GS.TS Vũ Văn Hiền
Sự phát triển vừa tuần tự, vừa nhảy vọt của sức sản xuất trên thế giới đương đại đang xuất hiện nhiều nét mới nổi bật. Đó là kinh tế công nghiệp truyền thống đang chuyển thành kinh tế hậu công nghiệp, kinh tế tri thức. Kinh tế tri thức là nền kinh tế được điều hành, quản lý, chi phối bởi trí tuệ. Các sản phẩm của kinh tế này đều hàm chứa chất xám nên ngày càng “tinh khôn”, phục vụ đắc lực cho nhu cầu ngày càng cao và đa dạng, phong phú của con người
Phát triển kinh tế xanh - mô hình kinh tế tiên tiến
Cùng với việc hình thành nền kinh tế tri thức, sự biến chuyển của các hình thái kinh tế thế giới đang được sắc thái hóa đầy ấn tượng từ kinh tế “nâu” sang kinh tế “xanh”. Thuật ngữ “kinh tế xanh” đã và đang được phổ biến trên cấp độ toàn cầu và phát triển kinh tế xanh trở thành mô hình kinh tế tiên tiến, thành trào lưu trên thế giới. Nếu như kinh tế công nghiệp truyền thống (hay kinh tế “nâu”) tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên, tác động không nhỏ tới môi trường, thì “kinh tế xanh” có đặc điểm cơ bản là dạng kinh tế tri thức bảo vệ môi trường.
Kinh tế xanh là mô hình kinh tế lồng ghép và gắn chặt với việc bảo vệ môi trường, thân thiện với môi trường, phát triển kinh tế theo hướng tăng cường các ngành công nghiệp sinh thái và sử dụng năng lượng tái tạo; là nền kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu, bền vững, phát triển hài hòa và bảo đảm công bằng xã hội. Mục tiêu của phát triển kinh tế xanh hướng tới việc thích ứng và tác động tích cực tới sự biến đổi khí hậu bằng cách giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo đảm có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường sống trong sạch.
Kinh tế xanh là nền kinh tế phát triển hài hòa giữa 3 yếu tố là kinh tế, môi trường và xã hội. Ngân hàng Thế giới cho rằng: “Kinh tế xanh là phát triển kinh tế bảo đảm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, trong đó giảm thiểu ô nhiễm và tác động đến môi trường, tăng cường khả năng phục hồi trước biến đổi tự nhiên, đẩy mạnh vai trò quản lý của nhà nước về môi trường và nguồn lực tự nhiên, ngăn ngừa các thảm họa từ thiên nhiên.”
Thị trường tín chỉ carbon
Để giảm bớt phát thải carbon và khí nhà kính, bảo vệ môi trường, hiện nay thế giới đã cân, đo, đong, đếm bằng tín chỉ carbon hay chứng chỉ carbon và theo đó là thị trường mua bán, trao đổi tín chỉ carbon.
Tín chỉ carbon hay chứng chỉ carbon là chứng nhận mang tính thương mại, thể hiện quyền sở hữu về lượng khí carbon hoặc các loại khí nhà kính khác. Chúng được chuyển đổi sang CO2 tương đương, một tín chỉ carbon có giá trị bằng 1 tấn CO2 và ngược lại.
Tín chỉ carbon là giấy phép hoặc chứng chỉ có thể mua bán, cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải 1 tấn CO2 hoặc tương đương với một loại khí nhà kính khác. Mục tiêu chính của việc tạo ra tín chỉ carbon là giảm lượng khí thải CO2 từ các hoạt động công nghiệp, giảm tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu.
Thị trường tín chỉ carbon là một hệ thống giao dịch cho phép các tổ chức mua bán quyền phát thải khí nhà kính, cụ thể là CO2. Các công ty hoặc cá nhân có thể sử dụng thị trường carbon để bù đắp lượng phát thải nhà kính bằng cách mua tín dụng cacbon từ các đơn vị loại bỏ hoặc giảm phát thải nhà kính.
Thị trường tín chỉ carbon tạo ra nguồn thu nhập mới cho các dự án và hoạt động giảm phát thải, chẳng hạn như trồng cây, bảo vệ rừng và phát triển năng lượng tái tạo, khuyến khích hợp tác quốc tế trong việc giải quyết biến đổi khí hậu. Các quốc gia có thể mua bán tín chỉ carbon với nhau giữa các quốc gia đang phát triển có thêm nguồn lực để thực hiện cam kết khí hậu của mình, thúc đẩy phát triển bền vững, tăng cường hiệu quả kinh tế.
Phát triển kinh tế xanh ở nước ta và kiến nghị các giải pháp
Nhiều thập kỷ qua, kinh tế Việt Nam phát triển chủ yếu nhờ sự đóng góp của lao động truyền thống và sử dụng khai thác tài nguyên thiên nhiên. Những mỏ than dần cạn kiệt. Nhiều dòng sông và hồ trữ nước bị trơ đáy bởi bị cạn kiệt nguồn nước. Các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đã phát triển thiếu sự kiểm soát, hàng vạn hecta ruộng đất biến thành những nhà máy, công xưởng do kêu gọi đầu tư bằng được; nhiều xí nghiệp đẩy ra môi trường xung quanh và không khí với nhiều phát thải CO2 và các loại rác thải chưa được xử lý. Việc hủy hoại môi trường và hao tốn năng lượng với hiệu quả thấp đã được chúng ta nhận ra và xem đó là vấn đề nổi cộm cần khắc phục.
Để khắc phục hậu quả, cần tập trung vào một số giải pháp. Một là, tăng cường nhận thức về bảo vệ môi trường để thay đổi tư duy, cách làm, ý thức trách nhiệm và hành vi ứng xử với thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
Hai là, ban hành các chính sách bảo vệ môi trường hợp lý, khoa học, tiến bộ; hình thành hệ thống thuế tài nguyên, môi trường. Xác định đúng đắn các nguy cơ của việc khai thác tài nguyên, khoáng sản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phục hồi tài nguyên và hệ sinh thái, tăng cường trồng rừng, bảo vệ rừng, nhất là phát triển rừng ngập mặn.
Ba là, đầu tư khoa học, chuyên gia công nghệ tiên tiến để phát triển kinh tế xanh, giảm thiểu phát thải carbon, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện môi trường, thu hút nguồn vốn và công nghệ cao từ các nguồn trong và ngoài nước.
Bốn là, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các thành phần kinh tế cùng tham gia, có trách nhiệm trong việc bảo vệ, thân thiện với môi trường, sử dụng công nghệ thân thiện môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, đáp ứng tiêu chí của nền kinh tế xanh.
Năm là, từng bước phát triển thị trường tín chỉ carbon một cách bài bản.