Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu và Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân đồng chủ trì hội thảo.
Tham dự có: đại diện Thường trực một số cơ quan của Quốc hội; đại diện Tỉnh ủy, đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND một số tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên và các chuyên gia, nhà khoa học.
Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 là cơ sở pháp lý quan trọng, toàn diện cho việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Để tiếp tục hoàn thiện thể chế trong công tác giám sát phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Hội đồng Dân tộc là cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, đây là dự án Luật khó, bởi sự đánh giá tác động rộng, khó bởi đối tượng và phạm vi điều chỉnh, khó bởi những căn cứ chính trị pháp lý và thực tiễn có nhưng chưa nhiều, đặc biệt là mảng hoạt động giám sát của HĐND. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Trong đó, về cơ sở chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội gợi mở, cần tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp với thực tiễn.
Về cơ sở pháp lý, cùng với một số luật chuyên ngành đã ban hành (như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…), Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có ý nghĩa rất quan trọng để Quốc hội, HĐND thực hiện chức năng giám sát của mình. Vì vậy, cần rà soát, nghiên cứu kỹ, rà soát cả các luật khác để xác định những vấn đề mới, những bất cập cần đề xuất sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tránh nêu tràn lan, quá nhiều văn bản.
Về cơ sở thực tiễn, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cần làm rõ kết quả thực hiện các quy định của Luật hiện hành và các văn bản hướng dẫn, thi hành, nhất là những tồn tại, khó khăn, vướng mắc và chỉ rõ nguyên nhân, trong đó phải nêu cụ thể vướng mắc với quy định của Luật hoặc văn bản dưới luật nào. Đồng thời, cần nghiên cứu những cách làm mới, hiệu quả trong hoạt động giám sát để làm căn cứ đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung cho phù hợp. Các nội dung này cần tập trung thể hiện trong Báo cáo tổng kết và báo cáo đánh giá tác động chính sách. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị HĐND các tỉnh, thành phố rà soát, đối chiếu xem những nội dung này đã đầy đủ và phù hợp chưa.
Về mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý kiến để sửa đổi, bổ sung những nội dung thật sự quan trọng, cơ bản, nhằm khắc phục vướng mắc lớn trong thực hiện luật, tránh để kéo dài. Tinh thần là, những gì đã chín, đã rõ thì đưa vào luật, những nội dung nào chưa đủ cơ sở thì nên quy định trong văn bản dưới luật hoặc cho làm thí điểm, tránh quy định cả những vấn đề vướng mắc do hiểu và tổ chức thực hiện luật không đúng.
Về phạm vi điều chỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phải bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm.
Về hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật, hiện nay có 152 đơn vị có báo cáo nên yêu cầu đặt ra là phải tổng hợp, đánh giá bảo đảm ngắn gọn, súc tích, đầy đủ, bao quát nhưng hết sức cụ thể những vấn đề trong mục tiêu quan điểm cần làm; chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc cụ thể do nguyên nhân nào (do luật này hoặc do các luật khác có liên quan, văn bản dưới luật hay do khâu tổ chức thực hiện không đúng…) để lựa chọn những nội dung phù hợp đề xuất khi sửa luật.
