Cải tiến biểu giá điện sinh hoạt:

Phải minh bạch, tránh chắp vá

- Thứ Sáu, 21/08/2020, 08:29 - Chia sẻ
Dù áp dụng cách tính điện một giá hay theo bậc thang, việc cải tiến biểu giá điện sinh hoạt cần được thực hiện minh bạch, làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn, tham vấn các bên liên quan và tránh chắp vá. Đây là ý kiến của chuyên gia tại Hội thảo “Giá điện sinh hoạt thế nào là hợp lý?” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức sáng 20.8.

 “Không phải dùng nhiều điện là hộ giàu”

PGS.TS. Nguyễn Minh Duệ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Kinh tế năng lượng, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, việc chia biểu giá 6 bậc thang như hiện nay dù hướng đến nguyên tắc khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện và hỗ trợ hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp song thực tế lại không hiệu quả. Bởi vì, mức tăng giá qua các bậc quá lớn. Các hộ dùng điện từ 200kWh trở lên - là mức tiêu thụ khá phổ biến - phải trả giá điện quá cao so với giá điện bình quân (từ 2.536 đồng/kWh trở lên).

Mặt khác, hộ có nhu cầu dùng điện nhiều không phải đã là hộ giàu và hộ dùng ít điện chưa chắc đã là hộ nghèo. “Có những gia đình sống nhiều thế hệ, đông nhân khẩu và chưa có điều kiện tách khẩu nên phải sử dụng nhiều điện nhưng thu nhập lại thấp, song có những gia đình chỉ có 2 - 3 nhân khẩu, đi làm cả ngày nên dùng ít điện lại được hưởng giá thấp dù có thu nhập cao. Như vậy, quan điểm giá điện bậc thang để bảo đảm công bằng, hỗ trợ người có thu nhập thấp đã không còn ý nghĩa nếu xét trên thực tế”, ông Duệ bình luận.

PGS.TS. Bùi Thiện Dụ, nguyên giảng viên Khoa Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội bổ sung, việc áp dụng biểu giá điện bậc thang để bảo đảm an sinh xã hội là chưa chuẩn xác. Bởi hiện hộ gia đình dùng dưới 100kWh sẽ tiết kiệm được 10%, tức nhà nào dùng nhiều nhất trong bậc này thì tiết kiệm được 18.000 đồng/tháng, hộ trung bình dùng 50kWh thì tiết kiệm được 9.000 đồng/tháng. “Số tiền này chia cho 1 hộ (tính trung bình là 4 người) rồi bảo họ lên phường lĩnh có khi họ còn không lên”. Hơn nữa, chính sách an sinh này cũng không phải của một ngành kinh tế làm và ngành điện cũng không nên “ôm” lấy việc này. “Hãy để ngành điện thao tác và kinh doanh như một doanh nghiệp, dù loại đặc biệt thế nào chăng nữa, cần tập trung vào kinh doanh, phát triển, nộp ngân sách ngày càng nhiều”, ông Dụ nói.

Nguồn: ITN

Có nên áp dụng điện một giá?

Các chuyên gia đánh giá, đến nay, dù biểu giá điện đã có nhiều cải tiến song vẫn cần tiếp tục hoàn thiện. Theo đó, giá điện vẫn chưa áp dụng phương pháp phổ biến và hiện đại theo chi phí biên dài hạn; chưa xây dựng biểu giá 2 thành phần (công suất và điện năng đối với hộ sản xuất); điều chỉnh giá điện mới chỉ chú ý đến yếu tố làm tăng chi phí mà chưa quan tâm đến yếu tố giảm chi phí như mùa nước, tăng công suất các nhà máy thủy điện… Minh chứng là từ năm 2009 đến nay, giá điện đã điều chỉnh tăng khoảng 10 lần, chưa một lần giảm dù có thời điểm chi phí đầu vào giảm đáng kể. Hiện, giá điện bán lẻ bình quân ở mức 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT) theo Quyết định số 648/QĐ - BCT ngày 20.3.2019, tăng 8,36% so với năm 2018.

