Quan hệ đồng minh của Mỹ sẽ ra sao?

- Thứ Sáu, 13/11/2020, 08:36 - Chia sẻ
Trong suốt nhiệm kỳ qua, sự quay lưng của Chính quyền Donald Trump đối với các đồng minh và các thể chế đa phương đã khiến sức mạnh vượt trội của Mỹ suy yếu tương đối, cũng như tạo ra một thế giới nguy hiểm hơn. Người kế nhiệm ông sẽ cần đôi tay khéo léo để sửa chữa di sản kém danh giá này.

Tìm lại nội hàm cho “phương Tây”

Các đồng minh của Mỹ cần được thông cảm nếu họ thấy bối rối về hướng đi trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong ba năm qua, Tổng thống Donald Trump đã gây ra sự hỗn loạn chiến lược và chính sách đối ngoại của ông, nếu người ta có thể gọi nó như vậy, đã mang lại ý nghĩa mới cho sự không nhất quán. Theo mặc định, Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ tốt hơn. Nhưng có phải ông Donald Trump đã thay đổi nước Mỹ đến mức thế giới không thể tin rằng nó sẽ bình thường trở lại?

Trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, Tổng thống Donald Trump đã làm xấu mặt các đồng minh châu Âu khi công khai ủng hộ Brexit. Tại Hội nghị An ninh Munich thường niên năm 2020, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đều thừa nhận rằng, vị tổng thống xuất thân từ giới tài phiệt của Mỹ đã gây thiệt hại về cơ bản cho liên minh xuyên Đại Tây Dương. Thông điệp của họ rất rõ ràng: Nếu ông Donald Trump giành chiến thắng trong nhiệm kỳ thứ hai, mối quan hệ đối tác lịch sử từ lâu vốn tạo thành cụm từ “phương Tây” trong địa chính trị sẽ không còn nội hàm như trước. Các nhà lãnh đạo thận trọng ít nhiều đều chuẩn bị cho những kịch bản đầy bất trắc và thiếu ổn định hơn nữa nếu ông Donald Trump tái đắc cử.

Tất nhiên, Pháp và Đức có nhiều lý do để bất đồng với Mỹ, có thể là về quan hệ thương mại, cách tiếp cận của Tổng thống Macron với Điện Kremlin, hoặc cách tiếp cận tương đối ít đối đầu của cả hai nước đối với Trung Quốc. Tổng thống Macron, người tháng 11 năm ngoái đã làm dậy sóng phương Tây khi chỉ trích NATO là tổ chức “não tàn”, không đã giấu giếm khi chỉ đích danh sự thất thường của đối tác Mỹ là nguyên nhân cho sự suy tàn của Liên minh Bắc Đại Tây Dương, được thể hiện rõ nhất qua việc Washington làm ngơ trước việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Syria tấn công người Kurd cũng như quyết định của Tổng thống Donald Trump rút quân khỏi Syria. Cũng chính vì lý do đó, Tổng thống Macron xác định 2 nhiệm vụ chính đối với châu Âu. Thứ nhất, cần giành quyền tự chủ trong lĩnh vực an ninh, cũng như trong các vấn đề chiến lược. Thứ hai, người châu Âu cần nối lại cuộc đối thoại chiến lược với Moscow, dù cho việc này cần thời gian.

Nhưng ở Paris và Berlin, cũng như những nơi khác ở châu Âu, phản ứng đối với Mỹ không chỉ là vấn đề an ninh, mà còn là các biện pháp trừng phạt thương mại Mỹ nhằm vào đồng minh của mình. Người châu Âu thấy chính quyền của ông Donald Trump từ chối mối quan hệ an ninh xuyên Đại Tây Dương và vai trò trung tâm của Mỹ trong sự can dự toàn cầu, trong mọi lĩnh vực. Người kế nhiệm ông Donald Trump có thể sẽ từ bỏ chủ nghĩa “rút lui” mà ông theo đuổi, được ngụy trang dưới khẩu hiệu “nước Mỹ là trên hết” như việc rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp ước Chống biến đổi khí hậu, Tổ chức Y tế Thế giới… Nhưng ngay cả với một cách tiếp cận mới, những thiệt hại mà chính quyền cũ đã gây ra cho các mối quan hệ đồng minh và các đối tác không dễ dàng được sửa chữa, hoặc khó có thể thay đổi quan điểm của các nhà lãnh đạo châu Âu rằng EU phải có cơ chế để tự bảo vệ mình.

