Trường hợp nào thân nhân bệnh binh bị cắt các chế độ ưu đãi của Nhà nước?

- Thứ Bảy, 03/06/2023, 08:35 - Chia sẻ

Xin hỏi, con của bệnh binh (ảnh hưởng của chất độc da cam) bị hở hàm ếch và vô sinh, đang được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước nhưng bỗng dưng bị cắt và yêu cầu phải truy thu số tiền được hưởng từ trước đến nay. Điều này đúng hay sai? - Bạn đọc Lê Văn Minh (Thanh Hoá)

Chế độ ưu đãi từ nhà nước mà thân nhân của bệnh binh được hưởng  -0

Luật sư Nguyễn Hoàng Thịnh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) trả lời:

Bệnh binh và chế độ ưu đãi đối với thân nhân của bệnh binh:

- Căn cứ theo Điều 26, Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 và quy định như sau: Bệnh binh là những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội nhân dân và sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong Công an nhân dân bị mắc bệnh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên khi làm nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm mà không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí thì được cơ quan có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận bệnh binh” khi thôi phục vụ trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân.

- Căn cứ theo Điều 131/2021/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết về khái niệm “Nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm” như sau: Nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm là thực hiện các nhiệm vụ sau: chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu; thực hiện nhiệm vụ có tính chất nguy hiểm khi: đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ; chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; trực tiếp trấn áp, bắt giữ tội phạm; cứu hộ, cứu nạn; ứng cứu thảm họa thiên tai.

- Thân nhân của Bệnh bênh bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ. Những người này đều được pháp luật quy định thuộc đối tượng được hưởng các chế độ ưu đãi mà nhà nước ghi nhận theo quy định tại Điều 28, Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14, cụ thể:

“1. Bảo hiểm y tế đối với những người sau đây:

a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;

b) Người phục vụ bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên sống ở gia đình.

2. Bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất như sau:

a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng đủ tuổi theo quy định tại khoản 2, Điều 169 của Bộ luật Lao động, con chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng;

b) Cha đẻ, mẹ đẻ sống cô đơn, vợ hoặc chồng đủ tuổi theo quy định tại khoản 2, Điều 169 của Bộ luật Lao động sống cô đơn, con mồ côi cả cha mẹ chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng.

3. Chế độ ưu đãi quy định tại điểm d và điểm đ, khoản 2, Điều 5 của Pháp lệnh này đối với con của bệnh binh.

4. Trợ cấp một lần đối với thân nhân với mức bằng 3 tháng trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng hiện hưởng khi bệnh binh đang hưởng trợ cấp hằng tháng chết.

5. Trợ cấp mai táng đối với người hoặc tổ chức thực hiện mai táng khi bệnh binh đang hưởng trợ cấp hằng tháng chết.”

Các thân nhân của Bệnh binh đều được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật:

- Căn cứ theo Điều 3, Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 quy định về Đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng như sau:

“1. Người có công với cách mạng bao gồm:

..................

h) Bệnh binh;

..................

2. Thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ.

Theo Khoản 2, Điều 4, Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14, Người có công nuôi liệt sĩ là người đã nuôi dưỡng khi liệt sĩ chưa đủ 18 tuổi và thời gian nuôi dưỡng từ 10 năm trở lên.

 Như vậy, Bệnh binh và thân nhân của bệnh binh bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ đều được pháp luật ghi nhận thuộc các đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi đã được đề cập tại mục 2.1 bên trên.

Các trường hợp bị chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng và thủ tục thực hiện:

- Căn cứ theo Điều 55, Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 quy định cụ thể về các trường hợp bị chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng và phải hoàn trả lại các số tiền đã nhận, cụ thể:

1. Người giả mạo giấy tờ để được xem xét công nhận là người có công với cách mạng, hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thì bị thu hồi quyết đình công nhận, chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi và phải hoàn trả số tiền đã nhận.

2. Người khai báo gian dối giấy tờ để được hưởng thêm chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thì bị chấm dứt chế độ ưu đãi được hưởng thêm và phải hoàn trả số tiền đã nhận do khai báo gian dối.

