Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới (từ khi trở thành thành viên của WTO, ASEAN, APEC), nhất là khi ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP) dẫn đến việc thực thi các Hiệp định này cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ngày càng đối mặt nhiều quy định, yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại các thị trường nước ngoài.
Một số chuyên gia cho rằng, việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam hài hoà với thông lệ quốc tế; cập nhật các tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hoá quốc tế thành cơ sở dữ liệu để doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm hiểu, ứng dụng sẽ là những hướng đi, giải pháp hữu ích nhằm giúp hàng hoá Việt Nam dễ dàng vượt qua các rào cản về tiêu chuẩn, quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật thương mại khi sang thị trường thế giới.
Tuy nhiên, vấn đề cần lưu tâm là làm sao để các tiêu chuẩn, quy chuẩn này trở thành hệ thống hoàn thiện, xuyên suốt, phù hợp với tình hình thực tiễn. Điều này chắc chắn đòi hỏi Việt Nam phải có chiến lược mang tính dài hạn về xây dựng tiêu chuẩn.
Theo bà Phạm Thị Phương Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn (Tổng cục TCĐLCL), quan điểm chỉ đạo trong xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 là phát triển hoạt động tiêu chuẩn hóa toàn diện, đồng bộ ở tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và xã hội, huy động sự tham gia của các chủ thể trong xã hội, đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Định hướng phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phục vụ việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, chiến lược của một số ngành, lĩnh vực trọng tâm của đất nước đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; lấy đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu quả áp dụng tiêu chuẩn. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về tiêu chuẩn hóa đối với từng lĩnh vực cụ thể, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia công tác tiêu chuẩn hóa quốc tế; nâng cao vị thế của Việt Nam tại các tổ chức, diễn đàn tiêu chuẩn quốc tế, khu vực.
Bên cạnh đó, mục tiêu tổng quát của chiến lược là đưa tiêu chuẩn hóa trở thành biện pháp kỹ thuật, là công cụ đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội; Tạo lập đồng bộ và kịp thời khung pháp lý và hệ thống chính sách để triển khai có hiệu quả hoạt động tiêu chuẩn hóa; Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển tiêu chuẩn quốc gia gắn với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường; nâng cao vị thế của Việt Nam trong các tổ chức, diễn đàn tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.
Các mục tiêu cụ thể bao gồm: Ban hành Danh mục TCVN đối với các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của các Bộ ngành, địa phương; đến năm 2030 hoàn thiện hệ thống TCVN cho 50% số lượng sản phẩm trong Danh mục tiêu chuẩn nêu trên;
Đến năm 2025, xây dựng khung kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; tối thiểu từ 3 - 5 Bộ, ngành hoàn thành việc lập kế hoạch xây dựng TCVN theo khung kế hoạch này; Đến năm 2030 có 100% các Bộ ngành sẽ tổ chức lập kế hoạch xây dựng TCVN theo khung kế hoạch; Tỷ lệ hài hoà hệ thống TCVN với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài đạt tối thiểu 65% vào năm 2025 và đạt 70 ÷ 75% vào năm 2030;
Tối thiểu 5% TCVN mới được xây dựng dựa trên kết quả triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp vào năm 2025 và phấn đấu đến năm 2030 là 10%; Số lượng TCVN mới được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố được phổ biến áp dụng đạt tối thiểu 70% vào năm 2025 và đến năm 2030 tỷ lệ này là 80%.