Công cuộc đổi mới chính trị và kinh tế trong tổng thể sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ của chúng ta có nguy cơ không thành công, thậm chí thất bại hoàn toàn, nếu thiếu hệ động lực căn bản và chủ yếu. Ở đây, có mấy vấn đề hết sức quan trọng cần giữ vững.
Đó là bảo vệ, giữ vững nền độc lập dân tộc, chủ quyền, sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ vô điều kiện quyền lực, lợi ích tối cao của nhân dân là điều kiện tiên quyết, nhân tố quyết định, động lực căn bản trên nền móng đại đoàn kết toàn dân tộc để đổi mới chính trị nhằm hội nhập quốc tế một cách chủ động và tích cực. Điều đó chính là chủ động ngăn chặn giặc ngoại xâm từ bên ngoài.
Đồng thời, đặc biệt coi trọng đẩy lùi quốc nạn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và tệ lợi ích nhóm… Nghĩa là cảnh giác và chống giặc nội xâm từ bên trong. Đó chính là nhu cầu xây dựng môi trường chính trị - xã hội trên nền móng một xã hội công dân lành mạnh, bảo đảm thành công đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế. Nói khái quát, ở đây, có 6 phương diện chủ yếu cần được chú ý ngang nhau: An ninh chính trị - an ninh kinh tế - an ninh văn hóa - an ninh xã hội - an ninh quốc phòng và an ninh sinh thái trong công việc đổi mới chính trị.
Gần 40 năm đổi mới vừa qua, một trong những bài học lớn của mọi thành công khởi đầu đổi mới là: “Lấy Dân làm gốc”.
Đó là đỉnh cao củasự hội tụ, kết tinh và phát huy khí phách, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, vấn đề cốt tử của nền chính trị Việt Nam hiện đại được nâng tầm từ nền tảnglịch sử dựng nước và giữ nước, dưới ngọn cờ của Đảng! Niềm tin chính trị của Nhân dân đối với chế độ XHCN, với Đảng, với Nhà nước được xây nên và bảo đảm bằng mồ hôi, bằng máu, không gì thay đổi được.
Vì thế, không “khoan thư sức Dân” thì không thể nói tới việc “bền rễ sâu gốc”, không thể tính “thượng sách giữ nước”, càng không thể nói tới nền móng xã hội chính trị vững chãi để đổi mới chính trị hiện nay! Vì, “Dân là gốc nước”, vì “Dân là Dân nước, nước là Nước dân”, “sức Dân mạnh như Nước” như ông cha ta từng dạy!
Vì thế, suy cho cùng, đó là những vấn đề trọng yếu và cụ thể của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới ngọn cờ của Đảng, chứ không thể đặt trách nhiệm đó ngoài mục tiêu chăm lo, bảo vệ lợi ích tối cao, toàn diện của Nhân dân là động lực chủ yếu. Vì, điều giản dị: Nước ta là do Nhân dân là chủ và làm chủ!
Trước nhu cầu phát triển hiện nay, càng đòi hỏi Đảng, Nhà nước: Sống và cống hiến trong lòng Nhân dân; buồn vui, sướng khổ cùng Nhân dân; nguyện sống chết vì Nhân dân… là riềng mối làm nên đồng thuận toàn dân và toàn xã hội xây dựng một xã hội công dân, làm động lực chủ yếu đổi mới chính trị song hành với đổi mới kinh tế hiện nay. Đến lượt mình, coi pháp luật thượng tôn, Nhân dân ta nỗ lực toàn diện tự nâng mình lên một cách toàn diện, xứng đáng là người chủ đất nước, xây dựng một xã hội công dân bảo vệ chính mình.
Nhìn bao quát, đó là sự phát triển tất yếu đối với nước ta trên con đường bước vào kỷ nguyên mới.
Không có bất cứ sự phát triển nào thuần túy, đơn phương và tự thân. Vì, bản chất và động lực của mọi sự phát triển là sự vận động của mâu thuẫn và giải quyết các mâu thuẫn hoặc các mối quan hệ hàm chứa sự phản phát triển.
Trong rất nhiều sự phản phát triển, ở đây nổi bật và cấp bách 3 loại phản phát triển chủ yếu: Tham nhũng, lệch lạc; tụt hậu về thể chế; và sự biến dạng trong công tác cán bộ.
Không phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hiệu quả, nhất định không có bất cứ sự phát triển nhanh, mạnh, càng không có sự bền vững và nhân văn nào như mong muốn. Đây là công cuộc giữ nước và giữ thể chế từ bên trong.
