Bù đắp thu nhập, hỗ trợ học nghề
Khi hưởng chế độ BHTN, NLĐ còn được tư vấn, giới thiệu việc làm (GTVL), hỗ trợ học nghề để tiếp tục tham gia thị trường lao động (TTLĐ). Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chính sách BHTN đã giúp đảm bảo phần nào đời sống người lao động thất nghiệp và gia đình, trở thành “phao cứu sinh” cho người lao động không may bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động tiếp cận với chính sách BHTN, góp phần ổn định cuộc sống trước mắt cho nhiều người.
Theo báo cáo của Cục Việc làm, trong 3 tháng đầu năm 2023, có 146.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2022 (167.267 người). Trong quý I.2023, có hơn 128.000 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Khoảng 4.200 người được hỗ trợ học nghề, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2022 là gần 3.600 người. Còn trong năm 2022, gần 21,9 nghìn người được hỗ trợ học nghề, tăng 18,8% so với con số của năm 2021 là hơn 18,3 nghìn người, đạt 2,2% số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Những ngành nghề người lao động chủ yếu đăng ký học là: Lái xe ô tô, kỹ thuật nấu ăn, kỹ thuật pha chế thức uống, tin học văn phòng, vận hành xe nâng hàng, phiên dịch, trang điểm chuyên nghiệp, may mặc, da giày…
Để hỗ trợ việc làm cho người lao động thất nghiệp, hiện nay một số trung tâm dịch vụ việc làm cũng thường xuyên tổ chức phiên giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm trực tuyến đối với người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp như: Hà Nội, Hải Dương, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Giang...
Theo các chuyên gia, chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngày càng đã khẳng định vai trò trụ cột trong đảm bảo an sinh xã hội, trợ giúp hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Ngoài việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động còn được hỗ trợ học nghề, tìm việc làm để quay lại thị trường lao động.
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội (nay là Uỷ ban Xã hội) Bùi Sỹ Lợi, chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngày càng phát huy được vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là công cụ quản trị thị trường lao động hữu hiệu, gắn bó chặt chẽ với các chính sách việc làm, thị trường lao động chủ động, chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, chính sách tín dụng vay vốn tạo việc làm, dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động...
Mục tiêu là hỗ trợ người lao động bảo vệ vị trí việc làm, duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp. Trong trường hợp gặp rủi ro về việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp có các biện pháp bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi thất nghiệp, hỗ trợ họ tham gia học nghề để nâng cao trình độ kỹ năng, hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm để người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới. Người thất nghiệp còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.
Tạo thuận lợi cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ thiết thực cho người lao động trong những trường hợp thất nghiệp, gặp khó khăn về việc làm. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đang bộc lộ những bất cập, hạn chế, nhất là chức năng phòng ngừa lao động bị thất nghiệp còn mờ nhạt.
Theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), việc cải cách, đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp chính là thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về quản trị thị trường lao động thích ứng với thông lệ thế giới và đòi hỏi của thực tiễn hiện nay.
Theo Cục trưởng Cục Việc làm, để bảo hiểm thất nghiệp trở thành công cụ hữu hiệu quản trị thị trường lao động, việc trước mắt là sửa Luật Việc làm với 4 nhóm chính sách lớn nhằm đẩy mạnh hỗ trợ người lao động và thúc đẩy việc làm bền vững, trong đó có nhóm chính sách về hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp làm công cụ quản trị thị trường lao động.
Dự kiến, Luật sửa đổi bổ sung sẽ mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm việc làm cho người lao động…
Theo ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm dịch vụ quốc gia về việc làm, thông tin, hiện nay, hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho người lao động nhanh chóng tiếp cận chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động cũng được hướng dẫn, tư vấn qua nhiều hình thức như qua điện thoại, facebook, zalo…
Việc tiếp nhận và giải quyết hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp luôn được bảo đảm theo phương châm 3 đúng: Đúng đối tượng, đúng chế độ và đúng thời gian.
Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, công tác hỗ trợ việc làm, giải quyết chính sách cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn thành phố luôn được đẩy mạnh, trở thành một giải pháp quan trọng thúc đẩy phục hồi thị trường lao động. Bên cạnh hưởng trợ cấp thất nghiệp, đơn vị này cũng hướng đến tư vấn cho người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp về các cơ hội việc làm để tận dụng được nguồn lao động có chất lượng.