Đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất
Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của những biến động kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, song, với mục tiêu rõ ràng, cụ thể cho từng lĩnh vực, cùng quyết tâm cao, đoàn kết, "dám nghĩ, dám làm" của cả hệ thống chính trị và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định những tháng đầu năm đã có nhiều bứt phá. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tính tăng 8,56% so với cùng kỳ năm 2023 (đứng thứ 11 trên toàn quốc).
Tuy nhiên, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của UBND tỉnh trình tại Kỳ họp thứ 19 cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục như: thu ngân sách từ tiền sử dụng đất tăng so với cùng kỳ nhưng vẫn đạt thấp (bằng 36% dự toán); công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công một số dự án trọng điểm còn chậm… Các đại biểu đề nghị, UBND tỉnh cần theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách; đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm hoàn thành dự toán ngân sách năm 2024. Bên cạnh đó, quản lý chi ngân sách phải bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; ưu tiên đáp ứng đầy đủ, kịp thời các khoản chi an sinh xã hội, chi cho con người và bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển.
Ngoài ra, UBND tỉnh cần tăng cường quản lý đất đai tại các địa phương; chỉ đạo đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện các dự án theo chủ trương đầu tư đã được duyệt nhằm phát huy hiệu quả đầu tư. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu thứ cấp vào các khu, cụm công nghiệp. Quan tâm thu hút, phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao, phát triển xanh, bền vững, có khả năng đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách.
Để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024. Tập trung triển khai, quản lý các quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, các khu, cụm công nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để chậm triển khai nhiệm vụ, phối hợp thiếu chặt chẽ, đùn đẩy trách nhiệm ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tỉnh sẽ tăng cường công tác quản lý thu, chi ngân sách, điều hành ngân sách chặt chẽ, hiệu quả, công khai, minh bạch…
Quan tâm vận hành các khu xử lý rác thải
Quá trình xây dựng NTM và đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Nam Định hết sức quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường và coi đây là yếu tố then chốt giúp tỉnh phát triển bền vững. Trong thu hút các dự án đầu tư mới, tỉnh tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp để bảo đảm chủ động việc quản lý, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ…
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Sơn, trên địa bàn hiện có 1 khu xử lý rác thải tập trung của toàn tỉnh, với tổng vốn đầu tư 1.490 tỷ đồng dự kiến năm 2025 sẽ đi vào hoạt động. Do vậy, các huyện phải chỉ đạo các xã chuẩn bị quy hoạch ít nhất 1 điểm tập kết rác thải và những điểm này phải cạnh đường giao thông để thuận lợi cho việc thu gom. Cùng với đó, các huyện cần quan tâm, thường xuyên vận hành các khu xử lý rác thải ở địa phương, tránh ô nhiễm môi trường khu vực.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, thời gian qua, công tác xây dựng NTM tiếp tục được đặc biệt quan tâm triển khai và đạt kết quả tích cực. Đến nay, đã có 197/204 (96,6%) xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 34 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xét công nhận huyện Giao Thủy đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Các đại biểu đề nghị, UBND tỉnh cần đôn đốc, hỗ trợ các địa phương thực hiện, củng cố các tiêu chí xây dựng xã, huyện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025. Mặt khác, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa tới sản phẩm lúa gạo để khi nhắc đến Nam Định sẽ vừa là nơi sản xuất lúa gạo truyền thống, vừa là nơi sản xuất lúa gạo vì sức khỏe cộng đồng.
Ngoài ra, để bảo đảm chất lượng giáo dục, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non hiện nay, UBND tỉnh cần bám sát các quy định của pháp luật để đề ra các giải pháp thực hiện hiệu quả lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; bảo đảm thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với các giáo viên tham gia đào tạo nâng chuẩn theo kế hoạch. Mặt khác cần nâng cao công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm trong việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người lao động; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đối tượng tham gia BHXH, BHYT,…