Từ thực tiễn mấy chục năm qua, trong rất nhiều phương pháp, tối thiểu ở đây, trước nhất thực thi 3 công việc căn cơ. Một là, giáo hóa trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội: Không nên, không cần và không muốn tham nhũng một cách danh dự và liêm sỉ. Nên nhớ rằng, “tiền vua thì có thần, tiền dân thì có ma”, “quả báo tức thì”.
Hai là, kiến tạo thể chế: Không thể, không dám tham nhũng và tham nhũng không thể thoát một cách hệ thống, đồng bộ giữa Điều lệ của Đảng với pháp luật của Nhà nước và Điều lệ của các thành viên của hệ thống chính trị với cơ chế kiểm soát quyền lực phù hợp. Không được phép lấy những kẻ tham nhũng chống nạn tham nhũng. Họa sẽ khôn lường.
Ba là, sức mạnh của Nhân dân. Không có sự tham gia của Nhân dân, rất khó thành công. Do đó, tập trung sửa đổi, hoàn thiện pháp luật bảo đảm và bảo vệ vô điều kiện Nhân dân thực thi quyền, trách nhiệm của mình trên phương diện này.
Ở đây, trung tâm là thể chế. Theo đó, vấn đề quy trình lựa chọn cán bộ gồm 5 bước phải được thực thi một cách nghiêm cẩn để cho tất cả mọi người đều bình đẳng trước cơ hội, đóng góp cho Đảng, cho quốc gia dân tộc. Những người lựa chọn, tức là những người làm công tác cán bộ, người được quyền chọn người của bộ máy, trực tiếp là người chịu trách nhiệm chọn người phải được lựa chọn một cách xứng đáng. Ở họ, cần 4 phẩm chất, gồm 10 chữ: Trung thực - Dũng cảm - Trách nhiệm - Trong sạch - Liêm sỉ. Cùng với đó, hãy từng bước trao quyền và hỏi ý kiến Nhân dân. Không ai tinh tường hơn Nhân dân. Làm cán bộ là để phụng sự Nhân dân. Nhân dân phải được quyền tham gia lựa chọn người cho hệ thống chính trị, theo luật định được không ngừng bổ sung và hoàn thiện.
Đặc biệt là cần tinh giản đội ngũ, gọn, nhẹ và liên thông. Nếu theo dự kiến đến hết năm 2026, tổng biên chế của hệ thống chính trị nước ta (không bao gồm biên chế công an, quân đội và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố) sẽ là hơn 2,2 triệu người. Nghĩa là, tính trung bình tỷ lệ công chức trên dân số là hơn 1/4. Rõ ràng, rất nặng nề, cồng kềnh và đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Trong khi đó, tỷ lệ này ở các quốc gia cách rất xa: Nhật Bản là 1/33, Hoa Kỳ là 1/40, Hàn Quốc là khoảng 1/50… Do đó, cần kíp tái cấu trúc bộ máy gắn với tinh giảm biên chế theo lộ trình tới năm 2045, phấn đấu tỷ lệ này là 1/25, trước mắt tới năm 2030, nên chăng, trước mắt trong 3 năm tới, chỉ còn 75% số lượng hiện thời theo hướng phân cấp về tài chính và chuyển dần số cần tinh giảm sang khu vực sản xuất, các doanh nghiệp. Theo lộ trình tới năm 2030, chỉ còn 50% số cán bộ công chức, viên chức hiện nay.
Song hành với tinh giảm đội ngũ, cần cấu trúc lại hệ thống chính trị, trước hết khu vực hành pháp theo hướng quản trị đa ngành, các thành viên hệ thống chính trị theo hướng đa chức năng. Từng bước tái cấu trúc các đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành và cấp quận, huyện theo vùng kinh tế - xã hội và theo chuỗi sản xuất - kinh doanh trên nền tảng nền hành chính hiện đại.
Cuối cùng, phải lấy công việc để thử thách bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn, đức độ cán bộ. Cán bộ có thể giấu mình được một việc chứ không thể giấu được muôn thời; có thể giấu được 10 người chứ không thể giấu được Nhân dân. Đối đãi một cách xứng đáng với những người trong các bộ máy theo phương châm “4 chữ T”: Trọng thị - Trọng dụng - Trọng đãi - Thanh thải.
Về các điều kiện cần và đủ, cần tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người, từ đảng viên của Đảng tới mọi công dân tự giác ra gánh vác công việc của quốc gia, đóng góp sức mình vào công việc của đất nước. Tất cả phải đặt sinh mệnh của quốc gia lên làm đầu, đặt uy tín của Đảng và Nhà nước lên tối thượng, đặt danh dự, liêm sỉ cá nhân ở nơi thiêng liêng nhất hơn cả mạng sống của mình.
