Đa dạng hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật

- Thứ Tư, 02/11/2022, 16:59 - Chia sẻ

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, những năm qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân luôn thực hiện tốt công tác này bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, tạo tiền đề quan trọng nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, chiến sĩ; giảm thiểu các vụ vi phạm pháp luật, kỷ luật Quân đội, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta.

Hiệu quả từ một Trung đoàn

Trung đoàn 165 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) mỗi năm tiếp nhận hàng ngàn chiến sĩ mới, với đa dạng nơi ở, dân tộc, tôn giáo, trình độ học vấn không đồng đều, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật còn bộc lộ nhiều hạn chế. Nhận thức rõ điều đó, trong những năm qua, lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn luôn coi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên và quan trọng của đơn vị nhằm tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, chiến sĩ, góp phần xây dựng môi trường sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong toàn quân. 

Theo đó, Trung đoàn thường xuyên quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định của các cấp về chấp hành pháp luật, kỷ luật. Trong đó, trọng tâm là Chỉ thị số 103/CT-BQP ngày 28-11-2019 của Bộ Quốc phòng về việc “Tiếp tục tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn trong Quân đội Nhân dân Việt Nam”; Công văn số 1598/CT-TH ngày 6.9.2019 của Tổng cục Chính trị về việc “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, quản lý tư tưởng, ngăn chặn các vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật”…

Bên cạnh đó, Trung đoàn cũng đề ra các chương trình, kế hoạch, giải pháp nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của bộ đội, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; xây dựng ý thức tự giác, bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn, gian khổ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu qủa cao, với phương châm “dễ hiểu, dễ tiếp nhận”, Trung đoàn 165 luôn đổi mới, đa dạng hình thức thực hiện. Điển hình như: thực hiện có hiệu quả việc thông báo chính trị - thời sự hằng tuần, trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, sinh hoạt bộ đội, sinh hoạt các tổ chức quần chúng; thực hiện Ngày Pháp luật, Ngày Chính trị và văn hóa tinh thần; phổ biến trên bảng tin, hệ thống phát thanh nội bộ của các cơ quan, đơn vị; duy trì có chất lượng, nền nếp hoạt động “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật, mỗi tuần một điều luật” và hoạt động của“Tổ tư vấn tâm lý - pháp lý quân nhân”; lên lớp trực tiếp nói chuyện pháp luật, tư vấn pháp luật và tổ chức các cuộc thi, diễn đàn thanh niên để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, hạ sĩ quan, chiến sĩ đã thu được kết quả tốt; … Nhờ đó, Trung đoàn luôn thực hiện tốt việc phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm pháp luật, kỷ luật ở trong đơn vị từ cấp cơ sở, góp phần xây dựng nếp sống chính qui, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu”.

Trao đổi về vấn đề này, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 165 Trịnh Hoàng Tiến cho biết: Dưới sự chỉ đạo của Đảng uỷ và quyết tâm của chỉ huy Trung đoàn, trong những năm gần đây, tình hình chấp hành kỷ luật trong Trung đoàn đã có nhiều chuyển biến, nhận thức và hành động của hạ sĩ quan, chiến sĩ trong chấp hành kỷ luật không ngừng được nâng lên; tỷ lệ vi phạm kỷ luật giảm hẳn so với những năm trước. Đây chính là kết quả của việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỷ luật bằng những mô hình và cách làm cụ thể.

“Việc đánh giá về chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật cho hạ sĩ quan, binh sĩ ở các đơn vị trong Trung đoàn đã được cân nhắc, xem xét một cách toàn diện, trên cơ sở nhiều yếu tố tạo thành. Từ đó, Trung đoàn đã có những tổng hợp các yếu tố, các bộ phận cấu thành hoạt động giáo dục phổ biến, giáo dục pháp luật để triển khai các khâu, các bước, nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện giáo dục sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị” - Trung tá Trịnh Hoàng Tiến chia sẻ.

Phát huy vai trò của lực lượng làm công tác tuyên truyền

Tại Hội nghị Tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ Đoàn, cán bộ đảm nhiệm công tác thanh niên, triển khai chương trình phát triển thanh niên quân đội giai đoạn 2021 - 2030, nhiều ý kiến cho rằng: cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ Đoàn, cán bộ đảm nhiệm công tác thanh niên; phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của tổ chức Đoàn các cấp trong phổ biến, giáo dục pháp luật; nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, xây dựng động cơ, thái độ đúng đắn trong học tập, rèn luyện, công tác và ý thức tự giác chấp hành nghiêm kỷ luật cho đoàn viên, thanh niên.

Thực tế hiện nay, tại nhiều đơn vị quân đội đã và đang xuất hiện những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, như: tuyên truyền, phổ biến qua mạng internet, mạng Misten trong Quân đội, cổng thông tin điện tử; giới thiệu bằng trình chiếu kết hợp hình ảnh, phim tư liệu; sân khấu hóa, lồng ghép với biểu diễn văn hóa - văn nghệ; “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân”; “Mỗi tuần một điều luật”, “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật”, Tủ sách pháp luật,...

Bên cạnh đó, để công tác phổ biến giáo dục pháp luật đạt hiệu quả trong toàn quân, các cơ quan, đơn vị cũng gắn công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với giáo dục chính trị tư tưởng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật và mọi hoạt động của đơn vị, đặc biệt là đã gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo 5 chuẩn mực “Bộ đội Cụ Hồ” và các cuộc vận động, các phong trào thi đua nên có sức lan tỏa mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến ý thức, văn hóa pháp luật của bộ đội và Nhân dân. Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội của cán bộ, chiến sĩ có nhiều tiến bộ; các vụ việc, số người vi phạm năm sau giảm hơn năm trước, tình hình tư tưởng toàn quân ổn định, góp phần nâng cao sức mạnh của Quân đội, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn cả nước.

Dù vậy, so với yêu cầu đề ra, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong toàn quân còn bộc lộ một số hạn chế, điển hình như: việc đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp chưa thường xuyên; chưa phát huy hết vai trò của các tổ chức quần chúng… Do đó, để nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội, đối với Trung đoàn 165, Trung tá Trịnh Hoàng Tiến cho rằng, cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng làm công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị; tích cực đổi mới nội dung, chương trình sát thực tiễn của đơn vị, các hình thức, phương pháp, phương tiện giáo dục phù hợp; làm tốt công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng mềm cho đội cán bộ, lấy đội ngũ cán bộ chính trị làm nòng cốt trung tâm; chú trọng nâng cao hiệu quả các buổi diễn đàn, toạ đàm thanh niên về nội dung chấp hành pháp luật, kỷ luật trong đơn vị; đồng thời, bồi dưỡng, phát huy tốt đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Mai Đức Thắng
#