Bảo đảm thống nhất trong trình tự xây dựng các điều luật
Về hình thức xây dựng quy phạm pháp luật, Điều luật có hai dòng đầu quy định những căn cứ phân loại tội phạm và xác định tội phạm được phân ra thành 4 loại, sau đó quy định các số thứ tự 1, 2, 3, 4 cho từng loại tội phạm. Như vậy, các số thứ tự được hiểu là các khoản, các tiết hay các đoạn của điều luật? Nếu coi là khoản thì không đúng, vì hai dòng đầu sẽ không thuộc khoản nào; nếu coi là tiết cũng không đúng, vì tiết thì phải dùng chữ số để đánh thứ tự, ví dụ: tiết a, tiết b...; nếu coi là đoạn thì cũng không đúng, vì thông thường đoạn thì không có đánh số thứ tự.
Trong khoa học Luật Hình sự, các nhà làm luật thường xây dựng theo trình tự sau: Bộ luật được chia ra thành các phần, chương, mục, điều, khoản, tiết, đoạn. Như vậy, trong một điều luật nếu có một nội dung thì thường không chia thành khoản (và có thể có thêm các đoạn), trường hợp này sẽ không đánh số. Nếu trong điều luật có nhiều nội dung cần chia ra làm các khoản thì ngay sau điều luật đã đánh số để xác định khoản trong điều luật. Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng được xây dựng theo nguyên tắc này. Tuy nhiên, vẫn có một số ít điều luật có kết cấu xây dựng không theo nguyên tắc này, cụ thể: Điều 9. Cố ý phạm tội; Điều 10. Vô ý phạm tội; Điều 28. Các hình phạt; Điều 50. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội... Những hạn chế này cần được khắc phục trong việc xây dựng Bộ luật Hình sự sửa đổi lần này để bảo đảm sự thống nhất theo nguyên tắc chung trong trình tự xây dựng các điều luật.
![]() Thường trực HĐND - UBND - UBMTTQ TP Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi |
Ảnh: D. Linh |
Phân loại tội phạm nên căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt
Tại các Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 9 (tạm thời gọi các số thứ tự 1, 2, 3, 4 trong điều luật là các khoản để thuận lợi cho việc trình bày) quy định mức khung hình phạt cao nhất là “từ trên 3 năm đến 7 năm tù”, “từ trên 7 năm đến 15 năm tù”, “từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”. Xét về mặt ngữ pháp tiếng Việt, việc quy định mức cao nhất “là từ... đến...” không chính xác. Đã nói mức cao nhất của một đại lượng đo lường thì chỉ có thể nói đến một mức cụ thể, ví dụ “cao nhất là 7 năm, hoặc cao nhất là đến 7 năm”; còn nếu muốn nói mức “từ trên 3 năm đến 7 năm” thì chỉ có thể nói “mà khung hình phạt quy định là từ 3 năm đến 7 năm”.
Khoản 1 quy định tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến ba năm, còn các loại tội phạm khác được quy định tại các khoản 2, 3, 4 không có các loại hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ mà quy định mức khung hình phạt cao nhất từ trên 3 năm đến 7 năm tù, từ trên 7 năm đến 15 năm tù, từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Như vậy, mặc dù nói rằng “mà mức cao nhất của khung hình phạt là”, nhưng lại quy định mức “ từ.... đến...” thì chúng ta đều phải hiểu rằng, chỉ những tội phạm mà điều luật có khung hình phạt từ trên 3 năm đến 7 năm tù mới là tội phạm nghiêm trọng. Nếu tội phạm mà điều luật không quy định mức khung hình phạt “từ trên 3 năm đến 7 năm tù” thì chỉ có thể là loại tội phạm ít nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng.
Tương tự như vậy, đối với các loại tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì chúng ta cũng phải hiểu như vậy. Tuy nhiên, trong nhiều điều luật của Phần các tội phạm, trong cùng một điều khoản đều có quy định cả loại hình phạt tiền và hình phạt tù trên ba năm. Vậy trong trường hợp này ta xác định đây là loại tội gì (ít nghiêm trọng hay nghiêm trọng) để xử lý. Ví dụ, Khoản 2 Điều 190. Tội buôn lậu, quy định: “2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm”.
Trong tội phạm này, nếu ta xác định bằng hình phạt tiền, tù đến 3 năm thì đây là loại tội ít nghiêm trọng, còn nếu ta xác định ở mức trên 3 năm đến 7 năm thì đây là loại tội nghiêm trọng. Việc quy định cả mức dưới và mức trên của hình phạt như vậy sẽ làm cho ta không phân biệt được loại tội do vậy không thể xử lý được trên thực tế.
Tương tự như vậy, nhiều khoản của các điều luật quy định khung hình phạt từ 5 năm đến 10 năm tù hoặc từ 12 năm đến 20 năm tù... làm ta không xác định được loại tội là rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng. Khi không xác định được loại tội gì thì không thể xử lý được, vì liên quan đến việc khởi tố, thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam, thời hạn xét xử, việc khởi tố theo yêu cầu người bị hại và các chế định khác liên quan đến miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, quyết định hình phạt, án tích…
Bộ luật Hình sự năm 1999 phân loại tội phạm chỉ căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt là khoa học, có căn cứ cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn áp dụng. Trong những năm qua, thực hiện Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng không có khó khăn, vướng mắc gì về việc xác định loại tội phạm theo phân loại tại Khoản 2, Điều 8 BLHS.
Kiến nghị sửa đổi
Trên cơ sở phân tích như trên, đề nghị sửa đổi lại Điều 9 của Dự thảo theo hướng sau: Thứ nhất, xây dựng lại kết cấu điều luật theo nguyên tắc chung. Thứ hai, bỏ mức dưới của khung hình phạt cao nhất tại các Khoản 2, 3, 4 của điều luật. Cụ thể, điều 9 sẽ có kết cấu và nội dung như sau:
“Điều 9. Phân loại tội phạm (sửa đổi)
1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
2. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến ba năm;
3. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là đến bảy năm tù;
4. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù;
5. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”
Điều 9 Dự thảo Bộ luật “Phân loại tội phạm (sửa đổi) Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 4 loại sau đây: 1. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm; 2. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù; 3. Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù; 4. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.” |