Cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay
Từ nhiều năm nay, Hội nghị Thường trực HĐND các khu vực được xem là “ngôi nhà chung” của cơ quan dân cử. Là nơi để các đại biểu dân cử trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, bàn thảo những cách làm hay, sáng tạo; chia sẻ những bài học quý từ thực tiễn của hoạt động HĐND và hoạt động của đại biểu HĐND. Từ đó, góp phần nâng cao hơn nữa kiến thức, kỹ năng hoạt động của người đại biểu HĐND, tiếp tục đổi mới hoạt động của HĐND trong thời kỳ đổi mới hiện nay.
Duy trì hơn 20 năm qua, nhưng trước đây Hội nghị Thường trực HĐND khu vực chỉ được coi là một diễn đàn giao lưu, học hỏi nhằm tăng cường tính hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử; nhưng nay đã trở thành một sự kiện quan trọng hàng năm của HĐND các tỉnh, được đưa vào kế hoạch chương trình công tác của Thường trực HĐND. Định kỳ mỗi năm 2 lần (năm 2020 chỉ tổ chức một lần vì đại dịch Covid-19), 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc đều đặn luân phiên đăng cai tổ chức hội nghị, đưa đại biểu dân cử về với “ngôi nhà chung”. Tham dự hội nghị cũng trở thành hoạt động thường kỳ của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại đây, đại biểu HĐND các tỉnh sẽ tập trung bàn bạc, trao đổi, thảo luận chuyên sâu vào các chuyên đề cụ thể. Thường trực HĐND các tỉnh chia sẻ những khó khăn, đề ra các giải pháp để giải quyết, tháo gỡ vướng mắc nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh địa phương. Đây cũng là dịp để Thường trực HĐND đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trung ương các vấn đề để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động HĐND các cấp nói chung, cấp tỉnh nói riêng.
Nhiều địa phương đánh giá, việc tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của cơ quan dân cử là nhu cầu hết sức cần thiết. Hội nghị giúp các cơ quan dân cử có nhiều thông tin kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để vận dụng vào hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Giúp nâng cao năng lực, kỹ năng của người đại biểu, làm tốt vai trò của người đại diện và cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Giúp đổi mới, nâng cao chất lượng trong từng hoạt động nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan dân cử.
Thông qua các hội nghị Thường trực HĐND khu vực, nhiều đổi mới, sáng tạo được áp dụng. Từ việc đổi mới phương thức giám sát và thực hiện linh hoạt nhiều hình thức giám sát, giúp đại biểu HĐND phát huy được năng lực, sở trường của mình trong thực hiện nhiệm vụ. Hay việc mở rộng thành phần tham dự đến tổ chức tọa đàm của các Ban HĐND và bộ máy tham mưu, giúp việc, lồng ghép giới thiệu hoạt động nổi bật của HĐND… Đặc biệt, bằng việc tổng hợp kiến nghị đề xuất để gửi cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhiều ý kiến về xây dựng pháp luật chính quyền địa phương hay pháp luật chuyên ngành đã được xem xét, sửa đổi bổ sung.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng với các đại biểu dự Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc lần thứ 6 tại Tuyên Quang |
Ảnh: Quang Khánh
Góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động HĐND
Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ban Công tác đại biểu được Chủ tịch Quốc hội giao trọng trách chủ trì, phối hợp với Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố tổ chức các hội nghị. Từ việc đặt tên đến nội dung chủ đề, thông tin tuyên truyền, phân tích, đánh giá, tổng hợp kiến nghị đề xuất với cơ quan có thẩm quyền giải quyết được Ban Công tác đại biểu chủ trì cùng Thường trực HĐND từng khu vực, nhất là địa phương đăng cai hội nghị thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp hơn.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng từng đánh giá, việc phối hợp giữa Ban Công tác đại biểu với Thường trực HĐND các tỉnh tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND khu vực là dịp để UBTVQH nắm bắt được tình hình thực hiện các quy định mới, hiểu được những khó khăn, vướng mắc để kịp thời đưa ra những giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để HĐND các cấp hoạt động hiệu quả nhất.
Thực tế, Thường trực HĐND nhiều tỉnh đã áp dụng một số kinh nghiệm trong hoạt động của Quốc hội vào hoạt động của HĐND như việc chất vấn hỏi một phút trả lời ba phút; cách thức thảo luận, tranh luận; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phục vụ tài liệu kỳ họp HĐND và giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri… Để có được những thành công đó, bên cạnh sự chủ động của mỗi địa phương, mỗi cấp chính quyền trong việc xây dựng kế hoạch cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ, còn phải kể đến sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc tạo cơ chế đối với tổ chức, hoạt động của HĐND các cấp theo hướng hiệu quả hơn, thực chất hơn.
Tiếp nối thành quả nhiều năm qua, Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc lần thứ 8, nhiệm kỳ 2016 - 2021 tổ chức tại Thái Nguyên với chủ đề “Vai trò của Thường trực HĐND trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND” được kỳ vọng sẽ tiếp tục là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, bàn các giải pháp nhằm phát huy hơn nữa vai trò của Thường trực HĐND tỉnh đối với hoạt động của HĐND ở các địa phương. Đồng thời, là dịp để các địa phương tiếp tục thảo luận, đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền kịp thời hướng dẫn cách thức tổ chức và hoạt động của HĐND trong bối cảnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2019 có hiệu lực từ tháng 7 năm nay với một số thay đổi trong các quy định liên quan đến hoạt động của HĐND các cấp.