![]() Nguồn: caysua.info |
Kinh phí eo hẹp
Tại cuộc họp báo thông báo đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn và 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ do Cục Điện ảnh tổ chức mới đây, không ít đạo diễn thừa nhận rằng, mối quan tâm hàng đầu dành cho một bộ phim đề tài chiến tranh chính là vấn đề kinh phí. Để có một phim chiến tranh thu hút người xem, bên cạnh cốt truyện hấp dẫn với các tuyến nhân vật được khai thác sâu về tâm lý, diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên thì yếu tố cần và đủ là không khí chiến trận với sự hiện diện của các phương tiện, khí giới, bom, đạn... Vì vậy, với kinh phí eo hẹp thì làm phim đời thường đã khó, làm phim chiến tranh còn khó hơn nhiều bởi thể loại phim này rất cần sử dụng kỹ xảo.
Giật gấu vá vai là tình hình làm phim nói chung, đặc biệt là thể loại phim đề tài chiến tranh. Nếu căn cứ vào việc phải có tàu to, súng lớn, máy bay… mới gọi là đại cảnh, thì rất ít, thậm chí là rất khó có phim nào đạt được. Các phim chiến tranh của ta đã và đang làm đều trong tình trạng hoặc do kinh phí không đủ hoặc do chính các nhà làm phim chưa ý thức hết vai trò của những yếu tố trên nên không có sự đầu tư đúng mức cho những hạng mục cần thiết trong quá trình làm phim.
Theo đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, với những thiếu thốn về kỹ thuật như hiện nay, chúng ta khó có thể quay được những trận địa pháo phòng không, tên lửa đang chiến đấu. Muốn sử dụng kỹ xảo là phải đưa phim ra nước ngoài gia công và tốn rất nhiều tiền. Hơn nữa, trước đây việc mượn các phương tiện khí tài quân trang, quân dụng kể cả bộ đội đóng vai quần chúng còn rất dễ, nhưng càng ngày càng trở nên khó khăn. Trong khi kinh phí cho phép thường có hạn, nên những người thực hiện đành phải cố gắng làm sao thể hiện tốt tinh thần của bộ phim là chính.
Băn khoăn với bài toán kinh phí, dư luận lại lo ngại về hiệu quả của những bộ phim chiến tranh làm cho có. Bởi thực tế đã có rất nhiều phim chiến tranh sản xuất hướng tới ngày kỷ niệm nào đó nhưng chất lượng luôn là vấn đề khiến người xem bức xúc. Rất hiếm phim để lại ấn tượng cho người xem, nói cách khác là cất kho chỉ sau vài ngày công chiếu phục vụ lễ lạt.
Sơ lược trong dàn dựng
Trên thực tế, nếu những bộ phim chiến tranh có kinh phí đầu tư lớn và thời gian không bị bó hẹp, thúc ép thì phim cũng chưa chắc thực sự đã hay. Gần đây nhất, những bộ phim kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, Nhà nước đã chi đến vài chục tỷ đồng để có một phim chiến tranh có thể coi là hoành tráng. Tuy nhiên, khi phim ra rạp nhiều người bày tỏ sự thất vọng trước bộ phim chiến tranh tiền tỷ nhưng súng đạn giả, phân cảnh nổ nhỏ lẻ, những cảnh chiến trận đầy vẻ dàn dựng, bộ đội chiến đấu gian khổ nhưng quần áo vẫn mới tinh.
Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn cho rằng, chúng ta coi phim về chiến tranh là để tuyên truyền nhưng là tuyên truyền theo cách “không khác gì lấy búa đập vào đầu khán giả”. Một trong những điểm còn hạn chế của phim chiến tranh Việt Nam là thiếu tính triết lý, hoặc thậm chí không có, mà đơn thuần chỉ là mô tả lại những cuộc chiến. Đa số các đạo diễn ở ta vẫn còn dàn dựng cảnh chiến đấu sơ lược, không có khả năng dàn dựng những trận đánh lớn, có sự phối hợp của nhiều binh chủng.
Phim chiến tranh của chúng ta đang mô tả về cuộc chiến theo mô típ sáo mòn và mờ nhạt: chiến tranh phải khốc liệt, nhân vật phải anh hùng. Thậm chí, những câu chuyện cũng được lặp đi lặp lại đến không xem cũng đoán được, tình yêu bị chia cắt, người thân chờ đợi nơi hậu phương, ranh giới mỏng manh giữa sự sống cái chết nơi chiến trường, sự hy sinh gian khổ của những người lính, những câu trêu đùa tếu táo của bộ đội.
Nhiều ý kiến cho rằng, với cách làm phim không sản xuất thì thiếu, mà sản xuất ra thì… thừa như hiện nay cũng là một sự lãng phí. Với chi phí hàng triệu đô la cho mỗi phim nhựa lịch sử nhưng hầu như không phim nào chạm được vào trái tim khán giả. Lý do thì có nhiều, trong đó, điều căn bản nhất là các phim này đều chưa xứng tầm với tầm vóc thực tế của những cuộc chiến tranh chúng ta đã trải qua. Do đó, nhiều người nhận định Việt Nam đang cầm tiền tấn đi đốt khi làm phim chiến tranh…
Thiếu đội ngũ làm phim
Ngoài những lý do thiếu tiền, thiếu phương tiện kỹ thuật… phải thừa nhận, điện ảnh Việt Nam đang thiếu những người biết làm phim chiến tranh. Muốn làm được phim về chiến tranh, phải có những đạo diễn lớn tuổi từng trải qua chiến tranh, hoặc có kinh nghiệm làm phim về đề tài chiến tranh. Thực tế, lớp đạo diễn trẻ hôm nay không làm nổi phim chiến tranh. Điều này cũng lý giải được phần nào nguyên nhân vì sao đến nay phim đề tài chiến tranh cách mạng của ta chưa hay, chưa hấp dẫn người xem.
Một số đạo diễn tuy được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên môn sâu nhưng lại tỏ ra yếu kiến thức về lịch sử chiến tranh và kinh nghiệm thực tế chiến đấu. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã dẫn chứng ví dụ như bộ đội giải phóng hầu như sử dụng tiểu liên AK47, nhiều khi nghe tiếng súng là biết ta hay địch nên các đơn vị chủ lực không mấy khi dùng súng địch, sợ bắn nhầm phải nhau. Thế nhưng trong nhiều phim, đạo cụ, súng ống được dùng lẫn lộn, bất kể quân ta hay quân địch, cốt để quay cho xong. Cũng vì các nhà làm phim yếu kiến thức về quân sự nên nhiều bộ phim còn phản ánh sai lệch hẳn kỹ thuật chiến đấu cũng như bối cảnh chiến trường.
Vì kém kiến thức tổng quan về mọi mặt nên nhiều nhà làm phim tùy tiện, chủ quan, chả cần biết đúng sai, có hợp logic hay không. Kết quả là nhiều khi phim không đạt tới hiệu quả nghệ thuật như mong đợi, trái lại còn gây phản cảm cho khán giả, thậm chí khiến khán giả có những góc nhìn sai lệch, không đúng với sự thật. Vì vậy, những nhà làm phim, nhất là lực lượng chủ đạo như biên kịch, đạo diễn, diễn viên và quay phim không chỉ cần có tâm, có tầm, mà còn phải có đủ tài tương xứng với công việc đảm trách. Như vậy mới hy vọng phim chiến tranh của Việt Nam có chất lượng và thu hút khán giả.