Trong các tháng đầu năm 2024, tình hình bệnh dại gia tăng đột biến trên toàn quốc. Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm, cả nước đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, Cục Y tế dự phòng cho biết, các trường hợp mắc bệnh trong thời gian gần đây có xu hướng ủ bệnh ngắn, từ 10 - 15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.
Tại Quảng Bình, trong 3 tháng đầu năm 2024, có 1 trường hợp tử vong do bệnh dại. Bệnh nhân phát bệnh và tử vong sau 2 tháng bị một con chó thả rông cắn vào chân.
Trước tình hình tỷ lệ bệnh dại tăng cao trên toàn quốc, thực hiện kế hoạch tăng cường phòng, chống bệnh dại, tỉnh Quảng Bình đã tăng cường công tác tiêm phòng dại trong những tháng đầu năm.
Theo đó, tính đến giữa tháng 5.2024, toàn tỉnh đã tiêm được gần 58.000 liều vắc xin dại cho chó mèo, trên kế hoạch tiêm 60.764 liều, đạt 95,4% so với kế hoạch và đạt gần 68% so với tổng đàn 85.776 con. Đây là kết quả của công tác tiêm phòng trong thời gian qua, khi tỷ lệ tiêm phòng vắc - xin dại chó, mèo hàng năm còn thấp, số người điều trị dự phòng do chó cắn lại ngày càng cao. Đơn cử, năm 2023, tỉnh Quảng Bình chỉ tiêm được hơn 28.000 liều vắc xin dại cho chó mèo, đạt 47,6% so với kế hoạch.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp cũng xây dựng vùng an toàn bệnh dại tại một số địa phương. Tại đây, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ thành lập tổ giám sát xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh với thành viên là cán bộ chuyên môn thú y cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ thú y xã; hỗ trợ vắc-xin phòng dại, tổ chức tiêm phòng, lấy mẫu giám sát, quản lý sau tiêm phòng vắc - xin dại… Tỷ lệ tiêm phòng vắc - xin dại tại những địa phương này sẽ đạt 100% trong diện tiêm.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình Trần Đình Hiệp, hiện tỉnh có 5 địa phương đạt 100% kế hoạch tiêm phòng dại cho động vật, bao gồm huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa, TP. Đồng Hới, thị xã Ba Đồn và 3 địa phương đạt từ 60% trở lên, là huyện Lệ Thủy, Quảng Trạch và Minh Hóa.
Cùng với đó, lượng người tiêm phòng dại, huyết thanh kháng dại trong 3 tháng đầu năm 2024 ghi nhận 679 người, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Đồng hành với công tác tiêm phòng, được biết, các địa phương cũng đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, lồng ghép vào các cuộc họp, hội nghị, trên hệ thống phát thanh thôn, bản, tổ dân phố về tính chất nguy hiểm, dấu hiệu nhận biết, các biện pháp phòng bệnh dại cho động vật; nâng cao trách nhiệm của chủ nuôi chó, mèo trong việc quản lý, giám sát, theo dõi vật nuôi, khai báo số lượng chó, mèo nuôi, chấp hành tiêm phòng vắc - xin dại; chó mèo khi đưa ra khu vực công cộng phải đeo rọ mõm, có người chăn dắt…
Tuy nhiên, cũng theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình Trần Đình Hiệp, mặc dù đã có chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong phòng chống bệnh dại, nhưng hầu hết các địa phương chưa quyết liệt thực hiện; việc xử lý chủ vật nuôi để xảy ra tình trạng vật nuôi tấn công người dân vẫn còn nhiều bất cập, chưa có quy định rõ ràng.
Về vấn đề ngày, người dân cũng mong muốn có quy định cụ thể hơn để chủ vật nuôi, đặc biệt là vật nuôi lớn, tại nơi công cộng có thể tuân thủ quy định, đảm bảo an toàn cho người dân.
"Khi đến nhiều nơi công cộng như công viên, ga tàu, chợ,... tôi vẫn thường bắt gặp nhiều con chó có kích thước lớn nhưng không được rọ mõm hay được chủ xích, mà lại chạy tự do. Điều này nếu không may có thể gây nguy hiểm cho người khác, đặc biệt là trẻ em vốn hiếu động", chị Nguyễn Thị Phương, người dân TP. Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết.
Hiện, địa phương đang tiếp tục tổ chức tiêm phòng bổ sung đối với những nơi chưa hoàn thành kế hoạch tiêm cho động vật.