Chỉ là biểu hiện ban đầu
![]() |
Ảnh: Quang Khánh |
Trách nhiệm của những người làm công tác nghiên cứu, những người hoạch định chính sách vĩ mô là phải đưa ra một chính sách vừa tôn trọng quá khứ, vừa đẩy mạnh phát triển của hiện tại, hướng tới tương lai vừa bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của những người yếu thế đã đóng góp cho đất nước nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện bình đẳng, thuận lợi cho thế hệ trẻ khởi nghiệp. Đó mới là tư duy quan trọng nhất trong nhiệm kỳ QH Khóa XIV và nhiệm kỳ Khóa XII của Đảng. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên |
Hiện nay, nhiều người nói về tích tụ ruộng đất nhưng lại chủ yếu theo hướng thông qua hình thức sở hữu, tức là, một người đi mua lại ruộng đất của những nông dân khác làm sở hữu của mình. Nếu hiểu và thực hiện tích tụ ruộng đất như vậy sẽ trái với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và trái cả với Hiến pháp vì trong bản Hiến pháp mới nhất, chúng ta vẫn xác lập đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Cách hiểu này chủ yếu là dựa trên nền nghiên cứu của một xã hội công nghiệp nhìn về xã hội nông nghiệp. Điều đó không sai, nhưng tôi cho là không phù hợp với thực trạng xã hội và nền kinh tế nước ta hiện nay. Vì xã hội của chúng ta vẫn là một xã hội nông nghiệp sản xuất nhỏ đang trong quá trình chuyển đổi lên công nghiệp hóa mà theo tinh thần của Đảng là có những lĩnh vực phải đi tắt đón đầu để hội nhập kinh tế quốc tế.
Chúng ta biết rằng, sau khi có Nghị quyết Trung ương 3, Khóa IX về đổi mới doanh nghiệp nhà nước mới có Nghị quyết Trung ương 5, Khóa IX về phát triển kinh tế tập thể và sửa đổi Luật Đất đai năm 2003, tiếp đến là Nghị quyết Trung ương 7, Khóa X về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Như vậy, trong tư duy và định hướng chiến lược của Đảng về xây dựng một nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, phù hợp với quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước luôn có sự nhất quán giữa công nghiệp và nông nghiệp. Nhưng khi triển khai thực hiện các Nghị quyết này, chúng ta đã bị phát triển lệch, quá tập trung vào công nghiệp. Trong nông nghiệp, chúng ta đã “ngủ quên” trên thắng lợi của Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về khoán sản phẩm.

Tôi có cảm giác rằng, hiện nay, chúng ta vẫn đang giải thích Nghị quyết của Đảng với một tư duy không phù hợp, chưa sát với thực tế. Với việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiện nay, chúng ta muốn lấy quan hệ sản xuất công nghiệp áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. Nghị quyết Trung ương 7, Khóa X là “nông nghiệp, nông dân và nông thôn”. Nhưng quá trình thực hiện Nghị quyết, chúng ta mới chỉ tập trung vào nông nghiệp, bỏ quên “cái đuôi” cực kỳ quan trọng, mang tính quyết định là “nông dân và nông thôn”, bỏ qua phong tục, tập quán, văn hóa của nông dân, bỏ qua nền văn minh lúa nước, không tính tới tác động của quan hệ sản xuất của nền nông nghiệp lúa nước vào quá trình phát triển nông nghiệp mà lại lấy tư duy của anh công nghiệp, anh thành phố để nhìn vào nông nghiệp. Vì thế, chúng ta cứ bị vướng từ Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X.
Chính vì vậy, vấn đề phải tháo gỡ hiện nay là tháo gỡ những rào cản về mặt thể chế giống như đối với Khoán 10 trước đây để sử dụng lực lượng sản xuất đang phát triển ở trình độ cao hơn so với 25 năm trước. Nói cách khác, tích tụ ruộng đất chỉ là biểu hiện ban đầu của việc xây dựng một nền nông nghiệp theo mô hình mới. Nếu tích tụ ruộng đất mà không có quan hệ sản xuất tiên tiến thì sẽ không thực hiện được.
