Phát triển kinh tế số phải bao trùm nhóm yếu thế

- Thứ Năm, 26/11/2020, 08:43 - Chia sẻ
“Sự chuyển đổi số của nền kinh tế sẽ triệt để và có ý nghĩa nếu như chuyển đổi số của Chính phủ và doanh nghiệp song hành với nhau. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế số phải bao trùm các địa bàn khó khăn và nhóm yếu thế”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Thị Hồng Minh kiến nghị.

“Chưa sẵn sàng đổi mới sáng tạo”

Tại Hội thảo "Phát triển kinh tế số Việt Nam trong thời kỳ hậu Covid-19: Một số yêu cầu và lộ trình cải cách thể chế" sáng 25.11, các đại biểu nêu rõ, những năm gần đây, Việt Nam đã không ngừng tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng. Trong đó, Việt Nam đã chủ động tiếp cận cơ hội từ kinh tế số nói chung và thương mại điện tử nói riêng cho tăng trưởng kinh tế. Cùng với Indonesia, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực và có sự bứt phá trong phát triển kinh tế số với tốc độ tăng trưởng trung bình 38%/năm, cao hơn so với mức trung bình 33% của cả khu vực. Việt Nam hiện cũng trở thành địa điểm thu hút mạnh mẽ đầu tư kinh tế số ở Đông Nam Á nhờ lợi thế về hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin khá tốt, mật độ người dùng cao.

Cho đến nay, khung khổ pháp luật đã có những nền móng cơ bản cho việc phát triển các lĩnh vực liên quan tới kinh tế số. Quyết tâm chuyển đổi số cũng như tinh thần đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp được thể hiện khá rõ nét. Tuy vậy, phát triển kinh tế số vẫn gặp nhiều rào cản.

Theo đó, có luật ban hành từ khá lâu nhưng chưa được rà soát sửa đổi để tạo thuận lợi cho kinh tế số. Chẳng hạn, Luật Giao dịch điện tử 2005 chưa quy định về giá trị pháp lý và giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu, tính pháp lý của chữ ký điện tử, thiếu các quy định về giao kết hợp đồng điện tử. Bên cạnh đó, các quy định về bảo mật dữ liệu cá nhân còn thiếu và không đủ hiệu lực, dẫn đến việc dữ liệu cá nhân không được bảo mật, người dùng ngần ngại trong việc sử dụng các dịch vụ công nghệ số.

Mặt khác, hạ tầng cho kinh tế số chưa đồng bộ, năng lực kết nối số còn thấp. Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia còn hạn chế. Các sản phẩm Việt Nam có thể tự sản xuất như điện thoại thông minh mới chủ yếu ở giai đoạn đầu, chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ, giá thành sản xuất cao và khó cạnh tranh, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

Ngoài ra, nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế số còn thiếu và yếu. Đa phần lao động Việt Nam thiếu kỹ năng về công nghệ thông tin và các kỹ năng số khác như lập trình các chương trình máy tự học, phân tích dữ liệu lớn, nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo… Khu vực tư nhân chưa thực sự đổi mới sáng tạo, trong khi đáng ra cần phải là đầu tàu trong công cuộc đổi mới và cải tiến khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh…

Nhìn từ vụ việc cơ quan chức năng vừa kiểm tra kho hàng lậu tại Lào Cai chuyên bán hàng qua mạng bằng hình thức livestream với doanh thu hơn 600 tỷ đồng trong 2 năm, thu nhập của người bán hàng lên tới 80 triệu đồng/người/tháng, Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Hoa Cương cho rằng vai trò của cá nhân, doanh nghiệp trong kinh tế số vẫn đang bị cơ quan quản lý “bỏ sót rất nhiều”. Hay với minh chứng điển hình là trường hợp startup Nguyễn Hà Đông - “cha đẻ” trò chơi Flappy bird từng “làm mưa làm gió” trên các ứng dụng, dưới sức ép của truyền thông và xã hội đã phải gỡ bỏ sản phẩm của mình, ông Cương nêu rõ mặc dù thể chế làm rất nhiều nhưng “tâm lý cơ quan nhà nước vẫn chưa sẵn sàng trong việc đổi mới sáng tạo”.

Cần thống nhất khái niệm

Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những chuyển biến nhanh như vũ bão của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, đặc biệt đại dịch Covid-19 khiến các nước coi kinh tế số là động lực quan trọng cho phục hồi kinh tế, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số.

Nguyên Viện trưởng CIEM Lê Xuân Bá cho rằng, trước tiên cần thống nhất khái niệm về kinh tế số, bởi hiện nay vẫn đang có nhiều cách hiểu. Tiếp theo, cần làm rõ phải tập trung phát triển kinh tế số ở lĩnh vực nào, trình độ ra sao để làm căn cứ định hướng đào tạo nguồn nhân lực. Đối với phát triển hạ tầng cho kinh tế số cần đầu tư thỏa đáng, trong đó có hạ tầng về công nghệ thông tin.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần cân nhắc một số nhóm giải pháp như phải bảo đảm môi trường an toàn, an ninh mạng song song với tạo thuận lợi cho kinh tế số; hoàn thiện chính sách cạnh tranh đối với kinh tế số; bổ sung, sửa đổi các quy định về thuế để điều chỉnh các hoạt động trên nền tảng số; tăng cường hiệu lực bảo hộ sở hữu trí tuệ, đặc biệt gắn với thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA)…

Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh thừa nhận đại dịch Covid-19 không làm giảm bớt sự quan tâm của Việt Nam đối với kinh tế số. Minh chứng bởi ngay trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp, ngày 3.6.2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Song, đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên. “Sự chuyển đổi số của nền kinh tế sẽ triệt để và có ý nghĩa nếu như chuyển đổi số của Chính phủ và doanh nghiệp song hành với nhau. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế số phải đủ bao trùm đối với các địa bàn khó khăn và nhóm yếu thế như phụ nữ, người dân ở khu vực miền núi…”.

Theo đại diện CIEM, hỗ trợ để nâng cao và đào tạo lại kỹ năng cho các nhóm yếu thế như phụ nữ, thanh niên, người già… tham gia kinh tế số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hỗ trợ ngân sách từ Nhà nước chỉ là một điều kiện cần chứ không đủ. “Điểm quan trọng là quá trình hỗ trợ phải đi kèm với chuyển giao kỹ năng để các nhóm này có thể tự học, tự thích ứng, thay vì bám vào một nội dung chương trình cứng nhắc”.

Đan Thanh