Nhân tố bảo đảm kỳ họp thành công
Hoạt động của HĐND theo cơ chế tập thể, quyết định theo đa số, nếu Thường trực HĐND hoạt động có chất lượng, hiệu quả thì sẽ giúp đại biểu HĐND quyết định vấn đề quan trọng của địa phương theo đúng chính sách, pháp luật và ý chí, nguyện vọng của nhân dân hơn. Đặc biệt, để kỳ họp thành công, ban hành các nghị quyết trúng, sát thực tiễn, đi vào cuộc sống, vai trò của Thường trực HĐND trong chuẩn bị và điều hành rất quan trọng: chuẩn bị sớm nội dung, chương trình kỳ họp; triệu tập kỳ họp bảo đảm thời gian và thành phần dự họp; thẩm tra báo cáo, chất vấn, thảo luận và quyết nghị tại kỳ họp…
Kinh nghiệm của Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên cho thấy, công tác chuẩn bị phải cách kỳ họp 2 tháng dựa trên cơ sở quy định của luật; vấn đề phát sinh mới và nổi lên từ các cuộc tiếp xúc cử tri, giám sát. Từ đó, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp cùng với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để lựa chọn các nội dung đưa ra tại kỳ họp đúng luật, bảo đảm chất lượng, đáp ứng những yêu cầu cấp bách từ thực tiễn. Đặc biệt, việc lựa chọn vấn đề cho phiên chất vấn của kỳ họp cũng phải tiến hành sớm để có thể xem xét, theo sát, chuẩn bị và chuyển tải công khai tới UBND tỉnh.
Ông Ân Văn Thanh, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Thái Nguyên cho rằng, việc xác định nội dung, chương trình kỳ họp sớm nhằm tạo điều kiện cho thường trực, các ban và các đại biểu HĐND thu thập thông tin, tiến hành giám sát những vấn đề đưa ra quyết định tại kỳ họp. Bởi không phải nội dung nào được đưa vào dự kiến cũng sẽ trình tại kỳ họp mà qua kiểm tra, giám sát, thường trực HĐND thấy công tác chuẩn bị không kịp hoặc chưa chu đáo thì yêu cầu chuẩn bị lại hoặc hoãn đến các kỳ họp sau.
Thường trực HĐND tỉnh Hòa Bình cũng đánh giá, Thường trực HĐND tỉnh có vai trò rất quan trọng trong công tác chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp HĐND như chủ trì chuẩn bị dự kiến chương trình, nội dung kỳ họp; triệu tập và chủ tọa các kỳ họp của HĐND. Vì vậy, phát huy vai trò của Thường trực HĐND có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND các cấp. Tại các kỳ họp của tỉnh những năm gần đây, thời gian trình các báo cáo được rút gọn hơn; thời lượng cho thảo luận và chất vấn được tăng lên; các ý kiến góp ý, chất vấn của các đại biểu đã bám sát thực tiễn và đi sâu vào trọng tâm của các vấn đề cử tri quan tâm.
Phiên họp thứ 52 của Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên ngày 26.10.2020 |
Nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết của HĐND
Thường trực HĐND có vai trò quan trọng trong công tác điều hành các phiên thảo luận, thông qua các nghị quyết của HĐND.
Theo Thường trực HĐND tỉnh Lạng Sơn, chất lượng nghị quyết của HĐND phụ thuộc lớn vào sự điều hòa, phối hợp trong quá trình chuẩn bị dự thảo nghị quyết, định hướng và điều hành thảo luận nghị quyết của Thường trực HĐND. Quan trọng nhất là lựa chọn những lĩnh vực cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển, hoặc phải tháo gỡ bức xúc để ban hành nghị quyết chuyên đề và chỉ đưa vào chương trình xây dựng nghị quyết những nội dung khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng nguồn lực của địa phương. Đặc biệt, Thường trực HĐND tỉnh Lạng Sơn rất coi trọng việc lấy ý kiến đóng góp từ các đối tượng chịu tác động của nghị quyết, đại diện địa phương, các ngành, nhất là đối với những nghị quyết liên quan đến đời sống Nhân dân, đến cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của địa phương.
Báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh Hà Giang cũng khẳng định, những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà đạt được trong thời gian qua có phần đóng góp không nhỏ từ các quyết sách của HĐND tỉnh Hà Giang. Tại kỳ họp, đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau về dự thảo Nghị quyết, Thường trực HĐND tỉnh sẽ xin ý kiến bằng phiếu biểu quyết để nhằm giúp đại biểu có thêm thời gian nghiên cứu, đồng thời bảo đảm chất lượng nghị quyết khi được thông qua.
Xác định đúng những nội dung, lĩnh vực phải ban hành nghị quyết là việc khó, đòi hỏi Thường trực HĐND các địa phương tập trung, thống nhất, đồng thuận cao. Để phát huy hơn nữa vai trò của Thường trực HĐND các cấp, cần thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho Thường trực, các ban, các đại biểu HĐND bằng nhiều hình thức phù hợp, nhất là các kiến thức về quản lý nhà nước, pháp luật và kỹ năng có tính đặc thù trong hoạt động của HĐND. Đồng thời, tổ chức tốt các phiên họp thường kỳ, đột xuất của Thường trực HĐND theo các luật mới ban hành.