Người tự kỷ, tâm thần, rối nhiễu tâm trí, chiếm 0,54%/dân số
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh có 7.815 người tự kỷ, tâm thần, rối nhiễu tâm trí, chiếm 0,54%/dân số. Trong đó, có 6.659 người tâm thần nặng và đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; 1.156 người tâm thần nhẹ, trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí đang được chăm sóc, quản lý tại cộng đồng...
Qua khảo sát, phần lớn các gia đình có người tâm thần, trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí đều có hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó, bản thân người tâm thần sống chủ yếu dựa vào người thân, gia đình, họ hàng và trợ cấp xã hội hàng tháng, việc đi lại giao tiếp xã hội và tiếp cận các dịch vụ xã hội gặp nhiều khó khăn.

Thực tế hiện nay, các cơ sở tư vấn chữa trị và phục hồi chức năng cho người tâm thần trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Phần lớn người tâm thần, trẻ tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí chưa có điều kiện đưa vào chăm sóc tại cơ sở theo hướng bài bản mà chủ yếu được nuôi dưỡng và chăm sóc tại gia đình. Đáng nói, sự trợ giúp của các tổ chức xã hội, đoàn thể, y tế còn hạn chế đã gây nên trạng thái mệt mỏi, chán nản, buông xuôi đối với gia đình phải chăm sóc người tâm thần trong một thời gian dài.
Trước thực tế đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định số 742/QĐ-UBND ngày 26.5.2021 về việc ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Tỉnh đặt mục tiêu trong giai đoạn này, mỗi năm có ít nhất 80% người tâm thần, 80% trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau. Ít nhất 70% trẻ em tự kỷ nặng được điều trị, giáo dục, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng, trợ giúp xã hội.
Bên cạnh đó, hiện toàn tỉnh có hơn 1.700 người tham gia làm công tác xã hội. Trong giai đoạn 2021 - 2025, để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công tác xã hội, tỉnh đặt mục tiêu có ít 80% cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan được UBND tỉnh Quảng Ngãi giao chủ trì triển khai các chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội. Từ đầu năm 2022, Sở đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kĩ năng, phương pháp, kinh nghiệm chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỉ và người rối nhiễu tâm trí.
Thay đổi nhận thức cộng đồng
Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc chuyển đổi mô hình từ trường khuyết tật sang Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập tỉnh Quảng Ngãi, Trần Văn Thế cho biết, mỗi năm trung tâm nhận chăm sóc và nuôi dạy khoảng 110-120 trẻ bị khiếm thính và tự kỷ, trong đó có khoảng 50-60 em được hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.
“Bên Trung tâm đã thực hiện tổ chức rèn luyện cho các cháu ngay tại trung tâm. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các cơ sở giáo dục, để khuyến khích phụ huynh, nhà trường đón nhận các em cũng như thường xuyên bổ sung kiến thức và tổ chức hoạt động dạy học ngay tại cơ sở, ngay tại gia đình cho các em. Mục tiêu lớn mà Trung tâm hướng đến là nâng cao nhận thức của cộng đồng, khuyến khích được nhiều đối tượng tham gia, bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên và phụ huynh”, ông Thế chia sẻ.
Giảng viên Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Công đoàn TS Lê Thị Thủy nhấn mạnh để tăng khả năng tiếp cận cho nhóm đối tượng này, trước hết ta cần thay đổi về nhận thức cho cộng đồng về nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người rối nhiễu tâm trí và trẻ tự kỷ bằng việc đẩy mạnh công tác truyền thông hướng đến cộng đồng với nhiều hình thức truyền thông có chất lượng. Trong đó, lực lượng nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp sẽ trực tiếp đảm nhiệm việc này.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung triển khai nhiều giải pháp trọng tâm như truyền thông nâng cao nhận thức về chứng tự kỷ, tâm thần, rối nhiễu tâm trí; trợ giúp y tế, giáo dục, hướng nghiệp, lao động trị liệu, hỗ trợ sinh kế, văn hóa, thể thao; nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức và cộng tác viên làm công tác xã hội tại cộng đồng. Đồng thời, thực hiện quy hoạch, phát triển, nâng cấp và mở rộng mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho người tâm thần và rối nhiễu tâm trí nặng, cho trẻ tự kỷ (công lập và ngoài công lập)...
Có thể thấy, Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỉ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025 được các cấp, các ngành tỉnh Quảng Ngãi tích cực triển khai thực hiện. Bước đầu, Chương trình đã và đang mang lại hiệu quả, giúp những người yếu thế được chăm sóc, hòa nhập cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội, thực hiện các mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh. Từ đó, giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng và có cuộc sống tươi đẹp hơn.