Hưng Yên

Du lịch gắn với truyền thống văn hóa lịch sử

- Thứ Bảy, 06/03/2021, 07:03 - Chia sẻ
Du lịch Hưng Yên hiện đang tập trung hướng đến các mô hình, sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn; gắn với bảo tồn văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Gần đây, việc tham gia trải nghiệm, thưởng thức các món ăn tiến vua, tìm hiểu truyền thống văn hóa làng quê tại các địa phương nhận được những phản hồi tích cực từ du khách. Đây là  tiền đề để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, giới thiệu, hình thành các tour tuyến thu hút khách du lịch đến với địa phương.

 Điểm nhấn du lịch trải nghiệm làng quê

Huyện Khoái Châu từ lâu đã nổi tiếng với giống gà tiến vua - Đông Tảo. Ngày nay, thưởng thức gà Đông Tảo đã được ngành du lịch Hưng yên lựa chọn là điểm nhấn trong các tour du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Giám đốc HTX chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo Lê Quang Thắng chia sẻ: sau một thời gian bị mai một dần, đến nay, hội thi tuyển chọn gà Đông Tảo đang được người dân và chính quyền địa phương khôi phục và phát triển. Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến thăm quan trại gà Đông Tảo của HTX tăng mạnh. Khách du lịch rất thích thú với việc chiêm ngưỡng đàn gà và thưởng thức những món ngon chế biến từ giống gà quý của địa phương.

Du lịch trải nghiệm tại xã Đông Tảo
Ảnh: Thanh Bình

Với những tín hiệu ban đầu khả quan như vậy, ông Thắng hy vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều công ty du lịch đến kết nối hình thành tour du lịch trải nghiệm. “Đây là cơ hội quảng bá rất lớn sản phẩm địa phương tới du khách trong và ngoài nước”, Giám đốc HTX chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo Lê Quang Thắng kỳ vọng.

Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên, không chỉ gà Đông Tảo, gần đây, các sản phẩm, sản vật địa phương được khách du lịch hết sức quan tâm khi đến với tỉnh. Nắm bắt được nhu cầu của du khách, tỉnh Hưng Yên đã và đang xây dựng kế hoạch đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn. Phó Giám đốc Sở Phạm Văn Hiệu chia sẻ: Tháng 11.2020 vừa qua, đơn vị đã tổ chức kết nối các đơn vị lữ hành trong nước đi farm trip. Chuyến đi thực tế đã giúp các đơn vị lữ hành đánh giá tiềm năng, từ đó xây dựng tuyến tour du lịch phù hợp. Các điểm phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn tại Hưng Yên hiện đang xây dựng rất gần nhau như làng hương xạ Cao Thôn (TP Hưng Yên), làng Tương Bần (huyện Mỹ Hào), làng chạm bạc Huệ Lai (huyện Ân Thi)…

“Về Hưng Yên du khách không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng không gian vùng quê yên bình mà còn được thưởng thức những món ngon từ sản vật địa phương. Điều này để lại ấn tượng hết sức sâu sắc trong lòng du khách”, ông Hiệu cho biết thêm.

Phát triển du lịch gắn với nghệ thuật dân gian

Không chỉ có các món ngon nức tiếng, Hưng Yên còn nổi tiếng với các môn nghệ thuật truyền thống được lưu truyền từ đời này qua đời khác, trong đó có nghệ thuật Ca Trù. Theo sử cũ, bà Đào Thị Huệ - người phụ nữ nổi tiếng tài hoa xinh đẹp và sở hữu giọng hát làm say lòng người chính là bà tổ của nghệ thuật ca trù - loại hình hát ả đào đặc sắc. Tương truyền, vào thế kỷ XV, nhà Minh đem quân xâm lược nước ta. Thời điểm đó, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa tại đất Lam Sơn. Đào Nương cùng với nhiều chị em ở tổng Cao Cương xưa đã mở quán rượu để lôi kéo tướng sĩ quân Minh lui tới ăn uống. Mục đích là tìm hiểu nội tình quân địch giúp Lê Lợi đánh lên đất Thăng Long. Nhờ có tài nghệ và nhan sắc hơn người, Đào Nương nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của cả quân và tướng giặc Minh. Hằng ngày, quân sĩ giặc Minh thường kéo nhau đến quán rượu của nàng Đào Nương tập trung chè chén thâu đêm suốt sáng. Rượu tiệc no say chúng lại lăn ra ngủ.

Thời đó, tổng Cao Cương vốn là vùng lau sậy um tùm, nhiều côn trùng đặc biệt là muỗi. Vì thế, để khỏi lạnh và tránh bị muỗi đốt, giặc Minh đã làm những chiếc túi bằng bao tải gai để được "ấm thân" và an toàn trước côn trùng. Đêm đến chúng chui vào bao và buộc túi lại tránh muỗi. Đào Nương nhiều lần được chúng giao cho việc thắt và mở túi nên đã nghĩ ra kế giết giặc. Cứ đêm đến khi giặc đã ngủ say, dưới sự chỉ huy của Đào Nương, trai tráng trong làng, trong tổng đến khiêng từng túi quẳng xuống sông. Quân số giảm không rõ nguyên cơ, giặc lo sợ đây là vùng đất linh thiêng nên đã rút quân về. Để ghi công người dân đã xây đền Đào Nương và tôn bà trở thành bà tổ môn nghệ thuật Ca Trù.

Từ đó, đền Đào Nương (làng Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, TP Hưng Yên) trở thành di tích lịch sử, ghi đậm dấu ấn chống giặc ngoại xâm và gắn liền nghệ thuật ca trù - di sản văn hóa thứ 4 của Việt Nam được UNESCO công nhận và xếp vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ. Hiện nay, đến với đền Đào Nương vào buổi tập luyện của câu lạc bộ Ca Trù Đào Đặng, du khách không chỉ được thưởng thức câu hát của các nghệ nhân mà còn được hướng dẫn cách ca và gõ phách làm quen với loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Những năm gần đây, hoạt động của các câu lạc bộ Ca Trù trên địa bàn tỉnh Hưng Yên ngày càng phát triển mạnh. Tỉnh đang hướng đến việc huy động sự chung tay của các nghệ nhân nói riêng, Nhân dân trong tỉnh nói chung nhằm kết nối với du khách. Qua đó, tạo động lực phát triển các tour tuyến, sản phẩm du lịch gắn với nghệ thuật dân gian của địa phương. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phạm Văn Hiệu cho biết: nhằm xúc tiến, quảng bá, giới thiệu hiệu quả hơn về Hưng Yên - điểm đến an toàn, thân thiện, ngành du lịch tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh liên kết tour tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng; phát hành các ấn phẩm giới thiệu về các khu, điểm du lịch của tỉnh; quản lý khai thác hiệu quả website du lịch Hưng Yên… Qua đó, cung cấp thông tin đầy đủ nhất cho du khách cũng như doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước.

Thanh Bình