|
Thứ trưởng Bộ VH, TT và DL Lê Khánh Hải khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn coi văn hóa các dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam. Sự nhất quán trong nhận thức và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số đã góp phần quan trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, phát triển đời sống văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ngày 27.7.2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020, là mốc quan trọng đối với sự nghiệp bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ngành VH, TT và DL cũng coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2020.
|
Đối tượng của đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020 là các dân tộc thiểu số Việt Nam, ưu tiên phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số ít người, các dân tộc không có điều kiện tự bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc mình. Đề án có 6 dự án thành phần: xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hóa và tổng kiểm kê di sản văn hóa các dân tộc; bảo tồn khẩn cấp và hỗ trợ, tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, bài trừ hủ tục; đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực; gắn kết phát triển kinh tế và bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật và các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; chương trình hoạt động, lễ hội và biểu diễn văn hóa, nghệ thuật các dân tộc cấp tỉnh, vùng và quốc gia. Đề án chia thành 2 giai đoạn: 2011 - 2015 và 2016 - 2020, với tổng kinh phí 1.512 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Những năm qua, Chính phủ đã thông qua các đề án, dự án phát triển chung hay từng vùng về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, từ thực tiễn chỉ đạo và tổ chức thực hiện cho thấy, các chính sách, đề án về văn hóa nói chung, văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng chưa thể hiện sự gắn kết với các chương trình, đề án phát triển về kinh tế - xã hội, không có nguồn kinh phí đảm bảo để thực hiện nên hiệu quả không cao. “Từ những bài học kinh nghiệm thành công cũng như khó khăn, hạn chế trong bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số thời gian qua, để triển khai đề án có hiệu quả, từ nay đến năm 2020, Bộ VH, TT và DL sẽ tổ chức hội thảo tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, lấy ý kiến các chuyên gia, các sở, ngành liên quan”, Thứ trưởng Lê Khánh Hải cho biết.
|
Đại diện các sở VH, TT và DL cho rằng, tùy thực tế của từng vùng, từng dân tộc cần có chính sách bảo tồn phù hợp. Với những bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số đang mai một, trước mắt cần tiến hành ghi chép, lưu giữ. Với những địa bàn thuận lợi cho phát triển kinh tế, nhất là du lịch cộng đồng thì có thể tiến hành “bảo tồn sống” từ chính cơ sở. Thực tế, việc “bảo tồn sống” được khách du lịch quan tâm, nhiều bản làng, người dân chủ động mặc trang phục dân tộc, bởi như vậy dễ bán hàng và giao tiếp với khách. Giám đốc Sở VH, TT và DL Lào Cai Trần Hữu Sơn cho biết: Lào Cai đang thực hiện biến di sản thành tài sản, trong đó phát huy bản sắc dân tộc như trang phục, các món ăn truyền thống... để phục vụ du lịch cộng đồng như ở Sa Pa phát triển dịch vụ tắm thuốc người Dao, tham gia cày ruộng bậc thang, học cách dệt thổ cẩm... đang rất thu hút khách. Đại diện Sở VH, TT và DL Hà Giang đề nghị: “Trong đề án có đề ra mục tiêu tập trung phát triển làng nghề, mỗi huyện có 1 hoặc 2 làng nghề truyền thống, nhưng phải tập trung vào nghề nào cho hiệu quả. Tỉnh Hà Giang có 28 làng du lịch cộng đồng nhưng qua thực tế cho thấy phải có khảo sát, quy hoạch để mỗi làng có nét riêng, thích ứng với nhu cầu của khách du lịch”.
Sau khi tập hợp ý kiến, các cơ quan chuyên môn sẽ xây dựng kế hoạch tổng thể để triển khai đề án một cách đồng bộ, hiệu quả vào năm 2012.