Quyết liệt tháo gỡ nút thắt
Theo báo cáo của UBND tỉnh tại kỳ họp, năm 2024 là năm bản lề trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, Bắc Ninh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, hoạt động của HĐND tỉnh có nhiều đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; điều hành của UBND tỉnh có sự tập trung, quyết liệt tháo gỡ các nút thắt, khó khăn.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu phục hồi tốt; tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng trưởng 2,32%. Cùng với nhiều tín hiệu tích cực, thu ngân sách nhà nước cũng tăng 19,5%. Trong đó,chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng trưởng dương 5,5% so với cùng kỳ, cho thấy tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp gia tăng; thương mại hiện đại, dịch vụ phát triển tốt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc; chuyển đổi số, cải cách hành chính được đẩy mạnh, xếp thứ 3 cả nước và đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Công tác quy hoạch được quan tâm, xây dựng; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục khẳng định vị thế tốp đầu cả nước…
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng còn không ít hạn chế; như tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt thấp, chưa ổn định; hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động ở mức cao. Tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư còn chậm, kết quả giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự đô thị, môi trường vẫn còn nhiều hạn chế.
Mặt khác, công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án lớn của tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, chưa được giải quyết kịp thời; công tác tham mưu triển khai các kết luận, ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh của một số cơ quan, đơn vị còn chậm, chưa bảo đảm chất lượng.
Chủ động, linh hoạt trong điều hành
Trong phiên thảo luận tại kỳ họp, các đại biểu đánh giá khách quan, toàn diện và thảo luận làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, vướng mắc; phân tích rõ một số chỉ tiêu phát triển kinh tế đạt thấp.
Đại biểu Tổ đại biểu khu vực thị xã Thuận Thành cho rằng, năm 2024 là năm tăng tốc để chuẩn bị về đích thực hiện các nhiệm vụ cả nhiệm kỳ 2021 - 2025; vì vậy, dù con số tăng trưởng khá khiêm tốn (2,32%) nhưng cũng thể hiện sự nỗ lực rất lớn của tỉnh. Song, chỉ số tăng trưởng đó là so sánh với năm trước, 6 tháng đầu năm 2023 đã giảm sâu (12,59% so với cùng kỳ năm 2022); nên tăng trưởng dương so với năm 2023 nhưng vẫn là âm so với năm 2022.
Theo đó, các đại biểu đóng góp đưa ra những giải pháp quyết liệt, phát huy tối đa tiềm năng, nhằm duy trì ổn định kinh tế, lấy lại đà phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng 6 tháng cuối năm 2024.
HĐND tỉnh dự báo, ước kết quả thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2024 với 2/17 chỉ tiêu vượt kế hoạch; 12/17 chỉ tiêu đạt kế hoạch; 3/17 chỉ tiêu sẽ quyết tâm phấn đấu đạt kế hoạch. Trong đó, GRDP tăng từ 5% - 6,29% so với thực hiện năm 2023. Từ đó, HĐND tỉnh quyết nghị 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả năm 2024.
Sau gần 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm; kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra với sự đồng thuận, thống nhất cao thông qua 11 nghị quyết (3 nghị quyết về công tác cán bộ). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chăm lo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tạo sự chủ động, linh hoạt trong điều hành các nguồn vốn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Hằng đề nghị, các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng; bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời ứng phó với những vấn đề phát sinh. Đặc biệt, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thường trực HĐND tỉnh chủ động phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tốt việc giám sát, phản biện xã hội đối với những chính sách, nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Thường trực HĐND, các Ban HĐND và đại biểu HĐND tỉnh bằng các hình thức phù hợp báo cáo kết quả kỳ họp, tuyên truyền triển khai tốt các nghị quyết HĐND tỉnh đến đông đảo cử tri và Nhân dân trên địa bàn tỉnh; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tăng cường giám sát các nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua.