Thông thường, hầu hết các ca tương tự đều tử vong nếu không được phẫu thuật kịp thời, ngay cả khi được phẫu thuật, cũng chỉ 50% được cứu sống và thường có những di chứng thần kinh. Trong trường hợp này, bệnh nhân đang hồi phục hoàn toàn một cách kỳ diệu.
Bệnh nhân tên Đ.T.N. (62 tuổi) nhập viện vì các cơn khó thở, đau ngực. Bà N. được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp ST không chênh trên điện tâm đồ, thang điểm GRACE>140 cho thấy nguy cơ thiếu máu tim cục bộ cao nên có chỉ định can thiệp mạch vành sớm trong vòng 24 giờ.
Trong lúc chuẩn bị để đưa vào phòng can thiệp, bệnh nhân đột ngột ngừng tuần hoàn (tim ngừng đập). Ngay lập tức, bác sĩ điều trị tiến hành sơ cứu xoa bóp tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo, đồng thời kích hoạt CODE BLUE - mã báo động khi người bệnh ngừng tuần hoàn.
Tất cả các thành viên của kíp cấp cứu nhanh chóng có mặt, dưới sự điều hành của bác sĩ hồi sức tích cực, đã thực hiện hồi sinh tim phổi, khôi phục được nhịp tim và giữ huyết áp ổn định cho bệnh nhân sau chưa đầy 5 phút ngừng tim.
"Ngay khi bệnh nhân được phát hiện ngừng tim, các điều dưỡng của Khoa Tim mạch đã cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay lập tức và tim bệnh nhân đập trở lại sau 1 phút. Hệ thống báo động toàn bệnh viện CODE BLUE được kích hoạt. Đội ngũ cấp cứu nâng cao đến sau 3 phút để hỗ trợ kiểm soát hô hấp cũng như huyết động của bệnh nhân và tìm ra nguyên nhân ngừng tim là tràn máu màng tim gây ép tim cấp, nghi do vỡ thành thất sau nhồi máu cơ tim", ThS.BS Lê Văn Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City nhớ lại.
Một cuộc hội chẩn khẩn cấp ngay tại giường bệnh được tiến hành trong lúc vẫn hồi sức tim phổi đã thống nhất xác định nguyên nhân do vỡ thành tim (vỡ thất) gây tràn máu màng ngoài tim dẫn đến chèn ép tim cấp.
Theo các bác sĩ, vỡ thất trái sau nhồi máu cơ tim là một trong những biến chứng cơ học rất nặng, chiếm khoảng 1% trong những bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp và chiếm 8% trường hợp tử vong do nhồi máu cơ tim cấp. Nguyên nhân do cơ tim bị hoại tử gây nứt thành tim, tràn máu ra khoang màng ngoài tim, quả tim bị máu chèn ép không bóp hiệu quả dẫn tới ngừng tuần hoàn và phẫu thuật là biện pháp duy nhất mới có thể cứu sống bệnh nhân.
Nữ bệnh nhân nhanh chóng được chuyển vào phòng mổ tim để mở ngực nhanh nhất, giải phóng chèn ép tim trước tiên, sau đó mới xử lý vở thủng cơ tim. Tuy nhiên, bệnh nhân lại xuất hiện cơn ngừng tim lần hai. Lúc này, cuộc chạy đua của ekip phẫu thuật là vừa bóp tim đảm bảo máu cung cấp cho não, vừa nhanh chóng tiến hành cưa xương ức và mở màng tim để giải phóng chèn ép quả tim, sau đó vá lỗ thủng thành thất.
TS.BS Đặng Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City - phẫu thuật viên chính của ca mổ cho biết, để cấp cứu thành công những trường hợp nguy kịch như bệnh nhân N., quan trọng nhất là yếu tố thời gian.
"Phòng mổ, kíp mổ phải sẵn sàng ngay lập tức bởi sự sống của bệnh nhân đang được tính theo từng phút, từng giây. Các thao tác phải thật nhanh và chính xác thì mới có cơ hội cấp cứu thành công”, TS.BS Đặng Quang Huy chia sẻ.
Ca mổ gần bốn giờ đồng hồ đã diễn ra thành công. Sau phẫu thuật một ngày, bệnh nhân tỉnh, bỏ được máy thở, chức năng tim tốt và được theo dõi trong phòng hồi sức tích cực. Hiện nay, sau chưa đầy một tuần, người bệnh đã được lên bệnh phòng, tự đi lại sinh hoạt như trước mổ.
Đặc biệt, người bệnh không có bất kỳ di chứng thần kinh nào mặc dù đã được cấp cứu ngừng tuần hoàn tới hai lần. Dự kiến trước khi ra viện bệnh nhân sẽ được làm MSCT mạch vành để đánh giá thương tổn động mạch vành và lên kế hoạch can thiệp điều trị tiếp theo.
Theo y văn thế giới, biến chứng nhồi máu cơ tim thường có tỉ lệ tử vong rất cao nếu không được phẫu thuật kịp thời. Ngay cả khi mổ, cũng chỉ khoảng 50% bệnh nhân được cứu sống và thường để lại các di chứng thần kinh do thiếu máu não. Để có cơ hội được cứu sống, ngay khi phát hiện, người bệnh nhồi máu cơ tim cấp cần được tiếp cận với các bệnh viện có khả năng cấp cứu hồi sức, trình độ can thiệp cao xử lý các thương tổn vành phức tạp, đặc biệt có kíp phẫu thuật tim có kinh nghiệm xử trí các vấn đề tim mạch phức tạp sẵn sàng có mặt tại bệnh.
Ngoài ra, việc được cấp cứu ngừng tuần hoàn trong thời điểm vàng cũng rất quan trọng trong việc tăng cơ hội sống, hạn chế biến chứng thần kinh cho bệnh nhân. “CODE BLUE” là một trong số các mã khẩn cấp bệnh viện Vinmec đã áp dụng thường quy trong quy trình cấp cứu người bệnh đang nằm viện đột ngột ngưng tim, ngưng thở hoặc đột ngột trở nên nguy kịch đe doạ tính mạng.
"Bệnh nhân diễn biến rất nặng, ngừng tim đến 2 lần, nguy cơ tử vong rất cao và nguy cơ bị di chứng về thần kinh cũng lớn. Giai đoạn đầu xuất hiện ngừng tim, đội ngũ cấp cứu đã nhanh chóng xuất hiện giúp bệnh nhân vượt qua thời khắc sinh tử đó. Nếu lúc đó không triển khai mổ nhanh nhất có thể thì bệnh nhân có thể ngừng tim thêm lần nữa, nguy cơ tử vong tăng cao hơn nữa", TS.BS Đặng Quang Huy cho hay.
Theo bác sĩ Huy, thành công vượt kỳ vọng của ca phẫu thuật này có được là nhờ hoạt động chuyên môn hiệu quả của cả ekip, trong đó có 3 yếu tố quan trọng/ưu điểm của Vinmec gồm xử lý cấp cứu có CODE BLUE; sự phối hợp nhịp nhàng của các ekip gồm nội khoa, can thiệp ngoại khoa và hồi sức tích cực; có ekip phẫu thuật có kinh nghiệm xử lý tổn thương này.