Phổ biến các quy định mới về quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan

- Thứ Năm, 12/11/2020, 12:24 - Chia sẻ
Ngày 12.11, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo phổ biến các quy định mới về quản lý rủi ro trong lĩnh vực hải quan và Dự thảo Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật cho gần 200 doanh nghiệp và cán bộ các Cục Hải quan địa phương.
Phổ biến các quy định mới về quản lý rủi ro cho doanh nghiệp. 

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài Chính Hoàng Việt Cường cho biết, thực hiện các Nghị quyết số 19/NQ-CP (năm 2014, 2015, 2016, 2017, 2018), các Nghị quyết số 02/NQ-CP (năm 2019, 2020) về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của doanh nghiệp và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16.5.2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020... Trong đó có nêu Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan: “Tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu quả hệ thống thông quan điện tử; công khai các tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ doanh nghiệp. Sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thực hiện thông quan điện tử tự động, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống”. Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã từng bước xây dựng, hoàn thiện cơ chế đánh giá tuân thủ đối với 4 nhóm đối tượng thuộc người khai hải quan và nhóm doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng, công khai tiêu chí đánh giá phân loại mức độ tuân thủ và các nội dung quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.

Khẳng định tiếp tục hỗ trợ các bên liên quan áp dụng phương thức quản lý rủi ro trong công tác kiểm tra chuyên ngành của các Bộ ngành nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường, Phó Giám đốc USAID Vietnam Bradley Bessire cho biết, trong 20 năm qua, USAID đã hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong việc thể chế hóa lĩnh vực thương mại theo hướng cởi mở và dễ dự đoán hơn. Để hỗ trợ Việt Nam, USAID đã tài trợ cho Dự án Tạo thuận lợi thương mại trong 5 năm với ngân sách 21,7 triệu USD để cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành nhằm giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới thông qua đơn giản hóa, hiện đại hóa, và hài hòa hóa các quy trình hải quan. 

Phó Giám đốc USAID Vietnam Bradley Bessire phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, đại diện Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đã thông tin đến đại diện doanh nghiệp, cán bộ hải quan 5 điểm mới của Thông tư 81/2019 như: Bổ sung thêm đối tượng đánh giá tuân thủ pháp luật, cũng như đánh giá mức độ tuân thủ đối với người khai hải quan; Cơ quan hải quan công khai tiêu chí phân loại mức độ tuân thủ, mức độ rủi ro người khai hải quan và kết quả phân loại mức độ tuân thủ của người khai hải quan (trước đây thuộc chế độ mật) để doanh nghiệp nắm và thực hiện, tránh được sai sót, vi phạm trong quá trình làm thủ tục hải quan; Phân loại mức độ tuân thủ thành 5 mức, mỗi người khai hải quan được đánh giá phân loại theo một mức độ tuân thủ duy nhất và công khai để Doanh nghiệp nắm bắt thực hiện; Bổ sung 2 mức độ rủi ro trong phân loại mức độ rủi ro người khai hải quan nhằm phân loại được chính xác hơn và linh hoạt trong cách thức áp dụng các chính sách và biện pháp quản lý đối với từng loại; hình thành cơ chế tạo thuận lợi và quản lý chặt chẽ, có hiệu quả đối với từng mức độ rủi ro.

Được biết, với hỗ trợ kỹ thuật từ Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ, vào tháng 11.2019, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản pháp lý đầu tiên về quản lý rủi ro trong nghiệp vụ hải quan: Thông tư  81/2019/TT-BTC ngày 15.11.2019 áp dụng cho cả cơ quan hải quan và khu vực tư nhân cùng Quyết định 2218/QĐ-TCHQ hướng dẫn thực hiện và áp dụng quản lý rủi ro trong nghiệp vụ hải quan cho nội bộ hải quan. Các văn bản này bao gồm các thông tin quy định về thu thập, xử lý, quản lý và sử dụng thông tin quản lý rủi ro; đánh giá năng lực tuân thủ quy định và pháp luật của người khai hải quan; phân loại mức độ rủi ro của người khai hải quan và của hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, và quá cảnh.

Đình Khoa