Với hơn 100 đại biểu tham dự, hội thảo nhằm làm rõ bối cảnh mới và xu thế phát triển của hàng không thế giới. Trên cơ sở nhận diện thời cơ và thuận lợi, khó khăn và thách thức, các đại biểu đưa ra những đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách và khơi thông các nguồn lực giúp ngành hàng không phục hồi và phát triển.
Theo các đại biểu, ngành hàng không có tầm quan trọng đặc biệt. Tính toán của các chuyên gia quốc tế cho thấy, hàng không tăng trưởng 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng GDP quốc gia 1%.
Đại dịch Covid - 19 là cú sốc lớn nhất với ngành hàng không kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Ngành hàng không Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề trong năm 2020 và 2021. Thị trường quốc tế đóng cửa, các hãng hàng không trong nước gần như phải dừng hoàn toàn các hoạt động khai thác quốc tế (chiếm trung bình khoảng 60% năng lực khai thác). Thị trường nội địa cũng suy giảm nghiêm trọng.
Năm 2022, ngành hàng không nước ta bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu phục hồi nhờ vào chương trình tiêm chủng được triển khai rộng rãi trên toàn quốc cùng với các quy định phòng, chống dịch Covid - 19 được thực hiện nghiêm ngặt, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta chuyển sang thích ứng an toàn và hiệu quả với đại dịch.
Tuy nhiên, việc phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới có nhiều thách thức. Các đại biểu cho rằng, để vượt qua, Chính phủ phải xây dựng một đề án tổng thể cơ cấu lại ngành hàng không. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp hàng không nhanh chóng khắc phục hậu quả dịchCovid -19 để lại.
Đặc biệt, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp ngành hàng không, du lịch và trực tiếp tổ chức các hoạt động quảng bá về Việt Nam để giúp ngành hàng không, du lịch thu hút thêm khách du lịch và các nhà đầu tư quốc tế.Tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng, đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng của ngànhhàng không và hệ thống cơ sở hạ tầng có liên quan tới hoạt động của ngành hàng không.
Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục chuẩn bị và sớm triển khai đàm phán với những quốc gia là thị trường có tiềm năng lớn để các hãng có điều kiện thuận lợi thâm nhập và khai thác. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong quản lý nhà nước về hàng không; xây dựng và điều phối thực hiện chiến lược đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực cho ngành.
Phát biểu kết luận, PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh hội thảo đã làm rõ vai trò quan trọng của ngành hàng không trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; trong xây dựng và phản ánh thương hiệu, hình ảnh, vị thế, trình độ phát triển của quốc gia
Trong bối cảnh mới, ngành hàng không phải đối diện nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội, đặc biệt khi Việt Nam đi đầu trong mở cửa sau đại dịch. “Điều quan trọng là chúng ta có tận dụng được cơ hội này không”.
Về giải pháp phục hồi và phát triển trong giai đoạn mới, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, trước hết cần thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò của ngành hàng không trong khôi phục nền kinh tế cả ngắn hạn và dài hạn.
Bên cạnh đó, ngành hàng không muốn phát triển phải hình thành hệ sinh thái và cộng sinh, bổ trợ cho nhau; phải kết nối với các ngành đi kèm, trong đó tư cách của ngành hàng không là trụ cột của lĩnh vực logistics. Vấn đề kết nối giữa hàng không với các định chế, cơ chế, chính sách để phân bổ nguồn lực phải được thể chế hóa để ngành có nguồn lực phát triển.