Phân vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ

- Thứ Năm, 15/07/2021, 05:42 - Chia sẻ
Đồng Nai là tỉnh đã có nhiều bước tiến trong phát triển nông nghiệp hữu cơ và bước đầu gặt hái những kết quả đáng mừng. Tỉnh coi đây là hướng đi bền vững để góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn tại như tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất..., tiến tới đưa nông sản của địa phương đến các thị trường lớn, giàu tiềm năng trong và ngoài nước.
Đồng Nai phân vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đến năm 2030
Nguồn: ITN

5 nhiệm vụ cụ thể

Với mục đích nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người sản xuất về sản xuất nông nghiệp sạch, cải tạo đất, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, từ tháng 6.2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Để án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030. Đề án với mục tiêu nâng cao giá trị, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Nhằm triển khai và thực hiện hiệu quả Đề án trên, tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2030. Theo đó, kế hoạch đưa ra 5 nhiệm vụ cụ thể, đó là phát triển các vùng sản xuất hữu cơ đối với một số sản phẩm hữu cơ chủ lực của tỉnh và thế mạnh của địa phương; phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ; nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp hữu cơ; đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, tỉnh còn phát triển các vật tư đầu vào phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Kèm theo các nhiệm vụ đề ra nói trên là các giải pháp trọng tâm để thực hiện mục thực hiện kế hoạch là hình thành các vùng sản xuất hữu cơ như vùng trồng trọt hữu cơ, vùng chăn nuôi hữu cơ, vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ.

Đối với vùng trồng trọt hữu cơ, tỉnh chia ra thành các khu vực cụ thể như vùng lúa hữu cơ, với diện tích gieo trồng khoảng 500ha vào năm 2025 và khoảng 1.000ha đến năm 2030. Vùng rau đậu hữu cơ có diện tích gieo trồng đạt khoảng 200ha vào năm 2025 và khoảng 500ha đến năm 2030. Vùng sản xuất cây ăn quả hữu cơ có diện tích trồng đạt khoảng 500ha vào năm 2025 và khoảng 1.000ha đến năm 2030. Vùng sản xuất hồ tiêu hữu cơ diện tích trồng đạt khoảng 200ha vào năm 2025 và khoảng 500ha đến năm 2030. Vùng sản xuất điều hữu cơ được bố trí diện tích trồng khoảng 400ha vào năm 2025 và khoảng 700ha đến năm 2030. Vùng ca cao hữu cơ với diện tích trồng đạt khoảng 30ha vào năm 2025 và khoảng 50ha đến năm 2030.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh xây dựng các vùng chăn nuôi hữu cơ với các sản phẩm chủ lực như sản phẩm mật ong, sản phẩm yến, thịt gia súc gia cầm. Riêng vùng chăn nuôi bò hữu cơ gắn với vùng đồng cỏ, vùng trồng trọt sản xuất thức ăn thô xanh hữu cơ. Trong đó, vùng chăn nuôi lợn hữu cơ có đàn lợn đạt khoảng 5.000 con năm 2025 và khoảng 10.000 con vào năm 2030. Vùng chăn nuôi gia cầm hữu cơ có đàn gia cầm đạt khoảng 200.000 con đến năm 2025 và khoảng 500.000 con vào năm 2030. Vùng chăn nuôi bò hữu cơ phấn đấu đưa đàn bò đến năm 2025 đạt khoảng 800 con và đến năm 2030 đạt khoảng 1.500 con. Vùng nuôi ong hữu cơ cho sản lượng mật ong hữu cơ khoảng 100 tấn đến năm 2025 và khoảng 300 tấn vào năm 2030. Vùng nuôi yến hữu cơ cho sản phẩm yến hữu cơ khoảng 300kg đến năm 2025 và khoảng 500kg vào năm 2030.

Vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ được phát triển với những sản phẩm chủ lực như tôm nước lợ, tôm càng xanh, các loài thủy sản bản địa…, với diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 200ha vào năm 2025 và khoảng 500ha đến năm 2030.

Tỉnh cũng phát triển các vùng sản xuất sản phẩm dược liệu và lâm sản ngoài gỗ từ tự nhiên, tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng đạt khoảng 90% đến 95% vào năm 2025 và từ 95% đến 98% vào năm 2030; đối với hình thức thâm canh (sử dụng môi trường rừng để sản xuất) tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng đạt khoảng từ 75% đến 80% vào năm 2025 và từ 80% đến 85% vào năm 2030.

Minh bạch sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

Là một địa phương thuần nông, vì vậy huyện Vĩnh Cửu luôn đặt vấn đề nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, minh bạch quy trình sản xuất nhằm khẳng định thương hiệu nông sản sạch, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Năm 2020, Đề án “Minh bạch sản phẩm nông nghiệp hữu cơ huyện Vĩnh Cửu” đã được UBND huyện triển khai nhằm hướng tới vận động, tuyên truyền để nông dân chuyển dần tập quán canh tác từ hướng sản xuất vô cơ sang sản xuất theo hướng hữu cơ, vừa giảm chi phí đầu vào vừa nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của nông sản địa phương.

Theo đó, UBND huyện Vĩnh Cửu đã có kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với các nội dung như tái cơ cấu sử dụng đất và phân bổ vùng sản xuất nông nghiệp; tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tái cơ cấu về quy trình và công nghệ sản xuất; tái cơ cấu trong lĩnh vực chế biến nông sản.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Cửu, việc triển khai, áp dụng các ứng dụng công nghệ sinh học (sử dụng các vi sinh vật bản địa làm phân bón) trên địa bàn huyện thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, nông dân đã giảm tối đa việc sử dụng hóa chất độc hại trong nông nghiệp, giảm chi phí sản xuất nông nghiệp với các công nghệ sinh học, chủ động nguồn phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, thức ăn chăn nuôi bảo đảm chất lượng, xử lý ô nhiêm môi trường… với công nghệ sinh học.

Ngoài ra, với việc áp dụng nâng cao giá trị nông sản với công nghệ bảo quản, chế biến mới cũng góp phần tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Hay như vấn đề xử lý rác thải trở thành phân hữu cơ phục vụ trồng trọt, không độc hại với con người và môi trường, xử lý hiệu quả ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nước thải trên địa bàn.

Ông Hoàng Sơn Công, thành viên Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, người hướng dẫn nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu sản xuất, nhân bản các loại vi sinh để chăm sóc cây trồng cho biết, qua nhiều năm, ông nhận thấy việc áp dụng các công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp của nông dân Vĩnh Cửu có nhiều đổi thay, nhiều vườn trái cây theo hướng hữu cơ hình thành. Nông dân đã tự tay tạo ra các loại phân bón, men vi sinh và áp dụng rất hiệu quả trong trồng trọt cũng như xử lý các vấn đề về môi trường.

Đến nay, huyện Vĩnh Cửu đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có tên tuổi trên thị trường như bưởi Tân Triều, gạo sạch Bình Lục, các loại cây có múi (cam, quýt, bưởi) khu vực Phú Lý, Hiếu Liêm, xoài cấy ghép tiêu chuẩn VietGAP xã Mã Đà…

T. T