Bảo đảm quyền lợi trẻ bị xâm hại - nâng cao năng lực cán bộ tư pháp về người chưa thành niên

- Thứ Bảy, 03/12/2022, 10:02 - Chia sẻ

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động điều tra các vụ án liên quan đến người chưa thành niên còn có những hạn chế như: tiến độ điều tra, khởi tố một số vụ việc xâm hại trẻ em còn chậm; khởi tố không đúng tội danh... Để bảo đảm quyền lợi trẻ em nói chung, của trẻ em bị xâm hại nói riêng, cần nâng cao chất lượng cũng như số lượng các điều tra viên chuyên trách đối với các vụ việc xâm hại trẻ em. 

Thiếu đội ngũ điều tra viên chuyên trách

Thời gian gần đây, nhóm tội phạm liên quan đến người chưa thành niên có chiều hướng phức tạp. Giai đoạn 2018- 2021 đã phát hiện, xử lý 35.157 vụ/46.332 đối tượng là người chưa thành niên vi phạm pháp luật trên cả nước. Như vậy, trung bình mỗi năm có khoảng 8.789 vụ việc liên quan đến người chưa thành niên. Phân tích theo cơ cấu nhóm tuổi cho thấy dưới 14 tuổi chiếm tỉ lệ 4%; từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm 25,4%; từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chiếm 70,6%.

Bảo đảm quyền lợi trẻ bị xâm hại - nâng cao năng lực cán bộ tư pháp về người chưa thành niên -0
Phòng điều tra thân thiện đã được Bộ Công an triển khai thí điểm ở nhiều địa phương

Tuy nhiên, hoạt động điều tra các vụ án liên quan đến người chưa thành niên còn có những hạn chế như tiến độ điều tra, khởi tố một số vụ việc xâm hại trẻ em còn chậm; khởi tố không đúng tội danh hoặc phải khởi tố bổ sung gây bức xúc dư luận.... Những hạn chế này có nhiều nguyên nhân như số lượng án hình sự nói chung, án do người chưa thành niên thực hiện nói riêng tăng cao nên một cán bộ phải giải quyết nhiều loại việc, khó đảm bảo tiến độ. Quy định về tiêu chuẩn của người tiến hành tố tụng còn chung chung nên trên thực tế Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp hầu như không phân biệt vụ án có người chưa thành niên hay không để phân công điều tra viên. Việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ việc do người chưa thành niên thực hiện vẫn theo thủ tục chung chưa chú ý đến đặc trưng lứa tuổi.

Song đáng quan tâm nhất là hiện nay ở nước ta chưa có đội ngũ điều tra viên chuyên trách giải quyết các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên. Cơ quan điều tra thường quan tâm đến chứng cứ, xác định có phạm tội hay không, việc tìm hiểu về điều kiện, môi trường sinh sống, giáo dục của người chưa thành niên chưa được quan tâm đúng mức. Do chưa chú trọng đến tâm sinh lý của người chưa thành niên nên trong quá trình hỏi cung, một số điều tra viên còn có hiện tượng quát mắng, đe dọa khiến các em sợ hãi, căng thẳng. Ngoài ra việc giáo dục, cảm hóa người chưa thành niên phạm tội phải được thực hiện ngay trong quá trình khởi tố, điều tra nhưng không phải người tiến hành tố tụng nào cũng nhận thức rõ điều này.

Bồi dưỡng kỹ năng, tâm lý

Thời gian qua, hệ thống pháp luật về tư pháp người chưa thành niên đã không ngừng được hoàn thiện với những quy định mang tính cải cách theo hình tư pháp hiện đại, thân thiện với người chưa thành niên. Song các quy định này có thực sự đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc xây dựng, hình thành được đội ngũ cán bộ tư pháp am hiểu pháp luật, có đủ trình độ, kỹ năng nghiệp vụ.

Do đó, theo PGS.TS. Đỗ Thị Phượng, Trường Đại học Luật Hà Nội, để thúc đẩy hơn nữa việc bảo vệ quyền của người chưa thành niên, nền tảng tư pháp về người chưa thành niên cần được quan tâm sớm ngay từ quá trình đào tạo ở các trường đại học. Hiện nay môn học Tư pháp đối với người chưa thành niên mới được giảng dạy duy nhất tại trường Đại học Luật Hà Nội cho sinh viên ngành luật chung. Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tuy cũng có môn học Tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên nhưng chỉ giảng dạy bằng Tiếng Anh cho sinh viên chất lượng cao. Nước ta có hơn 80 cơ sở đào tạo về luật, chính vì vậy cần mở rộng phạm vi học môn này ở các cơ sở đào tạo luật trong cả nước.

Về hoạt động điều tra đối với người chưa thành niên có liên quan đến pháp luật, theo ông Lâm Tiến Dũng, Học viện Cảnh sát nhân dân, cần hoàn thiện quy định về việc áp dụng thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên. Cụ thể, cần có văn bản giải thích rõ Điều 415 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thế nào là “người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi, có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi”. Đơn vị nào có thẩm quyền tiến hành đào tạo, sát hạch và cấp giấp phép/chứng nhận đã đủ các yêu cầu này? Đồng thời giải thích rõ thế nào là “trường hợp cần thiết” theo quy định tại Khoản 3, Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): “Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết…”.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện quy trình điều tra các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ điều tra, điều tra viên về người chưa thành niên theo hướng thân thiện và nhạy cảm giới. Các chuyên đề, nội dung tập huấn cần đầy đủ, đa dạng từ kiến thức pháp luật về người chưa thành niên, thủ tục tố tụng cho người chưa thành niên; kiến thức về tâm lý và giới của người chưa thành niên; kỹ năng tiếp xúc, xử lý các dạng tâm lý của người chưa thành niên đến kỹ năng lấy lời khai, phát triển mối quan hệ với người chưa thành niên trong điều tra; kỹ năng phối hợp với cơ quan/người tiến hành tố tụng trong các vụ án liên quan đến người chưa thành niên. 

Hoàng Tuấn
#