Nguồn: ITN

Khôi phục lòng tin ở phương Đông

Cách đối xử của ông Donald Trump với các đồng minh của Mỹ ở châu Á cũng là một “tấm gương” khiến người châu Âu phải tự cảnh giác về việc phải chuẩn bị cho mối quan hệ an ninh ngày càng xấu đi. Bất chấp sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump đã cố gắng biến các liên minh quan trọng của Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản thành các mối quan hệ ít tốn kém cho Mỹ. May mắn thay, ông Biden, người từng giữ chức Phó Tổng thống dưới thời Obama, hiểu rất rõ những gì ông Donald Trump không muốn hiểu, rằng các hiệp ước quốc phòng của Mỹ với hai quốc gia đó đã củng cố sự ổn định của Đông Á trong 70 năm và mang lại rất nhiều lợi ích cho Mỹ mà không thể đong đếm bằng tiền. Ông Donald Trump từng chỉ trích cả hai mối quan hệ là “những thỏa thuận tồi tệ” và ông Biden sẽ cần thuyết phục người Mỹ từ bỏ chính sách ngoại giao sặc mùi tiền bạc của người tiền nhiệm.

Trên thực tế, Hàn Quốc và Nhật Bản đã chia sẻ chi phí quốc phòng với Mỹ để đổi lại sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á trong nhiều thập kỷ. Hàn Quốc chi trả hơn 40% chi phí hoạt động của các lực lượng Mỹ đóng tại đó; bao gồm 92% trong số 10,7 tỷ USD của Bộ chỉ huy Hoa Kỳ chuyển đến các cơ sở mới bên ngoài Seoul, cũng như các hợp đồng mua khí tài quân sự trị giá hàng tỷ USD của Mỹ. Về phần mình, Nhật Bản cung cấp 2 tỷ USD/năm để hỗ trợ 54.000 lính Mỹ; họ mua 90% khí tài quân sự từ các công ty Mỹ, và đã trang bị 19,7 tỷ USD (77% tổng chi phí) để xây dựng ba căn cứ chính.

Thế nhưng trong gần một năm qua, Chính quyền Tổng thống Donald Trump liên tục yêu cầu Nhật Bản tăng chi phí duy trì quân đội Mỹ được triển khai tại Nhật Bản mỗi năm. Thỏa thuận về việc Tokyo chi 2 tỷ USD để triển khai hơn 50.000 lính Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản sẽ hết hạn vào tháng 3.2021. Để tiếp tục một thỏa thuận mới, Washington yêu cầu Tokyo tăng gấp bốn lần số tiền này, tương ứng với khoảng 8 tỷ USD. Cùng với đó, Mỹ cũng yêu cầu tăng gấp 5 lần chi phí để duy trì quân đội của mình tại Hàn Quốc, lên khoảng 4,7 tỷ USD/năm. Thêm vào đó là những rò rỉ thông tin về khả năng rút quân của Mỹ cũng như tuyên bố của Mỹ vào tháng 7.2020 rằng 12.000 lực lượng Mỹ sẽ rời Đức. Rõ ràng, chính quyền của ông Biden không chỉ cần đề ra chiến lược đàm phán mới mà còn phải khởi động lại cả một chiến dịch để tìm lại sự tin tưởng của các đồng minh vào vai trò bảo đảm an ninh của Mỹ.

Ngay cả khi ông Biden nắm quyền, mối quan hệ chính trị đang trắc trở giữa Hàn Quốc và Mỹ, vốn đã bước ra từ các cuộc đàm phán về tăng chi phí quốc phòng, chắc chắn sẽ không bỗng dưng trở nên suôn sẻ. Tại Nhật Bản, các cuộc đàm phán chính thức đã bắt đầu vào tháng trước và hai bên cần đàm phán cho đến tháng 3.2021 để gia hạn thỏa thuận. Ông Biden chắc chắn sẽ khiến cho tiến trình này trở nên thuận lợi hơn. Tuy nhiên, Thủ tướng mới của Nhật Bản vẫn hoài nghi về độ bền vững trong những cam kết an ninh của Mỹ.

Việc quay lại “đối xử với đồng minh như đồng minh” cũng là một chặng đường dài đối với ông Biden. Chiến thắng trong bầu cử của ông chắc chắn đã mang lại tiếng thở phào nhẹ nhõm ở Seoul và Tokyo. Đáng buồn thay, di sản của Tổng thống Donald Trump sẽ tồn tại ngay cả khi ông đã rời Nhà Trắng. Trong mọi lĩnh vực, từ chăm sóc sức khỏe đến biến đổi khí hậu… đều là những vấn đề cần được người kế nhiệm chú ý. Chính sách đối ngoại, do đó, sẽ phải nhường chỗ cho các ưu tiên trong nước. Đối với các đồng minh của Mỹ, kiên nhẫn sẽ vẫn là một đức tính tốt. Việc giải quyết những sai lầm trong quan hệ đồng minh dưới thời ông Donald Trump sẽ mất không ít thời gian. Như ông đã nói từ ​​năm 1990, ông muốn định hình lại các dàn xếp quốc phòng của Mỹ và thay đổi hoàn toàn vai trò của nước Mỹ trên thế giới. Ông Donald Trump có thể chỉ khoa trương về vấn đề nào đó khác, chứ riêng vấn đề này, tiếc thay ông đã giữ lời.

Quốc Đạt theo PS