Tăng cường phát triển giá trị đa dụng của rừng
Tại Tọa đàm bảo tồn thiên nhiên và phát triển vùng đệm các khu rừng đặc dụng Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp cùng UBND tỉnh Nghệ An tổ chức, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, Việt Nam có hệ sinh thái rừng vô cùng phong phú, đa dạng với diện tích 14,74 triệu ha. Trong đó, rừng tự nhiên chiếm 10,17 triệu ha, rừng sản xuất 4,57 triệu ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02% và có khoảng 25 triệu người dân sống phụ thuộc vào rừng.
Những giá trị của hệ sinh thái không dừng lại ở yếu tố phi vật chất mà còn mang lại giá trị to lớn về vật chất và môi trường sống như cung cấp nguyên liệu, cung cấp lâm sản ngoài gỗ, du lịch, dịch vụ môi trường rừng, hấp thụ và lưu giữ carbon rừng.
"Hệ sinh thái rừng Việt Nam mang lại những giá trị to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội nhờ cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến xuất khẩu gỗ, như năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt tới 17 tỷ USD, cả nước hiện có 16.000 cơ sở chế biến gỗ; 300 làng nghề gỗ, cung cấp lâm sản ngoài gỗ, là tiềm năng phát triển du lịch, thu dịch vụ môi trường rừng và hấp thụ và lưu giữ các bon rừng", ông Bảo nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trần Quang Bảo, khai thác các giá trị du lịch một cách bền vững đang là hướng đi rất hiệu quả tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, từ đó phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng sống gần rừng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, lan tỏa thông điệp về tình yêu thiên thiên.
Theo khảo sát, năm 2022, đã có 3,1 triệu lượt khách đến tham quan tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, mang lại 310 tỷ đồng. Nhiều vườn quốc gia cũng phối hợp với cộng đồng cư dân bản địa sống gần rừng xây dựng các điểm du lịch cộng đồng. Đơn cử như Vườn quốc gia Pù Mát ở Con Cuông, Nghệ An có 3 điểm du lịch cộng đồng tại vùng đệm, tạo việc làm cho 200 lao động, không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng.
Còn ở Vườn quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình, cộng đồng dân tộc Mường thu hút 100 - 150 người tham gia làm du lịch sinh thái với thu nhập khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch sinh thái cùng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng ở Quảng Bình lên đến 440 - 520 người, thu nhập bình quân 12 - 15 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Bảo, việc khai thác, sử dụng và phát huy các giá trị đa dụng của rừng còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng các giá trị to lớn của hệ sinh thái rừng. Trong đó, có những khó khăn đến từ việc thiếu quy hoạch vùng trồng gỗ lớn tập trung với năng suất, chất lượng gỗ chưa cao; việc tổ chức sản xuất theo chuỗi còn khó khăn; chưa có quy định về sở hữu, đo đếm carbon rừng; mức thu dịch vụ môi trường rừng còn chưa tương xứng với giá trị mang lại, còn thiếu đối tượng...
Để phát huy giá trị đa dụng của rừng
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, từ đó mở ra kho báu từ rừng.
"Kho báu lớn nhất không chỉ là nguồn lợi, là tài nguyên, mà hơn hết, chính là tư duy mở; cùng trân trọng, nâng niu, vun đắp từng giá trị của rừng, để rừng mãi xanh, tỏa bóng mát cho thế hệ mai sau", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, cần có một góc nhìn khác để phù hợp hơn với thực tế hiện nay, không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn ở góc độ nhân văn, xã hội, con người và văn hoá. Để có thể làm được điều đó thì mỗi địa phương đều cần có một tư duy mở, xóa bỏ tư duy "địa phương nào càng có nhiều rừng thì địa phương đó càng khó khăn".
Tuy nhiên, do nhiều lực cản, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, chưa thể dựa hẳn vào rừng. Ở khía cạnh khác, thu nhập của cán bộ lâm nghiệp, những người chuyên tâm giữ rừng còn thấp, cơ bản chưa đủ trang trải cuộc sống thường nhật, áp lực đè nặng khiến không ít trường hợp đã bỏ nghề.
Để giải quyết những trở ngại trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục giao cho các đơn vị chức năng hoàn thiện Đề án về phát triển giá trị đa dụng của rừng; sửa đổi, điều chỉnh những rào cản của thể chế đang làm giới hạn phát triển giá trị đa dụng của rừng; có cách tiếp cận mới hơn, xa hơn về giá trị đa dụng của rừng. Trong đó, coi trọng giá trị văn hóa của cộng đồng dân cư; thu hút sự tham gia của các chủ thể, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư để khai thác hiệu quả, bền vững các giá trị đa dụng của rừng.
"Quan trọng nhất vẫn là cách nhìn nhận, cách tiếp cận; bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ rừng phải có phương án tạo ra nhiều việc làm, tạo sinh kế lâu dài dưới tán rừng nhằm từng bước cải thiện thu nhập cho người dân để phát triển bền vững và phải tạo một nền kinh tế dưới tán rừng", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.