Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Cùng dự có lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, đại diện các Bộ, ngành Trung ương; Thường trực Hội đồng Nhân dân, đại biểu Quốc hội các tỉnh trong khu vực; Thường trực HĐND các địa phương Lâm Đồng và TP. Đà Nẵng.
Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu khẳng định: Việc tổ chức Hội nghị giao ban Thường trực HĐND các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ là hoạt động thường kỳ, được tổ chức mỗi năm 2 lần, là cơ hội quý báu để HĐND các tỉnh trong khu vực và khách mời phản ảnh những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của mình đến các đồng chí lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội. Đồng thời cũng là cơ hội tăng cường sự hiểu biết và chia sẻ lẫn nhau về kinh nghiệm hoạt động giữa cơ quan dân cử Trung ương và địa phương, là một trong những điều kiện quan trọng giúp các địa phương ngày càng phát triển bền vững.
Với chủ đề “Chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân - Thực trạng và giải pháp”, đây là nội dung có ý nghĩa quan trọng, cần được sự quan tâm đặc biệt trong tiến trình hội nhập hiện nay. Giải quyết tốt nội dung này sẽ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong thời gian tới.
Phát biểu đề dẫn Hội nghị, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên nhấn mạnh các đại biểu cần đi sâu phân tích, trao đổi những nội dung trọng tâm để hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân. Đó là cơ cấu, số lượng, chất lượng đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026; chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND; các yếu tố tác động đến chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân; và các nội dung khác liên quan đến hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND. Ngoài những nội dung gợi ý nêu trên, các đại biểu có thể nêu các hạn chế, vướng mắc và đề xuất các giải pháp khác nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân. Đặc biệt, Hội nghị này có sự tham gia của các địa phương đang thực hiện các chính sách đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội (tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế), mặc dù thời gian thực hiện chưa nhiều, tuy nhiên, Hội nghị cũng mong muốn được nghe từ các địa phương đang thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù này nêu lên những thuận lợi, khó khăn, tồn tại, hạn chế, nhất là những vướng mắc trong tổ chức thực hiện để kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, từng bước tháo gỡ, bảo đảm cho sự phát triển.
Tại hội nghị, Thường trực HĐND các tỉnh đã tập trung thảo luận và phân tích những khó khăn, vướng mắc, đưa ra kinh nghiệm và những vấn đề thực tiễn đặt ra qua công tác liên quan đến đại biểu cơ quan dân cử, như: đổi mới cơ cấu đại biểu chuyên trách, đảm bảo chế độ và điều kiện hoạt động, phát huy vai trò của Thường trực HĐND với đại biểu, coi trọng vấn đềbồi dưỡng, tập huấn cho đại biểu dân cử…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao việc lựa chọn chủ đề phù hợp, thiết thực và sự chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung của Ban Công tác đại biểu và Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế. Hội nghị đã và đang thực sự trở thành một “cuốn cẩm nang” quý và bổ ích về hoạt động của các cơ quan dân cử nói chung.
Phó Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh giải pháp trong các tham luận, vốn xuất phát từ thực tế sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực, kiến tạo luồng sinh khí mới cho nhiệm kỳ mới đầy hứa hẹn về sự đổi mới thực chất và phát triển toàn diện của Hội đồng nhân dân, góp phần nâng cao vị thế, vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các địa phương tiếp tục bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của HĐND, nhất là đối với công tác cán bộ; Chất lượng đầu vào của đại biểu được bảo đảm là cơ sở quan trọng để bố trí, sử dụng cán bộ theo nguyên tắc đúng người, đúng việc nhằm phát huy tối đa sở trường, năng lực công tác của mỗi người đại biểu dân cử.
"Bản thân mỗi đại biểu cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trước cử tri và nhân dân địa phương, thực hiện tốt nhất Chương trình hành động của mình khi ứng cử đại biểu HĐND, liên hệ và gắn bó mật thiết với nhân dân, không ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm để nói lên tiếng nói của người dân, mọi quyết định phải đặt lợi ích của nhân dân trên hết, trước hết” - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các địa phương cần bố trí đủ nguồn lực, cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm cho đại biểu HĐND triển khai các hoạt động với hiệu quả tốt nhất. Trước mắt đề nghị Ban Công tác đại biểu phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ bồi dưỡng đại biểu HĐND theo Kế hoạch số 98/KH-UBTVQH15 ngày 29 tháng 11 năm 2021 của UBTVQH.
Đối với chất lượng kỳ họp của HĐND các cấp, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nội dung, chương trình kỳ họp cần chuẩn bị kỹ, các báo cáo thẩm tra phải bảo đảm chất lượng, Nghị quyết ban hành có tính khả thi cao, không trái thẩm quyền, góp phần quan trọng giải quyết những vấn đề “nóng” và “điểm nghẽn”, đang được cử tri và dư luận quan tâm, bao quát trên nhiều lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, thực hiện có hiệu quả cao các cuộc giám sát việc thực thi pháp luật và các nghị quyết của Quốc hội ở địa phương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát và hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Rà soát, hoàn thiện và thực hiện tốt Quy chế làm việc của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND, Quy chế phối hợp giữa Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội với HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, đại biểu HĐND – UBND – UBMTTQVN tỉnh, thành phố để phát huy hiệu quả của từng cơ quan, tổ chức. Từ đó, tạo sức mạnh tổng hợp, nền tảng quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý các địa phương cần tiếp tục quan tâm đến công tác tuyên truyền về hoạt động của HĐND; các phiên thảo luận tại Hội trường, các phiên chất vấn cần tiếp tục duy trì hình thức phát thanh, truyền hình trực tiếp để cấp ủy, lãnh đạo UBND, các cơ quan liên quan và cử tri, nhân dân biết, theo dõi, giám sát; nghiên cứu để tiến tới thực hiện hoạt động phát thanh, truyền hình đối với các phiên giải trình của Thường trực HĐND cấp tỉnh huyện, xã. Ngoài những giải pháp chung, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Thường trực HĐND cần chủ động, giữ vai trò nòng cốt trong công tác điều hành và tổ chức thực hiện để có những giải pháp, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND.
* Tại Hội nghị, Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chuyển giao đăng cai tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Bắc Trung Bộ lần thứ Hai, nhiệm kỳ 2021 - 2026 cho Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa.