Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh - Phó Trưởng Đoàn giám sát; Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc; các thành viên Đoàn giám sát, chuyên gia và thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2016 - 2021, số tiết kiệm ngay trong dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương là 557,065 tỷ đồng; trong quá trình sử dụng và thanh quyết toán, các cấp ngân sách, các cơ quan, đơn vị tiết kiệm thêm 169,295 tỷ đồng.

Về sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, tỉnh đã giảm được 177 biên chế, công chức và 2.946 người làm việc, hoàn thành mục tiêu theo yêu cầu tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17.4.2015 của Bộ Chính trị; giảm 99 tổ chức sự nghiệp, 2 đơn vị hành chính cấp xã.
Về lập, thẩm định, triển khai thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư công, tỉnh đã tổ chức lựa chọn 6.196 gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn nhà nước, với tổng giá trị là 13.475 tỷ đồng; tổng giá trúng thầu là 13.351 tỷ đồng, tiết kiệm chung được 123,6 tỷ đồng…
Tỉnh Ninh Bình kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi) để khắc phục những vướng mắc, bất cập, những điểm chưa phù hợp với thực tế; Chính phủ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công, hoàn thiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng lĩnh vực cụ thể…

Đoàn giám sát lưu ý, việc ban hành các chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong giai đoạn 2016 – 2021 của Ninh Bình đều chậm so với thời gian quy định; đề nghị làm rõ trách nhiệm cơ quan tham mưu và ban hành các chương trình vì sao chưa đúng thời gian?
Trong lập, thẩm định, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước, Đoàn giám sát chỉ rõ, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước đã nêu một số tồn tại, bất cập, như: chưa bảo đảm đúng tính chất nguồn kinh phí; phân bổ chi đầu tư phát triển còn thiếu tập trung. Do đó, Ninh Bình cần bổ sung, làm rõ các nội dung Kiểm toán Nhà nước đã nêu, qua đó xác định số thất thoát, lãng phí trong việc chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về lập, thẩm định, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương ghi nhận những kết quả Ninh Bình đạt được trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua đó, góp phần quan trọng xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh của địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chuyên đề giám sát khó, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, đòi hỏi quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm và thống nhất nhận thức về nhiều vấn đề. Nhấn mạnh, địa phương là nơi trực tiếp áp dụng, tổ chức thi hành pháp luật và cũng là nơi kiểm chứng chính sách, pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu việc thống kê số liệu phải bảo đảm chính xác để từ đó có được những nhận định, đánh giá chính xác, đưa ra được kiến nghị, giải pháp đúng và trúng.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ninh Bình cần đánh giá đúng thực chất trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và bổ sung báo cáo gửi đến Đoàn giám sát; đánh giá thêm các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thời gian qua; làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, quy rõ trách nhiệm và giải pháp khắc phục. Với các đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật, Phó Chủ tịch đề nghị địa phương nêu cụ thể, rõ ràng cần sửa đổi, bổ sung ở điều, khoản nào hay cần ban hành mới; đồng thời, chỉ rõ quy định nào còn chung chung, thiếu cụ thể, mâu thuẫn, chồng chéo…

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Ninh Bình, cần tập trung chỉ đạo khắc phục tạo chuyển biến ngay trong quá trình giám sát với những vấn đề đã rõ, thuộc phạm vi thẩm quyền của địa phương; chỉ đạo các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với Đoàn giám sát, Tổ công tác của Đoàn giám sát trong quá trình xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chung để bảo đảm các nhận xét, đánh giá, kiến nghị trung thực, đầy đủ, khách quan, phù hợp và khả thi.