Tại hội thảo, các diễn giả đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam đã xác định phát triển công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực then chốt tạo đột phá kinh tế và tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố tiên quyết.
Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, các phiên thảo luận đã tập trung vào các nội dung: nhu cầu và tiềm năng phát triển nguồn nhân lực ngành thiết kế bán dẫn; định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại thành phố Đà Nẵng; những cơ hội và thách thức trong việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành.
Lãnh đạo Đại học Đà Nẵng chia sẻ về những nỗ lực của các trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn, bao gồm việc mở mới chương trình đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch và xây dựng phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch bán dẫn với hệ thống thiết bị hiện đại. Những hoạt động này góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ hàng đầu của cả nước vào năm 2050.
Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Lễ tuyển sinh Khóa đào tạo thiết kế vi mạch tại Đà Nẵng năm 2025. Khóa đào tạo được xây dựng với sự hỗ trợ chuyên môn từ Công ty TNHH Giải pháp Acronics, một doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch trên công nghệ FPGA hiện đại và tích hợp phát triển sản phẩm hoàn chỉnh. Acronics sẽ cung cấp chương trình đào tạo, chuyên gia/giảng viên và trang thiết bị thực hành cho khóa học. Đặc biệt, toàn bộ quy trình từ thiết kế vi mạch, lập trình điều khiển, thiết kế và sản xuất bo mạch đến khâu đóng gói đều được thực hiện tại Việt Nam ("Made in Vietnam").