Kỷ nguyên thứ ba - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
Hội thảo đã nhận được 51 tham luận và sự tham gia ý kiến, trao đổi trực tiếp của 12 học giả, nhà khoa học, chuyên gia uy tín. Qua trao đổi, các đại biểu đã thống nhất và làm rõ một số vấn đề lý luận, thực tiễn rất cơ bản về “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Đồng thời, khẳng định những định hướng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra đều mang tầm chiến lược, được hình thành trên cơ sở khoa học vững chắc, có sức thuyết phục và tính dẫn dắt cao.
Theo đó, các đại biểu nhất trí cho rằng, kỷ nguyên mới là khoảng thời gian đất nước, dân tộc phải vươn lên mãnh liệt, phấn đấu thực hiện thành công những mục tiêu chiến lược, tạo sự phát triển vượt bậc ở một tầm cao mới, trình độ mới, chất lượng mới, xác lập vị thế quốc gia trên trường quốc tế, tạo nền tảng cho bước phát triển đột phá kế tiếp. Kỷ nguyên nối tiếp kỷ nguyên tạo thành lịch sử phát triển liên tục, từ thấp đến cao, ngày càng hoàn thiện của một quốc gia dân tộc.
Các đại biểu thống nhất khẳng định, gần 95 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhìn tổng quát, đất nước ta đã trải qua hai kỷ nguyên vẻ vang.
Kỷ nguyên thứ nhất là Kỷ nguyên độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930 - 1975), khởi đầu từ năm 1930 khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dẫn đến thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và những chiến công vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược (1946-1975) cùng những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc những năm 1954-1975.
Kỷ nguyên thứ hai là Kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới, phát triển (1975 - 2025), mở đầu bằng thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội năm 1975, tạo tiền đề vững chắc để đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiến hành công cuộc Đổi mới bắt đầu từ Đại hội VI của Đảng năm 1986, tạo bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực.
Và bây giờ, sau gần 40 năm Đổi mới, khi Việt Nam đã tích lũy thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo, các đại biểu nhất trí cho rằng, đây là thời điểm “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới; và kỷ nguyên mới được khởi đầu bằng sự kiện rất trọng đại: Đại hội XIV của Đảng.
Các tham luận và ý kiến tại Hội thảo đều thống nhất cao, rằng ba kỷ nguyên đã và sẽ được tạo lập, là sự tiếp nối hợp quy luật của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; kỷ nguyên trước tạo tiền đề cho kỷ nguyên sau; kỷ nguyên sau kế thừa, phát triển thành tựu của kỷ nguyên trước, làm cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ngày càng hòa quyện, phát triển không ngừng.
Thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam như một "lời hiệu triệu", thúc giục tinh thần hành động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trước thềm đại hội Đảng các cấp. Khẳng định điều này tại Hội thảo, PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, qua gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, là tiền đề để đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Cấp thiết vẫn là tinh gọn tổ chức bộ máy với quy mô của một cuộc cách mạng
Một trong những nội dung được các đại biểu tập trung trao đổi tại Hội thảo, đó là làm thế nào để xây dựng được bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả? Đây cũng là nội dung được Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, TS. Lại Xuân Môn gợi mở ngay trong phát biểu đề dẫn.
Đó là cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam như thế nào để đáp ứng yêu cầu rất cao của kỷ nguyên mới? Làm thế nào để xây dựng được bộ máy tổ chức của các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả? Làm thế nào để đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược thật sự trong sạch, đủ năng lực, trình độ, trí tuệ, dũng khí để thiết kế, dẫn dắt cán bộ, đảng viên, Nhân dân bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam?
Thực tiễn cho thấy, đến nay, qua nhiều lần cải cách, tinh giản, thì tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo. Ngân sách đang phải dành khoảng 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho các hoạt động… Những bất cập này nếu chậm được khắc phục "sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình vươn mình của dân tộc trong kỷ nguyên mới", PGS.TS Lê Minh Thông chỉ rõ.
