Ngày 23.11, UBND tỉnh Quảng Bình đã thảo luận về Báo cáo đồ án Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện hai bên bờ sông Gianh và Quốc lộ 12A, đoạn từ khu vực thị trấn Đồng Lê đến cửa sông Gianh, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030.
Về định hướng phát triển mang tính liên kết vùng, UBND tỉnh Quảng Bình đã có quyết định số 2277/QĐ-UBND ngày 21.7.2021 về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng liên huyện hai bên bờ sông Gianh và Quốc lộ 12A, với phạm vi lập quy hoạch liên quan đến địa giới hành chính các huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch và thị xã Ba Đồn với 33 xã, phường, thị trấn.
Quy mô lập quy hoạch có diện tích hơn 61.000ha với dân số khoảng 200.000 người. Trong đó, diện tích vùng đất nghiên cứu quy hoạch khoảng 27.000ha, vùng diện tích ghép nối khoảng 34.000ha. Đồ án thể hiện khung cấu trúc không gian bao gồm 1 hành lang xanh; 2 trục kết nối kinh tế kỹ thuật và 4 điểm cực phát triển.
Đồ án quy hoạch được chia làm 3 vùng không gian phát triển. Trong đó, vùng phía Đông phát triển về kinh tế tổng hợp, với dịch vụ du lịch chất lượng cao, thương mại dịch vụ đa ngành chiếm chủ đạo với việc tổ chức không gian đô thị thị xã Ba Đồn và một phần đô thị Hoàn Lão với vai trò là đô thị trung tâm của tiểu vùng phía Bắc. Đây được xác định là điểm trung chuyển của hành lang kinh tế Đông - Tây và hành lang Bắc - Nam.
Thứ hai là vùng trung tâm phát triển các ngành du lịch sinh thái-nông nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ du lịch, vật liệu xây dựng, khai khoáng. Trong đó, xã Tiến Hóa được xác định phát triển trở thành thị trấn trung tâm với vai trò là đô thị hỗ trợ.
Vùng phía Tây với khu vực Khe Nét là vùng bảo tồn dự trữ thiên nhiên. Khu vực Đồng Lê phía Nam sông Gianh phát triển dịch vụ hỗ trợ trung chuyển, giao thương kinh tế thương mại, phát triển thị trấn Đồng Lê làm đô thị trung tâm.
Được biết, quy hoạch nhằm mục tiêu cụ thể hóa các chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và Quy hoạch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, địa phương xác định các tiềm năng, lợi thế, khu vực động lực phát triển, tạo cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và chi tiết, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan đã trao đổi, thảo luận, phân tích những thuận lợi, khó khăn, các căn cứ và yếu tố liên quan để xây dựng quy hoạch, phù hợp với Quy hoạch tỉnh Quảng Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các đơn vị cũng góp ý các nội dung về bảo đảm sự kết nối, các phân khu phát triển, quy hoạch ngành, lĩnh vực… Hai bên bờ sông Gianh là trung tâm của không gian phát triển, do đó, các đại biểu yêu cầu bảo vệ được dòng sông, giữ được vẻ đẹp, không để sông bị xâm lấn làm biến dạng và đặc biệt là chống bồi lắng cửa sông.
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng yêu cần cần bảo đảm tính kết nối cho hai bờ sông Gianh cũng như dọc tuyến Quốc lộ 12A và 12C với khu vực có tính động lực khác; phù hợp với Quy hoạch tỉnh, các quy hoạch vùng, địa phương, quy hoạch sử dụng đất... đã được phê duyệt; xem xét điều chỉnh phạm vi quy hoạch theo dòng sông Gianh và trục 12A, 12C lên đến khu vực Cha Lo.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng nhấn mạnh yêu cầu cần thiết của đồ án Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện hai bên bờ sông Gianh và Quốc lộ 12A, đoạn từ khu vực thị trấn Đồng Lê đến cửa sông Gianh, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, là phục vụ khai thác tốt không gian phát triển, tôn vinh lịch sử, văn hóa của sông Gianh trong định hướng phát triển thời gian tới. Do đó, cần xác định trục trung tâm, không gian phát triển khu vực sông Gianh để định hướng xây dựng đồ án quy hoạch, tạo cơ sở phát triển kinh tế-xã hội, không gian phát triển của các địa phương trên trục chính là hai bờ sông Gianh, tuyến Quốc lộ 12A và 12C; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng để phát triển kinh tế, du lịch, dân cư, đô thị...
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu cần bảo đảm cho công tác quản lý đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo sự kết nối chặt chẽ, thống nhất trong việc khai thác hiệu quả các chương trình, dự án nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, gắn với lợi thế khu vực, vùng kinh tế Đông - Tây trên tuyến Quốc lộ 12A và vùng sông Gianh kết nối với các địa bàn trong sự phát triển chung của tỉnh.