Khung năng lực số trong trường học: Cần những nội dung, tiêu chí cụ thể

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, cần đưa ra những nội dung, tiêu chí cụ thể về Khung năng lực số cho từng đối tượng học sinh, khi áp dụng phải phù hợp với thực tế ở mỗi địa phương, nhà trường. Quá trình xây dựng văn bản phải thận trọng, kỹ lưỡng nhưng cũng không quá cầu toàn, nhận diện được những thách thức sẽ phải đối mặt.

Thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia xác định tầm nhìn đến năm 2045, Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, Bộ GD-ĐT đang triển khai thực hiện Khung năng lực số và giáo dục kỹ năng số theo Thông tư 02/2025/TT-BGDĐT quy định Khung năng lực số cho người học (Thông tư 02).

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông Thái Văn Tài, thời gian qua, Vụ đã triển khai một số công việc bước đầu, với tinh thần đưa các nội dung thích hợp vào chương trình học theo hướng tích hợp hoặc tăng cường, đặc biệt là không làm xáo trộn các môn học và đủ căn cứ pháp lý để các nhà trường dễ dàng triển khai.

Trong đó, Vụ Giáo dục phổ thông đã phân tích Chương trình GDPT 2018 môn Tin học và các môn học khác để xác định mức độ, yêu cầu cần đạt về năng lực số theo Khung năng lực số quy định tại Thông tư 02 để xây dựng bảng mô tả chi tiết mức độ, yêu cầu cần đạt về năng lực số các cấp học từ tiểu học đến trung học phổ thông (THPT), đáp ứng mục tiêu Chương trình GDPT 2018, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn giáo dục Việt Nam.

trien-khai-nang-luc-so-doi-voi-hoc-sinh-va-giao-vien-than-trong-ky-luong-nhung-khong-cau-toan.jpg
Bộ GD-ĐT đang triển khai thực hiện Khung năng lực số và giáo dục kỹ năng số theo Thông tư 02/2025/TT-BGDĐT quy định Khung năng lực số cho người học.

Vụ Giáo dục phổ thông cũng tiến hành phân tích, rà soát Chương trình GDPT 2018 đối với từng cấp học, lớp học, môn học/hoạt động giáo dục để tìm ra các địa chỉ nơi có cơ hội thực hiện phát triển năng lực số cho học sinh cho từng lớp của cấp Tiểu học, THCS, THPT. Sau đó xây dựng một số nội dung dạy học mới chưa có trong chương trình để đáp ứng theo yêu cầu khung năng lực số đã ban hành.

Đồng thời xây dựng dự thảo công văn hướng dẫn triển khai thí điểm khung năng lực số cho học sinh phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên, gửi văn bản xin ý kiến các đơn vị, các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học. Xây dựng dự thảo Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Hội đồng thẩm định tài liệu tập huấn giáo viên giáo dục kỹ năng công dân số cấp THCS và THPT, triển khai tập huấn giáo viên cốt cán cho các địa phương.

Báo cáo về dự thảo khung năng lực số dành cho giáo viên, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) Phạm Tuấn Anh cho biết, Cục đã phối hợp với UNICEF và các đơn vị liên quan thành lập Ban nghiên cứu, hoạt động trong suốt thời gian vừa qua, khảo sát ở các địa phương. Trên cơ sở đó, đưa ra dự thảo khung năng lực số dành cho giáo viên và tổ chức hội thảo xin ý kiến góp ý. Trong đó, các năng lực được chia thành hai nhóm chính: Năng lực số nền tảng và Năng lực số chuyên biệt thể hiện khả năng ứng dụng các giải pháp, công cụ công nghệ số trong triển khai hoạt động nghề nghiệp của giáo viên.

Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, việc xây dựng Dự thảo văn bản triển khai Khung năng lực số cho học sinh và giáo viên là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã phát động phong trào "Bình dân học vụ số" tới toàn dân.

2trien-khai-nang-luc-so-doi-voi-hoc-sinh-va-giao-vien-than-trong-ky-luong-nhung-khong-cau-toan-2.jpg
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị cần có kế hoạch cụ thể, các đơn vị phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và hiệu quả.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý, dự thảo cần đưa ra những nội dung, tiêu chí cụ thể về Khung năng lực số cho từng đối tượng học sinh ở các cấp học theo Thông tư 02, khi áp dụng phải phù hợp với thực tế ở mỗi địa phương, nhà trường. Quá trình xây dựng văn bản phải thận trọng, kỹ lưỡng nhưng cũng không quá cầu toàn, nhận diện được những thách thức sẽ phải đối mặt.

Về vấn đề tập huấn kỹ năng số cho giáo viên các cấp học, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị cần có kế hoạch cụ thể, các đơn vị phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và hiệu quả. Trên cơ sở đó, xác định hình thức tổ chức, nội dung đưa vào tập huấn để không gây ra những xáo trộn lớn về chương trình. Khi dạy phải có văn bản hướng dẫn để đảm bảo tính liền mạch, không đứt đoạn.

“Khi xây dựng Khung năng lực số cho giáo viên và học sinh cũng nhằm cụ thể hóa Thông tư 02 đối với từng cấp học, phù hợp với chương Chương trình GDPT 2018 theo hướng mở, đáp ứng tốc độ phát triển của công nghệ thông tin và sẽ quản lý được những nội dung đưa vào nhà trường”, Thứ trưởng nói.

Giáo dục

91.000 tỷ đồng và hơn 30% bài thi khảo sát lớp 12 dưới trung bình... là con số nổi bật giáo dục tuần qua
Giáo dục

91.000 tỷ đồng và hơn 30% bài thi khảo sát lớp 12 dưới trung bình... là con số nổi bật giáo dục tuần qua

Tuần qua, giáo dục ghi nhận nhiều sự kiện đáng chú ý như hơn 30% bài thi khảo sát lớp 12 của học sinh Hà Nội dưới điểm trung bình, Bộ GD-ĐT đề xuất chi 91.000 tỷ đồng huy động trẻ từ 3-5 tuổi đến trường, chuyển giao cấp xã quản lý trường THCS, tiểu học và mầm non...

" Bình dân học vụ số" để làm chủ công nghệ, góp phần xây dựng một xã hội số văn minh. Trong ảnh: Lễ phát động phong trào và ra mắt nền tảng " Bình dân học vụ số"
Đời sống

Sẵn sàng vận hành nền tảng "Bình dân học vụ số"

Tiếp nối tinh thần của phong trào “Bình dân học vụ” năm 1945, "Bình dân học vụ số" vừa được Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát động không chỉ là một phong trào mang ý nghĩa xóa mù công nghệ đơn thuần, mà còn là cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện, mở ra cánh cửa tri thức số cho mọi tầng lớp Nhân dân.

TP. Hồ Chí Minh: Khẩn trương điều tra vụ 29 học sinh nghi ngờ ngộ độc sau bữa trưa tại trường
Sức khỏe

TP. Hồ Chí Minh: Khẩn trương điều tra vụ 29 học sinh nghi ngờ ngộ độc sau bữa trưa tại trường

Sau khi nhận được báo cáo ban đầu từ Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận 7, TP. Hồ Chí Minh) diễn ra ngày 9.4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn yêu cầu khẩn trương điều tra, truy xuất nguồn gốc vụ việc.