá.

Đây là bài học về chỉ đạo hoạt động. Nếu trong đại dịch Covid-19, chúng ta đã thực hiện, “chống dịch như chống giặc”, không cho dịch lan tràn, khoanh vùng dập dịch thì trên mặt trận phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - thứ giặc nội xâm, chúng ta cũng có thể nói, “chống giặc như chống dịch”. Phát hiện sớm, xử lý ngay, từng bước không cho tham nhũng, tiêu cực tiếp tục phát sinh; và tiếp tục phát hiện xử lý đích đáng, nghiêm khắc theo pháp luật các vụ việc, các vụ án tham nhũng, tiêu cực để làm gương, cảnh tỉnh, răn đe.

Bài học thứ năm: Phải kiểm soát cho được việc thực hiện quyền lực nhà nước. Quyền lực luôn luôn có nguy cơ bị “tha hóa”; tham nhũng, tiêu cực là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực; do đó, phải tăng cường và nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực.

Đây là bài học, nhưng đồng thời cũng là một trong những nội hàm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là, mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm.

Bài học thứ sáu: Chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng, kịp thời, hiệu quả các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Kinh nghiệm thời gian qua cho thấy, Ban Chỉ đạo phải thực sự là trung tâm chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động, là chỗ dựa vững chắc để các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực thi nhiệm vụ được giao. Kinh nghiệm này thể hiện rất sáng rõ ở Ban Chỉ đạo Trung ương, các Ban Chỉ đạo địa phương cần nắm vững trong hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương mình. Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hơn ai hết, phải có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh; phải trung thực, liêm chính, “chí công vô tư”, thực sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bài học thứ bảy: Như bài học thứ 3 đã nói, phải gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bài học huy động sức mạnh tổng hợp vừa là nhiệm vụ, vừa là đường lối cách mạng của Đảng ta theo đúng nguyên lý, “Sự nghiệp cách mạng là của quần chúng”. Quần chúng có cả “trăm tai, nghìn mắt” để góp phần phát hiện tham nhũng, tiêu cực, giúp cho Đảng, Nhà nước xem xét, xử lý. Đây cũng là một công việc lớn, đem sức dân mà làm lợi cho dân, như Bác Hồ đã dạy.

Bài học thứ tám: Các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phù hợp với bối cảnh, yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và truyền thống văn hóa dân tộc; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài; kế thừa kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước.

Bài học tổng thể này gồm nhiều bài học cụ thể, nhưng trực tiếp nhất là phải bảo đảm yêu cầu phát triển một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ lớn, quan trọng mà Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, và Tổng Bí thư cũng đã chỉ rõ, phải xây dựng một nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập. Nền kinh tế đó phải phù hợp với truyền thống dân tộc, nghĩa là “phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội” và xây dựng “một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ” (Tạp chí CS số 5-2021, tr.5-6). Như vậy, muốn phát triển tốt nền kinh tế - xã hội thì phải phòng, chống được tham nhũng, tiêu cực; và phòng, chống tốt tham nhũng tiêu cực có hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế - xã hội vững chắc.