3. Người chứng nhận sai sự thật hoặc làm giả giấy tờ cho người khác để được xem xét công nhận là người có công với cách mạng; người lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi của người có công với cách mạng thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

- Theo Khoản 2, Điều 118, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định về quy trình chấm dứt chế độ ưu đãi như sau:

+ Trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện có dấu hiệu khai man, giả mạo thì cơ quan quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi ban hành quyết định tạm dừng chế độ ưu đãi và có văn bản đề nghị cơ quan, đơn vị xác lập hồ sơ người có công xác minh, kết luận.

Trường hợp sau khi xác minh, kết luận đối tượng khai man, giả mạo hồ sơ thì cơ quan cơ quan, đơn vị xác lập hồ sơ người có công có trách nhiệm thu hồi giấy tờ đã cấp và chuyển các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo pháp luật hiện hành; có văn bản thông báo kèm các giấy tờ làm căn cứ để cơ quan quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi ban hành quyết định chấm dứt chế độ kể từ tháng có kết luận xác minh, thu hồi chế độ đã hưởng sai.

Như vậy, để chấm dứt chế độ ưu đãi của thân nhân của người có công với cách mạng, cơ quan có thẩm quyền (cơ quan cấp giấy xác nhận được hưởng chế độ ưu đãi) cần xác minh, làm rõ để có kết luận cụ thể, đồng thời ban hành Quyết định chấm dứt chế độ trong đó có nêu rõ lý do và căn cứ chấm dứt.

Về thủ tục hưởng lại chế độ ưu đãi theo quy định pháp luật:

- Theo Khoản 2, Điều 119, Nghị định số 131/NĐ-CP hướng dẫn như sau:

+ Đối với trường hợp: Người giả mạo giấy tờ để được xem xét công nhận là người có công với cách mạng, hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thì bị thu hồi quyết đình công nhận, chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi và phải hoàn trả số tiền đã nhận.

Thân nhân cần gửi đơn yêu cầu xác minh lại, cùng với đó có thể kèm theo các văn bản, tài liệu chứng minh bệnh binh và là thân nhân của người được hưởng chế độ. Sau khi có sự xác minh, kết luận không giả mạo giấy tờ cơ quan quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi ban hành quyết định hưởng lại chế độ ưu đãi kể từ tháng bị tạm đình chỉ.

 + Đối với trường hợp: Người khai báo gian dối giấy tờ để được hưởng thêm chế độ ưu đãi người có công với cách mạng thì bị chấm dứt chế độ ưu đãi được hưởng thêm và phải hoàn trả số tiền đã nhận do khai báo gian dối.

Thân nhân cần gửi đơn yêu cầu xác minh lại, cùng với đó có thể kèm theo các văn bản, tài liệu chứng minh bệnh binh và là thân nhân của người được hưởng chế độ. Sau khi có thông báo, cơ quan quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi căn cứ kết quả xác minh, kết luận để ban hành quyết định hưởng lại chế độ ưu đãi đúng quy định kể từ tháng bị tạm đình chỉ và thu hồi chế độ ưu đãi hưởng thêm do khai báo gian dối.

Nguyên tắc của hoạt động chấm dứt chế độ ưu đãi là việc công khai, minh bạch kết luận xác minh của cơ quan có thẩm quyền đối với các giấy tờ, thông tin mà bệnh binh hoặc thân nhân bệnh binh cung cấp hoặc đang được lưu giữ tại tổ chức, cơ quan có thẩm quyền. Việc chấm dứt và truy thu lại số tiền đã được hưởng phải được thực hiện dựa trên Quyết định về chậm chấm dứt chế độ ưu đãi. Trường hợp cơ quan nhà nước không có văn bản, căn cứ mà chấm dứt chế độ ưu đãi của thân nhân bệnh binh và truy thu lại số tiền đã được hưởng trước đó là hành vi vi phạm pháp luật. Thân nhân bệnh binh có quyền khiếu nại hành vi hành chính hoặc gửi văn bản lên các cơ quan có thẩm quyền để được xác minh và làm rõ.

* Bạn Lê Văn Minh (Thanh Hoá) có thể tham khảo các nội dung trên để xác định rõ về quyền lợi đối với trường hợp cụ thể mà bạn quan tâm.

Thái Yến ghi
#