Chuyện của hôm nay
Từ ý tưởng để “Truyện Kiều” được xuất hiện với diện mạo mới mẻ, trẻ trung và gần gũi hơn với công chúng hôm nay, Giám đốc Công ty cổ phần văn hóa Đông A Trần Đại Thắng quyết định tìm đến họa sĩ Thành Chương. Một so sánh được tiến hành: Trong tất cả sách họa sĩ thời xưa vẽ tranh minh họa kiệt tác này đều mang màu sắc cổ kính, trầm mặc và trang nghiêm. Lớp độc giả bây giờ với tư duy thị giác và nhu cầu thưởng thức văn chương khác biệt dường như cần tinh thần mạnh bạo hơn, phá cách hơn. Và ấn bản “Truyện Kiều” ra đời sau 2 năm, với sự góp mặt của 15 tên tuổi đại diện cho thế hệ họa sĩ đương đại Việt Nam.
![]() Minh họa Kiều báo ân báo oán của họa sĩ Phạm Quang Vinh |
Cùng trong một tiếng tơ đồng/ Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm... Hoàn cảnh ấy, tâm trạng ấy được họa sĩ Phan Cẩm Thượng truyền vào bức “Kiều hầu rượu cho Thúc Sinh và Hoạn Thư”. Ông chia sẻ: “Chọn giữa hai người đàn bà với một người đàn ông, một là vợ, một là người Thúc Sinh ái mộ. Qua đấy, tôi muốn nói về quan hệ nhân duyên bây giờ cũng diễn ra như thế, đan cài, chồng chéo nhau như thế. Âu cũng là tính bất biến trong đời sống nhân văn”. Những điều “bất biến” được truyền tải qua nét vẽ như phả vào câu thơ hương vị của đời sống hiện đại theo cách nghĩ, cách hiểu của người hôm nay.
Như minh họa “Chị em Thúy Kiều” của Đặng Tiến, màu sắc tạo hình tưởng thuần ca ngợi vẻ đẹp nhưng lại đánh đố người xem tìm cho được đâu là Kiều, đâu là Vân; minh họa “Mã Giám Sinh đưa Kiều về Lâm Truy”, Đặng Xuân Hòa tạo hình nhân vật đầy gai góc như phơi bày tâm can ngồn ngộn chua cay; cho đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích”, Trần Văn Thảo dùng ít tông màu và phân mảng rõ rệt, hàm ý sự bế tắc hoặc dự báo chuỗi ngày chông gai sắp tới của Kiều; bản “Đêm thề nguyền của Kim - Kiều” của Đỗ Dũng, “Thúy Kiều và Từ Hải” của Đỗ Hoàng Tường, “Đoàn viên” của Thành Chương… từ phối màu, vẽ nét đều cho cảm nhận về đời sống hôm nay.
Trong số họa sĩ minh họa “Truyện Kiều” lần này, có người nổi tiếng về bút pháp trừu tượng, người thấm đẫm chất hiện thực, minh họa cho trường đoạn khác nhau trong cùng một tác phẩm. Nhưng nếu cho rằng tác giả chỉ lấy thơ để họa thì đơn thuần quá. Theo nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng: “Vẽ thế nào thì người xem hiểu theo cách cảm của họa sĩ đó. Nhưng đọc Kiều, xem tranh không phải theo kiểu nhìn ngang mà bản thân tranh ấy đã là một chuyện về cuộc đời rồi”.
Hấp dẫn và lắng sâu
Ấn bản “Truyện Kiều” có 17 tranh minh họa của 15 họa sĩ đương đại do họa sĩ Thành Chương tổ chức và tập hợp, Công ty cổ phần văn hóa Đông A phát hành. Phó Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam Nguyễn Khắc Bảo nhận định: “Xây dựng một bản “Truyện Kiều” có tranh minh họa đương đại là đánh trực tiếp vào thị giác, giống như con đường thu hút độc giả, nhất là giới trẻ tìm về với văn bản chữ nghĩa, giá trị sâu sắc của kiệt tác này”. |
Không phải đến giờ văn chương và hội họa mới song hành. Những cuộc “kết duyên” giữa hai lĩnh vực này vốn là đề tài hấp dẫn. “Truyện Kiều” vì vậy luôn mời gọi các họa sĩ. Mỗi thời đại đưa vào đó cách đọc, thể hiện cách hiểu bằng hình khối, màu sắc của bản thân họa sĩ và lối tư duy của thế hệ. Sang bối cảnh hiện đại, minh họa “Truyện Kiều” cũng tìm được vùng đất mới để truyền tải giá trị nghệ thuật theo cách thức gần gũi.
Nhiều người cho rằng, minh họa lần này giống như “văn bản thứ hai” trong “Truyện Kiều” vì dấu ấn của họa sĩ rất mạnh. Yếu tố đương đại giúp cho mỗi bản vẽ là một tác phẩm trọn vẹn. Quan niệm này mang tinh thần khác cho vẽ minh họa. Theo họa sĩ Thành Chương: “Làm nghệ thuật lâu năm, tôi biết để mọi người chấp nhận minh họa như thế là cả chặng đường gian nan. Tới giờ thì quan niệm minh họa đã khác xưa nhiều. Họa sĩ sáng tác tự do, đưa dấu ấn của mình vào tranh chứ không phụ thuộc quá nhiều chữ nghĩa”.
Có tính độc lập cao nhưng vẫn mang hơi thở của câu chữ. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng, chính việc có thể đọc, xem tranh riêng giúp người ta tĩnh tại, nhấm nhá. “Các bức họa gợi thêm cách thẩm, cách cảm về một kiệt tác hơn 200 năm. Tôi cảm nhận được sự sâu lắng trong đó và tôi cũng thèm được thấy các bức vẽ khác về “Truyện Kiều”. Đó có thể là một Thúy Vân không vô tư như lâu nay ta vẫn nghĩ, là một Thúy Kiều trong cái đêm độc thoại nội tâm dài trước lúc sáng ngày bán mình chuộc cha…”.
Có câu “lau gương cho sáng, phủi bụi cho trong”, cách làm như vậy để người hôm nay tiếp tục nuôi dưỡng di sản văn hóa vô giá của dân tộc. Họa sĩ Thành Chương nói: “Qua “Truyện Kiều” có thể thấy chân dung tương đối của họa sĩ đương đại và qua các họa sĩ ta nhìn nhận Kiều ở một góc độ mới. Cuối cùng là để Kiều tiếp tục sống trong đời sống xã hội”.