Do đó, theo PGS.TS Lê Minh Thông, "vấn đề đặt ra có tính cấp thiết vẫn là tiếp tục cải cách mô hình tổ chức tổng thể của cả hệ thống chính trị một cách quyết liệt với mức độ, quy mô của một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, với quyết tâm chính trị cao hơn, giải pháp mạnh mẽ hơn".
PGS.TS Lê Minh Thông cũng như các ý kiến tham luận tại Hội thảo đều nhất trí cao với định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, bảo đảm đồng bộ, kết nối, thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, cần có sự đột phá về tư duy; và đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phải gắn bó chặt chẽ, phát huy hiệu quả thông qua đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Theo đó, cần tiếp tục tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa người quản lý và người lao động để phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao khả năng tự chủ, tự cường, tự chịu trách nhiệm của các địa phương.
Các ý kiến tham luận cũng thống nhất cao với nhận định của Tổng Bí thư Tô Lâm, trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” phải tập trung giải quyết.
Theo đó, các chuyên gia, nhà khoa học thống nhất cho rằng, phải đổi mới mạnh mẽ tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, không bỏ lỡ thời cơ phát triển. Đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật. Bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp, nhất là những vấn đề liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… Đồng thời, cải cách triệt để thủ tục hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, lợi ích nhóm để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá cho phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Như đề nghị của PGS.TS Lê Minh Thông, thì trong thời đại ngày nay, hoạt động lập pháp của Nhà nước không nên hướng trọng tâm vào thể chế hóa quyền quản lý của bộ máy nhà nước, mà phải hướng tới tạo dựng khuôn khổ pháp lý vững chắc, ổn định. "Quốc hội chỉ ban hành Luật thuộc phạm vi thẩm quyền theo quy định của Hiến pháp, và bảo đảm thẩm quyền lập quy của Chính phủ để xử lý kịp thời, linh hoạt những vấn đề của thực tiễn", PGS.TS Lê Minh Thông đề nghị.
Đặt cơ sở khoa học để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện lý luận về kỷ nguyên mới
Liên quan đến định hướng chiến lược về cán bộ và công tác cán bộ, các đại biểu thống nhất cao và khẳng định, đây chính là vấn đề “rất trọng yếu”, “quyết định mọi việc”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới đang đặt ra cấp thiết, là vấn đề có ý nghĩa sống còn.
Nhấn mạnh nội dung nêu trên trong phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn nêu rõ, cần triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, tạo chuyển biến căn bản về xây dựng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn mới. Cụ thể là đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, “vì việc tìm người”.
Đồng thời, xây dựng cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, vì lợi ích chung trên cơ sở phân định rõ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung với người phiêu lưu, liều lĩnh, viển vông, không thực tế. Chú trọng rà soát, bồi dưỡng, thử thách, sàng lọc đối với nhân sự được quy hoạch tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp, nhất là nhân sự Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV theo hướng “tinh gọn, thực đức, thực tài”, đủ sức lãnh đạo sự nghiệp kiến tạo “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Với những kết quả cụ thể đạt được, có thể thấy, cuộc hội thảo về “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” đã thành công tốt đẹp. Dù là cuộc hội thảo mở đầu, nhưng những kết quả gặt hái được lần này đã đặt cơ sở khoa học để tiếp tục đi sâu nghiên cứu, hoàn thiện lý luận về kỷ nguyên mới.
Chỉ còn hơn một năm nữa sẽ diễn ra Đại hội XIV của Đảng ta. Chỉ rõ bối cảnh tình hình này, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn cho rằng, phải bắt đầu vào cuộc tích cực, quyết liệt ngay từ bây giờ, tạo những chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mà nòng cốt là toàn hệ thống chính trị.
Tất cả những điều này nhằm chuẩn bị tâm thế, khí thế, quyết tâm mới để đến Đại hội XIV của Đảng, “chúng ta triệu người như một đồng lòng, tự tin tuyên bố: Việt Nam chính thức bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; Việt Nam có thể làm được tất cả - không có gì là không thể”, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn nhấn mạnh.