Bạn đọc viết

Nghị quyết gỡ khó cho bất động sản càng sớm, càng tốt!

- Chủ Nhật, 05/03/2023, 06:25 - Chia sẻ

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 mới đây, một lần nữa vấn đề tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản lại được Chính phủ đặt ra.

Theo đó, người đứng đầu Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Xây dựng chủ trì, hoàn thiện nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, “theo tinh thần tất cả các chủ thể đều phải có trách nhiệm, không ai đổ lỗi cho ai, không một mình ai làm được, điều hành không tạo sự thay đổi đột ngột, giật cục; thúc đẩy chương trình 1 triệu căn hộ nhà ở công nhân, nhà ở xã hội”.

Sự “sốt ruột” với thị trường bất động sản và vào cuộc sát sao của người đứng đầu Chính phủ cũng là điều dễ hiểu. Bởi thực tế cho thấy, bất động sản là một trong những thị trường quan trọng của nền kinh tế quốc dân, ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác nhưng thị trường này đã và đang bị chững lại bởi đối diện với hàng loạt khó khăn. Nguồn cung bất động sản, nhà ở khan hiếm, nhà ở cho người thu nhập thấp đang bị thiếu. Hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp khó do khó tiếp cận được các nguồn vốn; lãi suất, tỷ giá ngoại tệ, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng; không bán được sản phẩm.

Không sốt ruột sao được khi đối diện với hàng loạt khó khăn buộc các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Chỉ tính trong năm 2022 đã có hơn 1.200 doanh nghiệp bất động sản dừng hoạt động, giải thể, phá sản. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, “cá biệt có Tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động; dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới”. Khó khăn của thị trường bất động sản kéo theo hàng loạt khó khăn của các ngành nghề khác, ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động làm việc trong lĩnh vực này, sâu xa hơn, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Thực tế cho thấy, có 2 vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến bất động sản hiện nay, đó là khó khăn về tiếp cận nguồn vốn và khó khăn do vướng mắc pháp lý chiếm đến 70%. Những khó khăn về pháp lý, các bộ, ngành có thể cùng “ngồi lại” với nhau để bàn những vướng mắc, từ đó có sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ một cách căn cơ cho lĩnh vực này, tránh tình trạng quy định này “bó” quy định kia làm khó cho cả người dân và doanh nghiệp khi tham gia và tiếp cận với thị trường bất động sản. Cùng với tháo gỡ về pháp lý, thì thị trường bất động sản rất cần được hỗ trợ bởi nguồn vốn tín dụng.

Nguồn tín dụng ngân hàng là cần thiết, tuy nhiên cũng phải sòng phẳng rằng, ngân hàng cũng cần bảo đảm sự an toàn cho hệ thống, nên chỉ cho vay đối với những dự án được đánh giá là có khả năng trả nợ như: dự án có tài sản bảo đảm, dự án có điều kiện pháp lý, dự án có tính khả thi. Do đó, bên cạnh sự vào cuộc hỗ trợ của ngân hàng, bản thân các doanh nghiệp cũng không được quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, mà phải tự tái cấu trúc các danh mục đầu tư để tập trung nguồn lực cho các dự án trọng tâm, khả thi để vượt qua khó khăn ở thời điểm hiện tại.

Những “nút thắt” của thị trường bất động sản đã được bàn thảo nhiều ở các diễn đàn, hội nghị, hội thảo và các cuộc làm việc của lãnh đạo Chính phủ. Nhiều giải pháp cũng đã được hiến kế rất hữu ích và thấu đáo. Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề này, các chủ thể có liên quan đều phải có trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với nhau, để “không ai đổ lỗi cho ai”, không để xảy ra tình trạng “điều hành giật cục”, cần có một văn bản pháp lý chặt chẽ, thống nhất để giải quyết vướng mắc này. Do đó, điều mà người dân và doanh nghiệp rất cần lúc này là Chính phủ sớm có nghị quyết nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Hà An