“Báo cáo đánh giá tác động cần được đánh giá kỹ và thật sự khách quan, không phải mình thích gì mình báo tốt, không thích thì bảo tác động tiêu cực ít. Nhiều dự án luật đã gặp phải trường hợp này và các cơ quan thẩm tra đã có ý kiến với Chính phủ. Lần này Báo cáo đánh giá tác động của chúng ta phải sáng sủa và mạch lạc, cố gắng làm mẫu", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tại hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành Luật, Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật đã được hoàn thiện và đăng tải lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội (từ ngày 1.12.2023); gửi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức hữu quan, đối tượng chịu tác động theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đến nay, đã có 11/13 cơ quan của Quốc hội, 23/24 bộ, ngành, 61/63 Đoàn đại biểu Quốc hội và 58/63 HĐND các tỉnh, thành phố có ý kiến góp ý đối với hồ sơ lập đề nghị. Các ý kiến của các cơ quan hữu quan đã được tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ và Hồ sơ lập đề nghị sau khi được chỉnh lý, hoàn thiện, hiện đang được gửi lấy ý kiến Chính phủ trước khi gửi thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Hội thảo hôm nay là hội thảo thứ tư trong chuỗi các hoạt động của quy trình lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng Luật. Theo kế hoạch, Hội đồng Dân tộc sẽ tổ chức ít nhất 5 Hội thảo tham vấn ý kiến tại các khu vực khác nhau trên địa bàn cả nước, làm cơ sở để hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là các diễn đàn rất quan trọng để Hội đồng Dân tộc, Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập dự án Luật cũng như các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các địa phương đại diện các khu vực, các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận đối với các vấn đề liên quan trong hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nói.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham luận, thảo luận thẳng thắn, trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vấn đề: xác định các tồn tại, vướng mắc chủ yếu trong thực tiễn hoạt động giám sát tại địa phương qua hơn 8 năm thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; các vấn đề thực tiễn phát sinh chưa có quy định của Luật điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ, chưa rõ ràng; các chính sách trong các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật (như: chính sách trong các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến hoạt động giám sát...) cần được luật hóa tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Các đại biểu cũng tập trung góp ý các nội dung được thể hiện trong các tài liệu của hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật, nhất là các chính sách, các kiến nghị sửa đổi, bổ sung liên quan đến hoạt động giám sát tại địa phương... Kiến nghị thêm các giải pháp về chính sách, nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Hoạt động giám sát hiện hành để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan có thẩm quyền.
Kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao sự tích cực, sẵn sàng nhận nhiệm vụ của Thường trực Hội đồng Dân tộc trong khi nhân lực của Thường trực Hội đồng Dân tộc và Vụ chuyên môn ít, việc xây dựng luật này là mới nhưng phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ trong năm 2023 (như chủ trì giúp Quốc hội giám sát 3 CTMTQG, qua giám sát đã đề xuất, giúp Quốc hội ban hành Nghị quyết về một số chính sách đặc thù trong thực hiện các CTMTQG để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc). Tuy đến thời điểm này có chậm so với tiến độ mà UBTVQH đã đề ra, nhưng Hội đồng Dân tộc đã có nhiều cố gắng triển khai các công việc cần thiết để phục vụ cho việc lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật gửi Bộ Tư pháp thẩm định và tổ chức 4 cuộc Hội thảo để thu thập thêm những thông tin cần thiết.
Phó Chủ tịch Quốc hội cảm ơn các đại biểu tham dự hội thảo đã rất trách nhiệm, tâm huyết, phân tích, làm rõ hơn về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật hiện hành, đóng góp nhiều ý kiến về các chính sách và đề xuất phương án cụ thể chỉnh lý nhiều điều khoản của dự thảo Luật, cũng như góp ý chỉnh lý về thể thức văn bản, văn phong pháp lý…
"Qua đó, tôi đề nghị các đồng chí phải xác định được những nội dung trọng tâm cần sửa đổi, bổ sung, đồng thời cần lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học, người quản lý, người có kinh nghiệm để hoàn thiện hồ sơ. Nếu hồ sơ bảo đảm chất lượng thì sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp tháng 4.2024 và trình Quốc hội xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Bảy (tháng 5.2024), xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám (tháng 10.2024). Sau Hội nghị này, đề nghị các đồng chí khẩn trương tổng hợp, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, ý kiến của Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, địa phương để hoàn thiện Hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 4.2024 bảo đảm chất lượng, phấn đấu làm mẫu cho các dự án luật sau này", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đối với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phát huy trách nhiệm, bố trí công việc hợp lý để tích cực tham gia đóng góp công sức, trí tuệ và kinh nghiệm trong việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật; cần kế thừa, học tập kinh nghiệm của các Ủy ban của Quốc hội, nghiên cứu tổ chức thêm một số hội thảo, tọa đàm, tham vấn ý kiến chuyên gia trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật.