“Nhân chứng” cho những vấn đề cần phải giải trình
Trên thực tế, một trong những vấn đề quan tâm nhất để tổ chức thành công phiên giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND là việc lựa chọn nội dung giải trình, thường là những vấn đề bức xúc, nổi cộm liên quan đến sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương, được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm; là những vấn đề cụ thể, khó có thể giải đáp hết qua các kỳ họp HĐND, phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh thì đưa vào phiên giải trình. Nội dung đề nghị giải trình cần được lựa chọn kỹ, cụ thể, tập trung vào những vấn đề cử tri bức xúc, dư luận xã hội quan tâm, phù hợp với thực tiễn trên cơ sở bám sát các quy định về chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của HĐND và của từng cơ quan, đơn vị liên quan.
Nhóm vấn đề giải trình phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thu thập đầy đủ thông tin, tiến hành khảo sát, giám sát trực tiếp từ cơ sở hoặc nội dung cụ thể, điển hình. Vì vậy, khi đã lựa chọn được vấn đề cần giải trình, tùy từng lĩnh vực, Thường trực HĐND phân công các Ban của HĐND thu thập đầy đủ thông tin, tiến hành khảo sát sâu, trực tiếp từ cơ sở hoặc các vụ việc điển hình. Trong trường hợp cần thiết, xây dựng phóng sự để minh họa. Từ kết quả khảo sát của các Ban, Thường trực HĐND xây dựng kế hoạch tổ chức phiên giải trình (xác định rõ nội dung, đối tượng phải giải trình, thời gian tổ chức phiên giải trình...). Cùng với đó, cần thiết phải bố trí những đại biểu chuyên trách có hiểu biết sâu về nội dung đưa ra, chuẩn bị kỹ, đầy đủ các tài liệu để có thể tranh luận, làm rõ vấn đề, thể hiện trách nhiệm của đại biểu dân cử trước cử tri và Nhân dân.
Cùng với đó, việc xác định thành phần tham gia phiên họp giải trình cũng rất quan trọng. Theo kinh nghiệm của một số địa phương, ngoài những thành phần tham dự theo quy định, tùy vào tính chất của nội dung giải trình, Thường trực HĐND có thể mời một số đại diện cử tri tham dự phiên họp khi cần thiết. Trên thực tế, cử tri tham gia phiên giải trình không chỉ được chứng kiến hoạt động của đại biểu dân cử mà còn là “nhân chứng” cho những vấn đề cần phải giải trình, đồng thời cũng là tuyên truyền viên khi những vấn đề yêu cầu giải trình được làm sáng tỏ.
Ban hành nghị quyết về vấn đề giải trình
Quy trình tổ chức hoạt động giải trình được quy định tương đối chặt chẽ trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, tuy nhiên trên thực tế, để phiên giải trình có hiệu quả, mang tính thực tế cao, trước khi tiến hành giải trình về nội dung cụ thể, việc xây dựng và trình chiếu video clip về nội dung giải trình sẽ mang lại những tác động thiết thực. Cùng với đó, phiên giải trình cần được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri, Nhân dân biết. Đặc biệt, nội dung trả lời của người được giải trình cần đăng tải công khai để cử tri và Nhân dân cùng theo dõi, giám sát việc thực hiện.
Để điều hành thành công phiên giải trình, yêu cầu đặt ra với Chủ tọa là cần nắm chắc và sâu sát đối với từng nội dung, vấn đề, lĩnh vực được đưa ra giải trình; phát huy dân chủ trong thảo luận, giải trình và thông qua nội dung kết luận phiên họp. Điều hành nội dung cần linh hoạt, gợi mở, tập trung, khuyến khích đối thoại, tranh luận đến cùng và kết thúc đúng lúc. Chủ tọa kết luận khái quát nội dung, rõ, ngắn gọn, nêu bật được kết quả giải trình đạt, chưa đạt được, việc cần rút kinh nghiệm và giải pháp khắc phục, có quy trách nhiệm và quy định cụ thể thời hạn báo cáo kết quả.
Ngay sau phiên họp, để những nội dung giải trình, những vấn đề cần làm rõ, những giải pháp phải thực hiện... sớm được thực hiện, mặc dù Luật không quy định phải ban hành nghị quyết, tuy nhiên để nâng cao hiệu quả giám sát và chế tài buộc phải thực hiện kết luận của Chủ tọa phiên họp, việc ban hành Nghị quyết về vấn đề giải trình gửi đến các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan biết để tổ chức thực hiện là cần thiết. Nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh phân công cụ thể nhiệm vụ giám sát của các Ban của HĐND tỉnh; nhiệm vụ giúp Thường trực HĐND tỉnh theo dõi, tham mưu và đôn đốc thực hiện kết luận cho Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; đồng thời, tham mưu, đề xuất phương án giải quyết đối với các kiến nghị chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa đầy đủ để các kiến nghị thực hiện nghiêm túc; yêu cầu định kỳ báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị về nội dung giải trình để tiếp tục đôn đốc việc thực hiện.