Hơn 90% người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tháng 8.2023, lượng tiền của người dân gửi vào hệ thống ngân hàng đạt khoảng 43.723 tỷ đồng, tạo đỉnh mới với tổng lượng tiền gửi của người dân ở mức 6,43 triệu tỷ đồng. Mức tăng này cải thiện đáng kể so với mức 6.700 tỷ đồng tháng 7, hay mức 35.300 tỷ đồng của tháng 6 và 14.700 tỷ đồng của tháng 5. Như vậy, đây là tháng thứ 13 liên tiếp, tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tăng. So với cuối năm 2022, tiền gửi của dân cư tăng thêm hơn 567.000 tỷ đồng, tương ứng với 9,68%, mức cao nhất từ trước đến nay.
Các chuyên gia nhận định, dù lãi suất huy động luôn duy trì xu hướng giảm trong phần lớn thời gian kể từ đầu năm 2023, nhưng kỷ lục về tiền gửi của dân cư vào hệ thống các ngân hàng liên tục bị xô đổ. Với những người gửi tiết kiệm, dù lãi suất huy động giảm nhưng với mức gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên lãi suất khoảng 5,5% - 6,5%/năm, so với mức lạm phát 9 tháng khoảng 3,1% thì vẫn có mức lãi suất thực dương.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước không thuận lợi, hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, gửi tiết kiệm vẫn là kênh giữ tiền được nhiều người dân lựa chọn, trong đó không thể không kể đến lý do về độ an toàn cao của kênh đầu tư này.
Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là một công cụ chính sách mà Nhà nước sử dụng để bảo đảm an toàn cho tiền gửi của người dân; tại Việt Nam, các hoạt động nghiệp vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) - cơ quan duy nhất thực thi chính sách BHTG - đã bảo vệ trực tiếp và góp phần bảo vệ gián tiếp người gửi tiền. Hiện nay, BHTGVN đang bảo vệ cho người gửi tiền tại 1.280 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.179 quỹ tín dụng nhân dân, 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô.
Kể từ khi thành lập đến nay, BHTGVN đã phát huy tốt vai trò trực tiếp bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền thông qua việc chi trả BHTG. Vào thời điểm một số quỹ tín dụng nhân dân có vấn đề đứng trước nguy cơ đóng cửa hoặc phá sản, BHTGVN đã chi trả BHTG khi tổ chức tín dụng phá sản, giảm rủi ro tổn thất cho người gửi tiền, lấy lại niềm tin công chúng; góp phần tránh những tác động dây chuyền ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng cũng như bảo đảm trật tự, an ninh xã hội tại các địa phương.
Sau 24 năm hoạt động, BHTGVN đã chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền tại 39 tổ chức tham gia BHTG, bảo đảm quyền lợi cho những người gửi tiền quy mô nhỏ, dễ bị tổn thương. Hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện nay là 125 triệu đồng cho tiền gửi của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG. Hạn mức này được đánh giá và quy định theo từng thời kỳ, bảo đảm hướng tới thông lệ quốc tế và bảo hiểm toàn bộ cho trên 90% người gửi tiền.
Góp phần giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng
Hoạt động giám sát, kiểm tra là nghiệp vụ quan trọng của tổ chức BHTG nhằm gián tiếp bảo vệ người gửi tiền. Giám sát và kiểm tra phát hiện vi phạm của các tổ chức tham gia BHTG, từ đó đề xuất, cảnh báo, khuyến nghị để tổ chức tín dụng (TCTD) chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Luật Các TCTD sửa đổi năm 2017 cũng bổ sung quy định về áp dụng can thiệp sớm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trước khi đặt TCTD vào tình trạng kiểm soát đặc biệt để xử lý tổ chức có dấu hiệu yếu kém nhưng chưa đến mức phải kiểm soát đặc biệt. Theo đó, BHTGVN hỗ trợ NHNN trong quá trình phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các TCTD yếu kém thông qua giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ và tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt.
Trên thực tế, để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền và hệ thống ngân hàng nói chung, BHTGVN đã thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên nhằm theo dõi sát tình hình, diễn biến của các tổ chức tham gia BHTG. BHTGVN đang áp dụng các tiêu chuẩn giám sát tiên tiến nhất theo thông lệ quốc tế và theo hướng dẫn của Hiệp hội BHTG quốc tế. Đồng thời, BHTGVN đang tăng cường công tác giám sát, hướng tới đáp ứng yêu cầu chuyển dịch từ giám sát tuân thủ sang giám sát rủi ro và cảnh báo sớm.
Dữ liệu giám sát không chỉ được sử dụng để phân tích, đánh giá mà còn là thông tin đầu vào khi BHTGVN thực hiện kiểm tra tại chỗ theo kế hoạch. Cụ thể, BHTGVN kiểm tra hiện trạng hồ sơ pháp lý về BHTG; kiểm tra việc niêm yết chứng nhận tham gia BHTG; kiểm tra việc chấp hành chế độ thông tin báo cáo; kiểm tra việc tính và nộp phí.
Bên cạnh đó, thực hiện kiểm tra chuyên sâu về tiền gửi được bảo hiểm đối với các QTDND xếp nhóm 4, nhóm 5 theo kết quả phân loại hoạt động giám sát. BHTGVN cũng thực hiện kiểm tra theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, đối chiếu cụ thể tiền gửi, tiền vay của các TCTD. Việc theo dõi sát tình hình hoạt động, phát hiện sớm các rủi ro tiềm ẩn của tổ chức tham gia BHTG đã giúp BHTGVN có cái nhìn vừa toàn diện, vừa chi tiết về các tổ chức này. Qua đó, cảnh báo các sai phạm, rủi ro để tổ chức tham gia BHTG kịp thời khắc phục; đồng thời, để cơ quan quản lý ngành ngân hàng nắm bắt, can thiệp khi cần thiết.
Với sự phát triển nhanh chóng của ngân hàng số, hoạt động huy động tiền gửi ngày càng đa dạng, thúc đẩy tốc độ xử lý gửi tiền được nhanh và tiện lợi hơn. Cùng với đó, việc bảo đảm an toàn đối với tiền gửi tại các TCTD cũng trở nên cấp thiết hơn. Vì vậy, BHTGVN cần phát huy hơn nữa hiệu quả của chính sách BHTG cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức, không ngừng nâng cao tính sẵn sàng và khả năng phản ứng cả trong điều kiện bình thường lẫn khi phát sinh vấn đề trong hệ thống ngân hàng.