Cần đi trước thực tế một bước
Nếu đặt trong mối quan hệ với vấn đề nông dân và nông thôn thì câu chuyện tích tụ ruộng đất sẽ như thế nào? Tôi cho rằng, chúng ta phải đi trước thực tế một bước, tức là phải gắn vấn đề nông dân, nông thôn vào vấn đề tích tụ ruộng đất. Trong đó, việc đầu tiên là phải hiểu được và phải tôn trọng tâm lý, tư duy, nhận thức và nền văn hóa của nông dân Việt Nam.
Đừng ai nói, nông dân bảo thủ, không ủng hộ sự tiến bộ. Nếu nhìn lại quá trình giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đai để xây dựng nhà máy, làm đường giao thông suốt từ những năm đổi mới đến nay, chúng ta sẽ thấy sự hy sinh của nông dân cho quá trình phát triển đất nước cực kỳ lớn lao. Họ nhận thức rất rõ, việc từ bỏ ruộng đất để phục vụ cho xây dựng đường to, bệnh viện, nhà máy, trường học… là quá trình phát triển tất yếu của xã hội nên sẵn sàng đồng ý, thậm chí tự nguyện hiến đất, hiến ruộng. Nhưng nếu chúng ta dùng lý luận của nền kinh tế thị trường sử dụng không hiệu quả, lấy lại để giao cho người có khả năng sử dụng hiệu quả hơn thì nông dân sẽ phản ứng. Hành xử như vậy không phù hợp về mặt đạo lý và phải nói thẳng là sẽ quay lưng lại với chính những người đã góp gạch để xây nên chính quyền hôm nay. Cũng giống như trong thời chiến, có những gia đình đã có 3 đứa con hy sinh vẫn tiễn đứa con cuối cùng lên đường đi bộ đội. Nhưng nếu bảo lấy ruộng của người ta để cho ông hàng xóm canh tác vì ông hàng xóm có 4 - 5 đứa con, lực lượng lao động nhiều hơn, năng suất lao động, hiệu quả canh tác sẽ cao hơn thì người ta không đồng ý đâu. Con người ta dứt ruột đẻ ra để bảo vệ mảnh đất ấy, nói bảo vệ Tổ quốc là rất sâu xa nhưng cụ thể, hữu hình chính là mảnh đất mà cha ông họ và họ đang ở.
Từ góc độ nghiên cứu, tôi cho rằng, nên xử lý câu chuyện tích tụ ruộng đất dựa trên việc bảo đảm quyền lợi của thiểu số, những người yếu thế, có ít ruộng đất. Cụ thể là, nên tính tới việc thành lập ra một ngân hàng “xã hội” đất do Nhà nước đứng ra và chịu trách nhiệm, trong đó, tất cả những người dân được giao đất qua các thời kỳ đang sử dụng hợp pháp đều có thể đưa vào ngân hàng đất để Nhà nước quản lý và kinh doanh. Khi các doanh nghiệp khởi nghiệp, kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp và các lĩnh vực khác cần đến đất thì Nhà nước sẽ có một diện tích đất đủ lớn để cung ứng cho quá trình công nghiệp hóa phù hợp với tình hình hiện nay và tương lai. Nhưng điểm mấu chốt của phương thức này là quyền lợi của những nông dân góp đất vào ngân hàng vẫn được Nhà nước bảo đảm; trừ trường hợp diện tích đất đấy phải chuyển đổi mục đích sử dụng thì những người quản lý ngân hàng đất này phải quay trở về trao đổi lại với người dân xem họ có đồng ý cho chuyển đổi hay không và quyết định dựa trên ý muốn của đa số người góp đất.
Việc hình thành ngân hàng đất như vậy là tiền đề để tích tụ ruộng đất quy mô lớn, tiền đề để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông nghiệp mà không trái với các cam kết quốc tế nhưng đồng thời vẫn bảo đảm sự ổn định của xã hội nông thôn. Vì khi đó, những người già không làm được đất nông nghiệp thì con, cháu họ vẫn được doanh nghiệp thuê đất thuê làm việc trên chính mảnh đất đó. Và như vậy, chúng ta đã thực hiện ly nông bất ly hương, đưa nông dân trở thành những “công nhân nông nghiệp”, hôm nay có thể làm việc cho doanh nghiệp trồng ớt, ngày mai họ có thể chuyển sang doanh nghiệp trồng lúa để lái máy cày, máy cấy, máy gặt đập… Nông dân sẽ được sử dụng sức lao động của mình trong một thị trường lao động đúng như Cương lĩnh 2011 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.