Đền Tranh, còn gọi là đền Quan Lớn Tuần Tranh, thờ vị thần sông nước cai quản khúc sông ở gần bến đò Tranh, thuộc xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Quan Lớn Tuần Tranh là vị quan Tuần Phủ được giao cai quản ngã 3 sông Tranh, nơi giao nhau của 3 vùng đất Ninh Giang - Vĩnh Bảo - Thái Bình. Đây là một vị quan mẫu mực, hết lòng vì dân vì nước, bảo vệ vùng đất Ninh Giang, xây dựng cuộc sống ấm no cho người dân.
Để tưởng nhớ công đức to lớn của Quan Lớn Tuần Tranh, chính quyền địa phương và những người con Ninh Giang đã lập đền thờ ông. Ngôi đền được lập vào thời Trần, tại vùng ngã ba sông Tranh giao với sông Luộc, ban đầu chỉ là ngôi miếu nhỏ nằm sát bến sông. Do bờ sông thường bị xói lở nên đến năm 1935, người dân lập một đền thờ mới tại làng Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm và giữ tên gọi là đền Tranh.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, năm 1946, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, đền Tranh chỉ còn giữ lại cung cấm làm nơi thờ tự. Năm 1954, đền Tranh được phục dựng để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Từ năm 1996 - 2006, từ nhiều nguồn vốn đền được đầu tư tôn tạo, xây dựng khang trang... Năm 2009, đền Tranh được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Lễ hội đền Tranh cũng đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Giới thiệu với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ninh Giang Nguyễn Thành Vạn cho biết, đền Tranh phản ánh tín ngưỡng thờ thủy thần, từ thế kỷ XIX đã rất khang trang, từng là cơ sở cách mạng thời chống Pháp và hiện thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương đến chiêm bái; ông Vạn cũng khẳng định, việc quản lý hoạt động tín ngưỡng tại đền Tranh khá tốt, “không có hiện tượng bói toán, cũng không có ấn phẩm tuyên truyền mê tín dị đoan”.

Đền Tranh là một trong hàng nghìn công trình tôn giáo, tín ngưỡng có giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa, kiến trúc tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Theo báo cáo kết quả giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, toàn tỉnh hiện có 2.038 cơ sở thờ tự, nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng nhân dân, trong đó 655 đình, 185 đền, 282 miếu, 128 nghè, 547 nhà thờ họ và 241 cơ sở khác. Có 397 cơ sở tín ngưỡng được xếp hạng di tích, trong đó có 255 cơ sở tín ngưỡng được xếp hạng di tích cấp tỉnh, 142 cơ sở tín ngưỡng được xếp hạng cấp quốc gia (trong đó có 4 cơ sở được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt). Hoạt động tín ngưỡng của nhân dân chủ yếu là thờ cúng tổ tiên, thờ Thành hoàng làng, thờ Mẫu, thờ Anh hùng dân tộc, thờ Đức thánh Trần.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.087 Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, người đại diện cơ sở tín ngưỡng. Nhìn chung, các hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Hải Dương cơ bản bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật; việc bầu cử, cử người đại diện hoặc thành viên Ban Quản lý cơ sở tín ngưỡng bảo đảm các tiêu chuẩn; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn hướng dẫn người đại diện hoặc Ban Quản lý cơ sở tín ngưỡng thực hiện việc đăng ký hoạt động tín ngưỡng với đầy đủ nội dung, quy mô và thời gian theo quy định.
Đối với các lễ hội truyền thống gắn với cơ sở tôn giáo, Hải Dương có 826 lễ hội đang được bảo tồn tại các làng, xã, trong đó có 818 lễ hội truyền thống gắn liền với các di tích tín ngưỡng, tôn giáo là nơi lưu giữ các giá trị di sản văn hóa quý giá, thể hiện bản sắc văn hóa vùng miền như: lễ hội chùa Hào Xá (huyện Thanh Hà), Côn Sơn - Kiếp Bạc, đền Sinh - đền Hóa, đền Cao (Chí Linh); đền Quát, đền Cuối, đền Đươi (Gia Lộc); đình Trịnh Xuyên, đền Tranh (Ninh Giang); đền, đình Sượt, đình Đồng Niên (TP. Hải Dương); đền Xưa - đền Bia - chùa Giám (Cẩm Giàng); An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn)...
Giai đoạn 2020 - 2022, Hải Dương có 4 lễ hội truyền thống được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm Lễ hội đền Quát (Gia Lộc), đền, đình Sượt (TP. Hải Dương), đền Cao An Phụ (Kinh Môn), đền Tranh (Ninh Giang). Lễ hội là nơi thể hiện rõ nét nhất đời sống sinh hoạt văn hóa của con người và những ước vọng tâm linh của cộng đồng. Thông qua các lễ hội, các giá trị truyền thống của làng quê như ý thức về cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ, tri ân công đức của nhân vật được thờ, ý thức giữ gìn những nét đẹp văn hóa, thuần phong mỹ tục được duy trì, nâng cao tình đoàn kết, cố kết cộng đồng.
Báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, nhận thức được tiềm năng phát triển du lịch từ các di tích liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi, đầu tư kinh phí để tổ chức các lễ hội truyền thống lớn trong tỉnh; tích cực triển khai các hoạt động truyền thông, quảng bá các chương trình lễ hội, các di tích, di sản của địa phương; bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích theo đúng quy định pháp luật nhằm phát huy giá trị văn hóa của các di tích…
Đáng chú ý, Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc với 32 địa điểm tập trung ở 5 khu di tích, điểm di tích trên địa bàn 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đang được xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. “Đây là bước tiến và cơ hội lớn để Hải Dương có thể phát triển hơn nữa về du lịch, thu hút khách tham quan trong và ngoài nước, tiếp tục phát huy tiềm năng và giá trị của các di tích trên địa bàn tỉnh”, báo cáo giám sát nêu rõ.
Đoàn giám sát đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm tu bổ, tôn tạo di tích, nhất là đối với các di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiểm tra, thanh tra đối với việc thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và các luật liên quan, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kinh doanh, thu lợi bất chính.