Báo động tình trạng mua bán các loại giấy tờ giả qua mạng xã hội

- Thứ Ba, 07/05/2024, 16:32 - Chia sẻ

Thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, tiktok… tình trạng quảng cáo, mua, bán các loại bằng cấp, giấy tờ, tài liệu giả diễn ra rất phức tạp, với số lượng và phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây bức xúc dư luận.

Ngang nhiên vi phạm pháp luật...

Xuất phát từ nhu cầu của một số người không muốn học, không muốn tốn thời gian khám sức khỏe nhưng lại muốn có bằng cấp, giấy tờ để làm hồ sơ xin việc hoặc sử dụng với những mục đích khác như thực hiện các hành vi lạm dụng, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản…đã xuất hiện các dịch vụ làm giấy tờ, bằng cấp giả qua các phương tiện công nghệ.

Chỉ vài thao tác đơn giản với từ khóa “làm giấy tờ giả" trên công cụ tìm kiếm của internet dễ dàng tìm thấy hàng trăm, hàng nghìn lượt kết quả như: “Nhận làm giấy tờ giả các loại, giá cả hợp lý”, “làm bằng giao ngay” hay “Nhận làm giấy tờ chuyên nghiệp, giao hàng tận nơi, không cọc…”.

Đáng nói, các đối tượng rao bán một cách công khai với nhiều lời quảng cáo hấp dẫn như “đảm bảo bí mật về thông tin và chất lượng giấy tờ giả giống như thật 100%”, giá rẻ, lấy nhanh… Khách hàng chỉ cần lựa chọn loại giấy tờ mình có nhu cầu, cung cấp thông tin cá nhân phù hợp, địa chỉ nhận hàng, chỉ sau vài ngày là đã có thể nhận được giấy tờ.

Báo động tình trạng mua bán các loại giấy tờ giả qua mạng xã hội -0
Việc mua bán giấy tờ giả được rao bán một cách công khai trên các trang mạng xã hội

Trong vai một người đang cần gấp chứng chỉ tiếng anh B1 để đi xin việc, phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân đã liên hệ với bạn có tên Zalo là “Tấn Phạm”, qua trao đổi, “chỉ cần bỏ ra 3,5 triệu đồng và trong vòng 4-5 ngày phóng viên sẽ nhận được chứng chỉ tiếng anh B1 với phôi chuẩn gốc của sở, bao công chứng xin việc và đảm bảo an toàn”. Điều đáng nói, việc mua bán diễn ra vô cùng nhanh chóng và dễ dàng, chỉ cần người mua cung cấp thông tin cá nhân và tên trường cấp chứng chỉ.

Phó trưởng Công an xã Liên Ninh (Thanh Trì, Hà Nội), Trung tá Vũ Đình Hòa cho biết, “việc sử dụng giấy tờ giả gây hậu quả nghiêm trọng và để lại nhiều hệ lụy cho xã hội, tổ chức, cá nhân liên quan và ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, nhất là khi các đối tượng sử dụng vào mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, gây rối trật tự xã hội, xin việc làm; làm ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự, uy tín cá nhân và các cơ quan, tổ chức, mất niềm tin của cộng đồng”.

Nghiêm khắc, xử lý kịp thời

Trước tình hình trên, lực lượng Công an tỉnh Hưng Yên đã chủ động và triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ngày 23.4.2024 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Hưng Yên) vừa ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Trần Thị Thấm, sinh năm 1981, trú tại thôn Liêu Hạ, xã Tân Lập, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên về tội Sử dụng tài liệu giả của Cơ quan, tổ chức được quy định tại khoản 1, Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015, khi đối tượng Thấm đang có hành vi bán 7 Giấy khám sức khoẻ được ghi sẵn kết quả khám, có chữ ký của các bác sỹ khám, xét nghiệm và được đóng dấu của bệnh viện nhưng không ghi ngày, tháng; không điền thông tin người khám bệnh tại quán nước.

Quá trình bắt giữ, ngoài 7 tờ giấy khám sức khỏe trên, Thấm đã tự nguyện giao nộp thêm 13 giấy khám sức khỏe khác với các nội dung tương tự. Qua đấu tranh và xác minh sơ bộ ban đầu, cơ quan điều tra xác định toàn bộ số giấy tờ thu giữ của Thấm đều là giả.

Báo động tình trạng mua bán các loại giấy tờ giả qua mạng xã hội -0
Đối tượng Trần Thị Thấm (Nguồn: Công an tỉnh Hưng Yên)

Tại cơ quan điều tra, Thấm khai nhận: Vào khoảng tháng 2.2024, Thấm sử dụng mạng xã hội Facebook truy cập vào một số hội nhóm thấy có bài viết đăng bán nhiều loại giấy tờ giả, bằng cấp giả khác nhau trong đó có giấy khám sức khoẻ giả. Qua số điện thoại trên bài viết, Thấm đã đặt mua với giá 100.000 đồng/1 tờ để đi xin việc và bán cho người có nhu cầu với giá 150.000 đồng/1 tờ. Vụ việc đang được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên tiếp tục điều tra nhằm chứng minh làm rõ hành vi phạm tội của Thấm và mở rộng điều tra để xử lý các đối tượng khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Công an tỉnh Hưng Yên khuyến cáo và đề nghị người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không mua bán, sử dụng bằng cấp, giấy tờ, tài liệu giả; nếu phát hiện có hành vi sử dụng, mua bán giấy tờ, bằng cấp giả cần thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Hoàng Văn Chiển (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, “việc mua bán, sử dụng các loại giấy tờ giả không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật hành chính mà còn vi phạm và bị xử lý về hình sự theo quy định tại Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cụ thể: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.

Theo Luật sư Chiển, hành vi này còn xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước về con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác và có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng nếu người sử dụng giấy tờ giả để hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, điều khiển phương tiện tham gia giao thông....

Thái Yến - Nguyễn Ngân
#