Tham dự có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Hoàng Phương; đại diện các Bộ: Công an, Tài chính, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo; các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, các chuyên gia, nhà khoa học.

Liên quan đến nội dung về công nghiệp bán dẫn, có ý kiến tại Hội thảo nêu vấn đề, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số chỉ nên quy định về công nghiệp bán dẫn phục vụ cho công nghiệp công nghệ số, chứ không điều chỉnh “lõi” của công nghiệp bán dẫn, vì dự thảo luật không thể bao quát được hết các chính sách cho công nghiệp bán dẫn.
Theo nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, phải phát huy được vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn phục vụ công nghiệp công nghệ số, tạo nên “những quả đấm thép” tự lực, tự cường trong lĩnh vực này.
Nhấn mạnh trong công nghiệp bán dẫn thì nhân sự chất lượng cao đặc biệt quan trọng, các ý kiến cho rằng, cần chú trọng phát triển đội ngũ kỹ sư, nhà khoa học trong lĩnh vực này; tiếp tục đầu tư cho các trường đại học, viện nghiên cứu. Nên chăng có chính sách yêu cầu các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài muốn được hưởng ưu đãi phải sử dụng nhân sự, kỹ sư, nhà khoa học của nước ta.

Nêu rõ hiện nay chưa có quy định pháp luật nào đề cập đến công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Hoàng Phương cho biết, đây là lần đầu tiên chúng ta quy định nội dung này trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Nếu không quy định, thì không thể thiết kế các chính sách ưu đãi để đầu tư công nghiệp bán dẫn, tăng cường nội lực đất nước trong nghiên cứu, chế tạo, sản xuất công nghiệp bán dẫn.
Đáng lưu ý, dự thảo luật cũng quy định hỗ trợ các công nghiệp phụ trợ trong công nghiệp bán dẫn, hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm công nghiệp bán dẫn; ưu đãi mua sắm các sản phẩm dịch vụ đáp ứng tiêu chí về thiết kế, sản xuất tại Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ số trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn khẳng định các ý kiến góp ý tại Hội thảo là cơ sở quan trọng để cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số; đồng thời có thể cân nhắc, xem xét quy định phát triển các sản phẩm lưỡng dụng trong công nghiệp công nghệ số trong dự thảo luật.