Cơ cấu tổ chức của QH nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong Hiến pháp năm 1980 đã có những quy định đầy đủ hơn về vị trí, tính chất, nhiệm vụ, quyền hạn của QH nói riêng và các cơ quan dân cử nói chung. Nếu theo Hiến pháp 1959, UBTVQH là cơ quan thường trực của QH thì theo Hiến pháp 1980, cơ quan thường trực của QH là Hội đồng Nhà nước. Mặt khác, theo Hiến pháp 1980, Hội đồng Nhà nước còn là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Và nếu theo Hiến pháp 1959, khi QH họp thì bầu Chủ tịch đoàn để điều khiển phiên họp thì đến Hiến pháp 1980, QH bầu ra Chủ tịch và các Phó chủ tịch QH. Chủ tịch và các Phó chủ tịch QH chủ tọa các phiên họp của QH. Như vậy, Chủ tịch QH, Phó chủ tịch QH là một thiết chế mới trong Hiến pháp 1980 so với Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của QH theo Hiến pháp 1980 về cơ bản không thay đổi so với Hiến pháp 1959, tiếp tục khẳng định vị trí tối cao của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Hiến pháp 1980 sau khi quy định những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của QH, Hiến pháp còn cho phép “Quốc hội có thể định cho mình những nhiệm vụ và quyền hạn khác, khi xét thấy cần thiết”. Như vậy, với quy định trên thì có thể hiểu nhiệm vụ và quyền hạn của QH là không hạn chế.
Theo tinh thần của Hiến pháp 1980, QH nước ta thống nhất các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng như quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ các cơ quan trong bộ máy nhà nước.
Trong Hiến pháp năm 1980, một chế định mới được thiết lập, đó là Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều 98, Hiến pháp 1980 quy định: “Hội đồng Nhà nước là cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của QH, là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Như vậy, Hội đồng Nhà nước vừa thực hiện chức năng của UBTVQH, vừa thực hiện chức năng của Chủ tịch Nước. Theo đó, thẩm quyền của Hội đồng Nhà nước tương đương với thẩm quyền của UBTVQH cộng với thẩm quyền của Chủ tịch Nước trong Hiến pháp 1959.
Quy định của Hiến pháp 1980 cho thấy, quyền hạn của Hội đồng Nhà nước là rất lớn (quy định cụ thể tại Điều 89, 100 của Hiến pháp 1980). Hội đồng Nhà nước là cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của QH. Hội đồng Nhà nước thực hiện những nhiệm vụ và sử dụng những quyền hạn được Hiến pháp, các luật và nghị quyết của QH giao cho, quyết định những vấn đề quan trọng về xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; giám sát việc thi hành Hiến pháp, các luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH và của Hội đồng Nhà nước, giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước.
Chế định nguyên thủ quốc gia (Chủ tịch Nước) là cá nhân trong Hiến pháp 1959 đã trở thành nguyên thủ quốc gia tập thể dưới hình thức Hội đồng Nhà nước trong Hiến pháp 1980. Hội đồng Nhà nước là Chủ tịch Nước tập thể của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là mô hình tổ chức nguyên thủ quốc gia chung của các nhà nước xã hội chủ nghĩa mà ở đó nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa được vận dụng đậm nét. Vào thời điểm chúng ta xây dựng Hiến pháp 1980, nhiều nước xã hội chủ nghĩa cũng có hình thức Chủ tịch Nước tập thể, tuy có sự khác nhau về tên gọi. Ví dụ: Ba Lan, Bulgaria, Rumania... gọi là Hội đồng Nhà nước; Hungary gọi là Hội đồng Chủ tịch nước; Liên Xô gọi là Đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao; Albani gọi là Đoàn Chủ tịch Quốc hội...
Thể chế Chủ tịch Nước tập thể, trong thực tế đã thể hiện những ưu điểm và nhược điểm nhất định của nó.
Ưu điểm của thể chế này là các vấn đề quan trọng của đất nước thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Nước đều được thảo luận, bàn bạc tập thể và quyết định theo đa số. Vì vậy, các quyết định thường chính xác và khách quan hơn một người quyết định. Chế độ nguyên thủ tập thể có sự phối kết hợp giữa Hội đồng Nhà nước với QH. Nhược điểm của thể chế này là do mọi vấn đề đều phải bàn bạc tập thể để đi đến sự thống nhất nên phải mất nhiều thời gian mới có quyết định cuối cùng - dẫn đến công việc thực hiện chậm chạp. Mặt khác, trách nhiệm và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước quy định cũng chưa thật rõ ràng trong Hiến pháp. Hội đồng Nhà nước thông qua Chủ tịch Hội đồng thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại (Điều 98, Hiến pháp 1980). Như vậy, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước theo Hiến pháp 1980 hẹp hơn nhiều so với Chủ tịch Nước trong Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959. Hiến pháp 1980 cũng không “cá thể hóa” trách nhiệm của các thành viên Hội đồng Nhà nước. Do quy định của Hiến pháp về chức năng Chủ tịch tập thể của Hội đồng Nhà nước, cho nên nhiều khi không thể hiện rõ vai trò của nguyên thủ quốc gia.
Theo Hiến pháp 1980, mối quan hệ giữa Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất với Hội đồng Nhà nước thể hiện ở một số điểm cơ bản. Đó là: Hội đồng Nhà nước là cơ quan hoạt động thường xuyên của QH, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước QH (Điều 98); QH quy định tổ chức của Hội đồng Nhà nước, bầu và bãi miễn các Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng Nhà nước (Điều 83, các khoản 6,7); QH xem xét báo cáo công tác của Hội đồng Nhà nước (Điều 83, khoản 9). Ngoài những nhiệm vụ và quyền hạn được Hiến pháp quy định, Hội đồng Nhà nước còn thực hiện những nhiệm vụ và quyền hạn được quy định trong các luật và nghị quyết của QH ( Điều 98).