Về vấn đề này, nhớ hơn hơn 57 năm trước, ngày 19.8.1967, sự trăn trở của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đảng viên, cán bộ còn nguyên giá trị: Tôi không sợ bọn đế quốc, bọn phản động. Đồng bào sẽ đánh thắng chúng. Tôi chỉ sợ những hành vi xấu xa của cán bộ, làm cho đồng bào mất lòng tin với chế độ, Nhà nước và Đảng. Có thể nói, kẻ phá hoại sự nghiệp cách mạng đáng sợ nhất là những người ấy, vì trước mắt đồng bào, họ là Đảng và Nhà nước. Kẻ thù hàng ngày nói xấu chúng ta, đồng bào ta không mắc lừa. Người của ta làm hại cách mạng là nguy hiểm nhất. Đồng bào sẽ xa lánh, không tin chúng ta. Đưa những người yếu kém về năng lực, nhất là kém cỏi về phẩm chất, nhân cách vào bất kỳ nhiệm vụ nào cũng nguy hại.
Rường cột vấn đề này là phương sách ứng xử với "lợi ích nhóm", "nhóm lợi ích", với những biến dạng và hệ lụy của chúng trong hoạch định chính sách, kiến tạo thể chế. Nghĩa là, xử lý "lợi ích nhóm" tiêu cực mang tính cục bộ, bản vị, khép kín của nhóm người hoặc của ngành, địa phương, không chính đáng, bất hợp pháp, mâu thuẫn, gây thiệt hại cho lợi ích chung của quốc gia; gây hậu quả rất nặng nề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại của đất nước. Điều cần nhấn mạnh là, vấn nạn này làm trầm trọng tệ tham nhũng; làm băng hoại đạo đức, gây bất bình trong xã hội; làm rạn nứt đội ngũ cán bộ và xói mòn lòng tin của Nhân dân đối với chế độ chính trị.
Do đó, cần công khai, dân chủ, minh bạch trong các bước thực hiện quy trình, tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước, mọi người dân đều có thể giám sát. Đồng thời, quy định rõ về thẩm quyền ban hành văn bản, vấn đề ủy quyền lập pháp, qua đó loại trừ sự lạm quyền, tùy tiện trong ban hành văn bản. Quy định trách nhiệm tham gia của các cơ quan trong quá trình soạn thảo; việc lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương, ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động, bảo đảm cho các chính sách được xây dựng trong dự án luật khách quan, toàn diện, có chất lượng.
Mặt khác, quy định trách nhiệm đánh giá tác động chính sách, việc thực thi chính sách minh bạch, rõ ràng… Quy định về giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, sự tham gia ý kiến của các tổ chức chính trị - xã hội; sự giám sát của báo chí, của Nhân dân, trọng tâm là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành chính sách.
Đặc biệt, quy định về hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng đối với các cơ quan nhà nước bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ hoạt động ban hành chính sách, pháp luật. Đổi mới tổ chức bộ máy, nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm thể chế hóa đúng chủ trương, đường lối của Đảng. Tăng cường trách nhiệm của Chính phủ và các thành viên Chính phủ, trước hết chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ Nhân dân, trong việc chỉ đạo hoạt động xây dựng pháp luật và ban hành chính sách, không để lọt lợi ích cục bộ, không để sơ hở về chính sách dễ dẫn đến lạm dụng để tham nhũng.
Chọn những người đạo đức và giỏi nhất để thực thi công việc kiến tạo thể chế và đối đãi đặc biệt, nhất là bảo vệ đặc biệt. Cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong quy trình xây dựng pháp luật, ban hành chính sách. Đồng thời, cần nâng cao đạo đức, giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ, công chức, đảng viên, để phòng, chống "lợi ích nhóm", tham nhũng từ hoạch định chính sách.
Đa dạng hóa các kênh, hoạt động giám sát đối với hoạt động xây dựng pháp luật, ban hành chính sách (hoạt động giám sát của Đảng đối với công tác lập pháp; hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực thi pháp luật; hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên, giám sát của báo chí và Nhân dân). Mặt khác, phải kiểm soát ngay chính những lực lượng, tổ chức được giao quyền kiểm soát từ trong Đảng tới Nhà nước và các thành viên của hệ thống chính trị trên nền tảng toàn dân giám sát.
Tóm lại, thể chế, thể chế và thể chế, trước hết là thể chế kiểm soát quyền lực chính trị, hành chính, công vụ và công tác cán bộ theo phương châm dân chủ, minh bạch, pháp quyền.
Đây sẽ là những căn cứ và nền tảng vững vàng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, như yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm.