Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì Phiên họp.
Tham dự Phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, một số bộ ngành; một số chuyên gia về tài chính, tiền tệ…
Trình bày Tờ trình dự án Luật, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phan Tiến Dũng cho biết, dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) được xây dựng nhằm thực hiện yêu cầu của Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 - 2020; Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố”. Việc sửa đổi Luật hiện hành cũng thể hiện nỗ lực của Việt Nam nhằm khắc phục một số thiếu hụt về cơ sở pháp lý so với các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) đã chỉ ra trong Báo cáo đánh giá đa phương về công tác phòng, chống rửa tiền của Việt Nam.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, dự thảo Luật gồm 4 Chương, 54 Điều, trong đó, bổ sung 9 điều mới, sửa đổi 43 điều, hủy bỏ 7 điều, chỉ 2 điều trong Luật hiện hành được giữ nguyên. Để đáp ứng khuyến nghị của FATF và phù hợp với thực tiễn triển khai hoạt động đánh giá rủi ro quốc gia, ngành, đối tượng báo cáo về rửa tiền, dự thảo Luật bổ sung các quy định về đánh giá rủi ro quốc gia, ngành, đối tượng báo cáo về rửa tiền. Theo đó, dự thảo Luật quy định định kỳ 5 năm, Ngân hàng Nhà nước chủ trì thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền tại Việt Nam và thực hiện cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền trong trường hợp có rủi ro phát sinh, trình Chính phủ phê duyệt kết quả đánh giá. Các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm triển khai đánh giá, cập nhật rủi ro ngành về rửa tiền trên cơ sở kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tình hình thực tế hoạt động của ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành. Dự thảo Luật cũng giao Chính phủ quy định về tiêu chí đánh giá rủi ro quốc gia, ngành về rửa tiền.
Gợi ý phát biểu thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt nêu rõ, đây là dự án Luật chuyên ngành khó, phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, thuộc trách nhiệm của nhiều Bộ, ngành liên quan, trong đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác này. Theo chương trình, dự án Luật sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 14, chờ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua theo quy trình của một kỳ họp tại Kỳ họp thứ Tư tới (nếu đủ điều kiện). Do vậy, các đại biểu cần tập trung thảo luận về tính thuyết phục của các lý do sửa đổi Luật hiện hành như Tờ trình của Chính phủ đề cập; các quy định về nhận biết khách hàng và cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng, đánh giá rủi ra quốc gia và rủi ro ngành về rửa tiền, đối tượng báo cáo, báo cáo giao dịch đáng ngờ…
Các đại biểu dự Phiên họp đều tán thành cao về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền, đánh giá cao nỗ lực xây dựng hồ sơ dự án Luật, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ rõ, dự thảo Luật còn nhiều lỗi kỹ thuật văn bản, nhiều thuật ngữ chuyên ngành được sử dụng nhưng chưa được định nghĩa cụ thể dẫn đến có thể có cách hiểu khác nhau hoặc khó triển khai thực hiện.
Về các đối tượng báo cáo (khoản 5 Điều 4), dự thảo Luật đã quy định mở rộng hoạt động của các đối tượng báo cáo bao gồm tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan so với quy định hiện hành (như bổ sung tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, môi giới chứng khoán, kinh doanh bất động sản; kinh doanh các trò chơi trên mạng, kinh doanh kim loại quý, đá quý...).
Một số ý kiến cho rằng, đối tượng báo cáo quy định như dự thảo là quá rộng, không khả thi, nhất là điều chỉnh cả các cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính. Với việc rửa tiền thông qua hoạt động kinh doanh tác phẩm nghệ thuật quý hiếm - khá phổ biến ở nước ngoài, thì có nên cân nhắc quy định ở dự thảo Luật hay không?
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo đã chuẩn bị hồ sơ dự án Luật công phu. Song, do đây là lĩnh vực chuyên môn sâu, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan chức năng cần cải tiến công tác chuẩn bị hồ sơ dự án Luật, chú trọng bổ sung các sơ đồ, biểu mẫu, giải thích để làm rõ những nội dung sửa đổi, bổ sung so với Luật hiện hành cũng như đáp ứng các khuyến nghị được tổ chức quốc tế đưa ra về phòng, chống rửa tiền…
Đối với mục tiêu sửa đổi Luật hiện hành, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, bên cạnh đáp ứng yêu cầu quốc tế, việc sửa đổi, bổ sung Luật hiện hành quan trọng hơn cả là để đáp ứng đòi hỏi thực tiễn, góp phần quan trọng bảo đảm độc lập chủ quyền về kinh tế, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia. “Không chỉ bối cảnh tình hình thế giới phức tạp hiện nay đòi hỏi phải chú trọng những yêu cầu nêu trên, bản thân Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid - 19 cũng nhấn mạnh đòi hỏi bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia. Mặt khác, hiệu quả công tác điều tra, truy tố và xét xử tội phạm về rửa tiền cũng góp phần đáng kể tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng”. Lưu ý những đòi hỏi từ thực tế này, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Tờ trình về dự án Luật cần trình bày kỹ hơn về những nhu cầu nội tại, qua đó giúp đại biểu Quốc hội có đầy đủ thông tin về tính thiết thực của việc sửa đổi, bổ sung Luật hiện hành.
Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) được Chính phủ đề xuất trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình một kỳ họp. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cơ quan chủ trì soạn thảo cần xây dựng báo cáo giải trình thuyết phục, phúc đáp tốt các ý kiến của đại biểu Quốc hội và cơ quan chức năng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tới đây, cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu nghiêm túc ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu tham dự phiên họp nhằm hoàn thiện dự thảo Luật. bảo đảm chất lượng ở mức cao nhất. Thường trực Ủy ban Kinh tế cùng Ngân hàng Nhà nước đều lập bộ phận thường trực để làm việc với Thường trực Ủy ban Pháp luật nhằm rà soát, chỉnh sửa từng điều khoản, bảo đảm kỹ thuật lập pháp, góp phần nâng cao chất lượng dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.