Trong Hiến pháp 1980, các cơ quan khác của QH bao gồm Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban thường trực của QH.
Hội đồng Dân tộc do QH bầu ra và chịu trách nhiệm trước QH, trong thời gian QH không họp thì chịu trách nhiệm trước Hội đồng Nhà nước. Hội đồng Dân tộc có nhiệm vụ nghiên cứu và kiến nghị với QH, Hội đồng Nhà nước những vấn đề có liên quan đến chính sách dân tộc; giúp QH và Hội đồng Nhà nước giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc của nhà nước. Cơ cấu của Hội đồng Dân tộc bao gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các ủy viên. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc có quyền tham dự các phiên họp của Hội đồng Nhà nước.
Các Ủy ban thường trực của QH do QH bầu ra và chịu trách nhiệm trước QH, trong thời gian QH không họp thì chịu trách nhiệm trước Hội đồng Nhà nước. Ủy ban thường trực của QH có Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các ủy viên. Ủy ban thường trực của QH có nhiệm vụ nghiên cứu, thẩm tra những dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác hoặc những báo cáo mà QH và Hội đồng Nhà nước giao cho; kiến nghị với QH và Hội đồng Nhà nước những vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của ủy ban; giúp QH và Hội đồng Nhà nước thực hiện quyền giám sát. Hiến pháp 1980 cũng quy định, khi xét thấy cần thiết, QH và Hội đồng Nhà nước có thể thành lập các ủy ban lâm thời để thực hiện những công việc nhất định.
Sự tồn tại của Hiến pháp 1980 gắn liền với tổ chức và hoạt động của Quốc hội Khóa VII và Khóa VIII.
Cuộc bầu cử ĐBQH Khóa VII diễn ra vào ngày 26 tháng 4 năm 1981 với tổng số 496 ĐBQH. QH Khóa VII đã bầu ra Chủ tịch QH và 9 Phó Chủ tịch QH. Về cơ cấu tổ chức Hội đồng Nhà nước của QH Khóa VII, có: Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch, 1 Tổng thư ký và 7 ủy viên. QH Khóa VII đã bầu ra Hội đồng Dân tộc và 7 Ủy ban của Quốc hội; bầu ra Đoàn thư ký kỳ họp của QH gồm 8 người.
Cuộc bầu cử ĐBQH Khóa VIII được tiến hành vào ngày 19 tháng 4 năm 1987 với tổng số 496 ĐBQH. QH Khóa VIII đã bầu ra Chủ tịch và 5 Phó chủ tịch QH. Cơ cấu tổ chức Hội đồng Nhà nước của QH Khóa VIII có: Chủ tịch, 4 Phó chủ tịch, 1 Tổng thư ký và 7 ủy viên. QH Khóa VIII đã bầu ra Hội đồng Dân tộc và 7 Ủy ban của QH. Đoàn thư ký kỳ họp QH có 8 người.
Ở QH Khóa VII và Khóa VIII, tỷ lệ các thành phần xã hội trong cơ cấu ĐBQH không có những thay đổi lớn so với các Khóa QH trước đó. Tuy nhiên, do Hiến pháp đã được sửa đổi theo hướng kết hợp chế độ tập thể nguyên thủ quốc gia (Hội đồng Nhà nước) với chế độ của thường trực cao nhất giữa hai kỳ họp QH; đồng thời tách chế định Chủ tịch, các Phó chủ tịch QH thành một loại cơ quan độc lập. Vì vậy, so với UBTVQH các khóa trước đây (theo Hiến pháp 1959), thì cơ cấu, số lượng thành viên Hội đồng Nhà nước đã giảm đi. Nhưng, số lượng các Phó chủ tịch QH tăng lên.
Cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, tuy không có thay đổi nhiều so với trước đây, nhưng ở một số Ủy ban, số lượng các thành viên đã tăng lên đáng kể. Việc thiết kế mô hình và cơ cấu tổ chức các cơ quan của QH theo Hiến pháp 1980 là một bước cải tiến, nhằm mục đích áp dụng chế độ tập thể trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đây là một hướng đi rất phù hợp với điều kiện của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, qua thực tiễn bố trí nhân sự và cơ chế vận hành, cơ chế này đã bộc lộ nhiều nhược điểm, không đáp ứng kịp thời những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Đó cũng là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc sửa đổi, bổ sung nhiều chế định liên quan đến bộ máy nhà nước trong Hiến pháp 1992 sau này.
Xét trên phương diện tổ chức và phương thức hoạt động, thì nguyên nhân làm hạn chế đến hiệu lực và hiệu quả hoạt động của QH các khóa theo Hiến pháp 1980 là do tổ chức của QH chưa phù hợp và chưa đủ mạnh. Cơ cấu tổ chức của QH chưa hợp lý. Hầu hết các ĐBQH đều hoạt động kiêm nhiệm, nên ít có thời gian dành cho hoạt động của QH. Các cơ quan của QH còn thiếu nhiều thành viên làm việc chuyên trách. Cơ cấu tổ chức các cơ quan của QH còn nặng về đại diện thành phần cho các tổ chức, các lĩnh vực và mang tính mặt trận. Cơ chế và phương thức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của QH, các cơ quan của QH và các ĐBQH chưa được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật. Sự nghèo nàn, thiếu thốn và lạc hậu về các điều kiện, phương tiện vật chất, kỹ thuật, đặc biệt là chế độ thông tin, cũng là những nguyên nhân hạn chế hiệu quả hoạt động của QH nói chung.