Cho rằng mức giá bán lẻ này đã hợp lý, thực hiện đầy đủ cơ chế thị trường khi tính đủ các yếu tố chi phí đầu vào, bảo đảm có lãi cho ngành điện, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề xuất nên “tốt nhất nên dùng một giá điện” và lấy mức giá bán lẻ bình quân như hiện nay là “hợp lý nhất”.

Theo PTS.TS. Nguyễn Minh Duệ, muốn tiếp tục cải tiến giá điện chuyển sang một giá hay 5 bậc thì cần xác định rõ cơ sở khoa học và thực tiễn. Nếu dùng phương án một giá điện, thì giá không được vượt quá giá điện bình quân đang áp dụng. Đối với hộ nghèo (theo quy định) nên hỗ trợ bằng quỹ hỗ trợ của Chính phủ, mỗi hộ được nhận khoảng 10 - 20 kWh/tháng, quá số trên sẽ tính theo mức một giá quy định, không nên tiếp tục hỗ trợ thông qua chính sách giá điện như hiện nay sẽ có sự nhập nhằng.

Với biểu giá điện 5 bậc, cần nghiên cứu mức tăng vừa phải để vừa có lợi cho doanh nghiệp điện vừa được người tiêu dùng chấp nhận. “Trước khi công bố, cần có sự góp ý của các cơ quan quản lý, nhà khoa học, nhà quản lý và có thẩm định của cơ quan có trách nhiệm về giá”, ông Duệ nhấn mạnh, đồng thời cho rằng “có thể thực hiện biểu giá song song bằng cách áp dụng bậc thang cho 3 bậc đầu và các bậc tiếp theo được tính cùng một giá, nhưng cách này phức tạp hơn rất nhiều”.

Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, chính sách giá của Luật Điện lực có 3 yếu tố rất cơ bản. Thứ nhất, phải phản ánh chi phí cung ứng điện và bảo đảm có lợi nhuận. Thứ hai, thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý với các nhóm khách hàng, Nhà nước hỗ trợ cho người nghèo, người thu nhập thấp thông qua chính sách giá điện sinh hoạt. Thứ ba, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả bởi điện được sản xuất chủ yếu từ nguồn nguyên liệu hóa thạch mà không phải là vô tận. Như vậy, “nếu áp dụng một giá điện sẽ không thực hiện được theo yêu cầu của Luật Điện lực. Biểu giá là đúng quy định, nhưng giá như thế nào cần tính toán”, ông Thỏa nói.

Theo ông Thỏa, biểu giá điện sinh hoạt cần rút từ 6 bậc hiện nay xuống còn 3, 4 hoặc 5 bậc và “tốt nhất là 3 bậc”; ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách tiêu thụ điện hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế sử dụng điện giữa các nhóm khách hàng. Đồng thời, Bộ Công thương cần giải thích rõ về phương pháp, cơ sở và căn cứ sắp xếp khoảng các giữa các bậc; nghiên cứu kỹ lưỡng để không làm tăng giá bình quân hiện hành. Khi xây dựng tỷ lệ tính giá từng bậc so với giá điện bình quân cần phải xây dựng cả 2 loại, gồm: Tỷ lệ tính giá so với giá bình quân chung của 4 biểu giá và tỷ lệ tính giá so với giá bình quân của biểu giá điện sinh hoạt.

Cho rằng “việc cải tiến chính sách giá điện phải cho lâu dài”, ông Thỏa lưu ý ngành điện “phải minh bạch, đầu vào phải đúng”. Đồng thời, phải sửa Luật Điện lực về chính sách giá điện, nếu không sẽ không thể làm được giá điện cạnh tranh. “Bộ Công thương cần sớm nghiên cứu chính sách giá để sửa Luật Điện lực và quy định liên quan. Nhà nước chỉ ban hành cơ chế, nguyên tắc, phương pháp tính giá và hậu kiểm, không thực hiện chính sách xã hội vào trong giá điện vì sẽ làm méo mó giá, không phản ánh được quy luật giá trị và cung cầu”.

Đan Thanh