Khắc phục các hạn chế, bất cập
Theo Báo cáo đề dẫn tại hội nghị: Giám sát là một trong những chức năng quan trọng của HĐND đã được luật định. Hơn một nhiệm kỳ thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, hoạt động giám sát của HĐND các cấp đã có nhiều chuyển biến, nội dung, phương pháp, cách thức tiến hành giám sát việc thi Hiến pháp, luật và các nghị quyết của HĐND có nhiều đổi mới, chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát ngày càng được nâng lên. Hoạt động giám sát của HĐND đã đạt được những kết quả nhất định, có tác dụng tích cực trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm người dân địa phương quan tâm.
Tuy nhiên, nhiều quy định của Luật mới chỉ dừng ở tính nguyên tắc, mặt khác thực tiễn đã có nhiều thay đổi. Việc tổ chức một số hoạt động giám sát của HĐND còn bất cập, hạn chế, phát sinh vướng mắc, dẫn tới hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống đặt ra. Bên cạnh đó, một vấn đề đặt ra là hoạt động giám sát của HĐND các cấp chưa có sự thống nhất, đồng bộ, thông suốt trong thực hiện chức năng giám sát của hệ thống cơ quan dân cử.
Xuất phát từ yêu cầu thực tế, trên cơ sở quy định của Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15, Hội nghị sẽ trao đổi, thảo luận một số nội dung chính như: Việc chuẩn hóa xây dựng chương trình giám sát; xác định rõ các mốc thời gian, thời điểm ban hành kế hoạch thực hiện chương trình giám sát; làm rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tham mưu, giúp việc; xác định tiêu chí lựa chọn trong hoạt động giám sát; nâng cao hiệu lực hoạt động chất vấn tại phiên họp của Thường trực HĐND…
Cần có sự chủ động trong giám sát
Mở đầu phần trao đổi, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thế Toản cho rằng, chủ thể giám sát cần xác định và lựa chọn nội dung giám sát; xây dựng kế hoạch và đề cương giám sát; công tác chuẩn bị và cách thức triển khai cuộc giám sát; xây dựng báo cáo kết quả giám sát, dự thảo nghị quyết về kết quả giám sát trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua; theo dõi việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát chuyên đề HĐND. Đối với chủ thể chịu sự giám sát, cần thực hiện tốt các quy định của pháp luật liên quan đến trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát; phối hợp trong hoạt động giám sát…
Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Đặng Hồng Chiến cho rằng: Cần có sự chủ động trong hoạt động giám sát, trong đó chủ thể giám sát cần chủ động ngay từ khi ban hành các văn bản để tổ chức triển khai hoạt động giám sát như: lựa chọn nội dung cuộc giám sát, với nội dung này thì cơ quan, cá nhân nào tham gia vào hoạt động giám sát này, dự kiến kế hoạch cụ thể thật chi tiết, khoa học để góp phần đạt hiệu quả cao cho cuộc giám sát.
Làm rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tham mưu, giúp việc, Phó Chủ tịch HĐND huyện Lục Nam Nguyễn Văn Thông đề nghị nâng cao năng lực của bộ phận giúp việc của HĐND cấp huyện, cụ thể Văn phòng HĐND và UBND huyện. Cần lựa chọn những chuyên viên giúp việc cho HĐND có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn, năng lực nghiên cứu, phân tích và tổng hợp, làm việc độc lập, có chính kiến và biết bảo vệ chính kiến; có độ nhạy bén về chính trị, kịp thời phát hiện, đề xuất lựa chọn những vấn đề phù hợp tham mưu cho HĐND thực hiện giám sát.
Trao đổi về nội dung xác định, lựa chọn các vấn đề đưa ra giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Bắc Giang Trần Thị Hà đề nghị: Những vấn đề nổi lên qua kết quả giám sát, khảo sát của Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND; những vấn đề "nóng", bức xúc qua ý kiến, kiến nghị của cử tri, dư luận xã hội, thông tin đại chúng; những tồn tại trong việc xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân...
Các vấn đề cần giải trình luôn có tính thời sự, những vướng mắc cần tháo gỡ kịp thời và liên quan trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội và trách nhiệm quản lý, điều hành của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, được đông đảo dư luận quan tâm hoặc có ảnh hưởng trực tiếp, ảnh hưởng lớn đến đời sống, nhận thức của Nhân dân, của cử tri; đó là những vấn đề rất cụ thể, những hiện tượng phát sinh trong đời sống thường ngày, đơn cử như các vấn đề về an sinh xã hội, an ninh trật tự, về chất lượng cuộc sống (bảo hiểm, an toàn giao thông, về đất đai, xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng, vi phạm về trật tự, các thiết chế văn hóa, điện, đường, trường, trạm…). Những vấn đề có khả năng giải quyết ngay nhưng do chưa có sự quyết liệt của các cơ quan chức năng nên để tồn tại, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, trong nhân dân...
Hội nghị còn nghe các báo cáo tham luận của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, của Thường trực HĐND các huyện Hiệp Hòa, Lạng Giang, Tân Yên, Yên Thế; Văn phòng HĐND và UBND huyện Sơn Động với những chia sẻ, đóng góp, đề xuất thiết thực.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành đánh giá cao tinh thần làm việc của các đại biểu, đề nghị ngay sau khi kết thúc hội nghị, Thường trực HĐND các cấp cần tiếp thu, vận dụng những kinh nghiệm hay, cách làm tốt đã được trao đổi tại hội nghị để áp dụng vào thực tiễn hoạt động giám sát chuyên đề. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị đã đề ra để hoạt động giám sát chuyên đề ngày càng thiết thực, hiệu quả, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành và đáp ứng niềm tin, niềm mong mỏi của cử tri và nhân dân trong tỉnh.