Nỗ lực trở thành đô thị loại I

- Thứ Sáu, 24/12/2021, 06:36 - Chia sẻ
Với mục tiêu trở thành đô thị loại I, phát triển bền vững theo hướng đô thị xanh, thân thiện với môi trường, Đảng bộ, chính quyền TP. Vĩnh Yên đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp thiết thực, chủ động với quyết tâm cao nhất. Đến nay, thành phố đã đáp ứng 54/59 tiêu chí đô thị loại I.
Thành phố Vĩnh Yên nhìn từ trên cao
Ảnh: Trọng Hiếu

Hoàn thành 54/59 tiêu chí

Là thành phố trung tâm của tỉnh Vĩnh Phúc, Vĩnh Yên luôn được đón nhận sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh với nhiều quyết sách quan trọng trong phát triển tổng thể như: Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị; đưa các dự án phát triển đô thị về địa bàn, từng bước xây dựng một Vĩnh Yên xứng tầm. Trước những thuận lợi đó, thời gian qua, Đảng bộ thành phố thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo về phát triển đô thị, quan tâm đến chất lượng, hiệu quả việc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, đến lối sống, ứng xử, nhận thức của mỗi người dân về nhiệm vụ xây dựng đô thị.

Theo đó, thành phố đã dành hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho phát triển cơ sở hạ tầng đô thị; đề xuất tỉnh phê duyệt quy hoạch nhiều khu, cụm công nghiệp, các điểm phát triển kinh tế - xã hội và khu du lịch, dịch vụ. Cùng với đó, công tác bảo vệ môi trường được các cấp chính quyền, người dân quan tâm thực hiện tốt. Các doanh nghiệp được khuyến khích áp dụng công nghệ sạch trong sản xuất. Cùng với thực hiện quy chế quản lý kiến trúc đô thị, Vĩnh Yên còn dành nhiều nguồn kinh phí đầu tư, kiến tạo không gian công cộng; nâng cao chất lượng mạng lưới công trình hạ tầng các khu dân cư, phục vụ nhu cầu đi lại và đời sống nhân dân. Hiện, trên địa bàn có khoảng 15 địa điểm tập luyện thể dục - thể thao ngoài trời với hàng trăm bộ thiết bị phục vụ người dân nâng cao sức khỏe…

Nhờ phát triển hạ tầng đô thị, cơ cấu kinh tế của địa phương có sự chuyển dịch từ nhóm ngành công nghiệp chiếm ưu thế sang nhóm ngành dịch vụ, thương mại. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập bình quân/người lên 125 triệu đồng/năm.

Có thể thấy, năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của địa phương ước đạt hơn 86.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2020. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản, quy hoạch, quản lý đô thị được quan tâm, ước giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 900 tỷ đồng… Căn cứ các tiêu chí theo quy định, đến nay Vĩnh Yên đã đáp ứng được 54/59 tiêu chí đánh giá đô thị loại I; 44/46 tiêu chí đánh giá về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc và cảnh quan đô thị; được Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đồng bộ các giải pháp

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong lộ trình phấn đấu trở thành đô thị loại I của Vĩnh Yên vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Cụ thể: Tổng thể phát triển chưa đồng bộ; hệ thống hạ tầng kỹ thuật bất cập; công tác quản lý trật tự đô thị chưa đáp ứng yêu cầu...

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Việt Phương cho biết, để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí đô thị loại I, Vĩnh Yên sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, quan tâm đến phương thức lãnh đạo đối với chính quyền về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp sẽ được cụ thể hóa, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, có giải pháp, lộ trình nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện văn hóa, văn minh đô thị, để văn hóa thực sự trở thành động lực phát triển. Đồng thời, thực hiện tốt việc quản lý quy hoạch không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; quản lý đất đai, nhà ở, cây xanh, hệ thống chiếu sáng... Cùng với đó là các giải pháp cải thiện, nâng cao môi trường sống, môi trường làm việc, thu hút cư dân địa phương khác đến làm việc, sinh sống, từng bước tăng dân số cơ học, góp phần phát triển quy mô dân số đô thị Vĩnh Phúc trong tương lai.

Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Việt Phương, trước mắt Vĩnh Yên sẽ ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ nhu cầu cấp thiết của người dân như: Hệ thống công viên, cây xanh; xây dựng, mở rộng hệ thống đường giao thông; hệ thống thoát nước và các công trình xử lý ngập úng cục bộ; nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt... Đồng thời, quan tâm xây dựng các công trình kiến trúc điểm nhấn đô thị như: Trung tâm triển lãm, hội chợ; thư viện; trung tâm thương mại, tổng hợp, các khu đô thị mới...

Bên cạnh nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, Vĩnh Yên rất mong muốn Trung ương quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng diện rộng của vùng, các tuyến giao thông huyết mạch kết nối với thủ đô Hà Nội. Cùng với đó, mở rộng các trục giao thông hướng tâm như: Quốc lộ 2, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn 2 và các nút giao… làm động lực để Vĩnh Phúc nói chung và Vĩnh Yên nói riêng có đủ mọi điều kiện trở thành trung tâm công nghiệp, logistics, đô thị phát triển, là động lực thúc đẩy Hà Nội cũng như vùng thủ đô phát triển.

XUÂN VIỆT