Số ca nhiễm Covid-19 vượt mốc 100 triệu người

Niềm hy vọng từ vaccine

- Thứ Tư, 27/01/2021, 05:42 - Chia sẻ
Chỉ 1 ngày kể từ cảnh báo của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới đã vượt quá 100 triệu người hôm 26.1, đánh dấu mốc mới đáng buồn của nhân loại trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2. Mặc dù vậy, nhưng “vaccine (ngừa Covid-19) đang mang lại cho chúng ta niềm hy vọng”, người đứng đầu WHO cho biết.

Chưa có tín hiệu lạc quan

Theo Global Times, người ta đã không thể tượng được rằng thế giới sẽ phải sống dưới bóng đen của đại dịch Covid-19 lâu đến vậy mà không có dấu hiệu bị đánh lùi sau gần 1 năm WHO công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vào cuối tháng 1.2020.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, tính tới 5 giờ ngày 26.1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 100.201.733 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 2.147.403 người tử vong. Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bắc Mỹ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và cũng là tâm dịch hiện nay của thế giới. Xếp tiếp theo là châu Âu. Đáng chú ý là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ 2 thế giới này có số tử vong còn cao hơn Bắc Mỹ.

Trên bình diện quốc gia/vùng lãnh thổ, Mỹ, Ấn Độ và Brazil hiện là những “điểm nóng” Covid-19 lớn nhất thế giới. Đứng đầu là Mỹ với 25.826.177 người mắc bệnh và 431.038 trường hợp tử vong tính đến sáng 26.1. Hiện nay, nhiều quốc gia, khu vực đón nhận làn sóng dịch thứ 2, thứ 3 với tốc độ lây lan của virus nhanh hơn. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới.

Còn nhớ đầu tháng 4.2020, khoảng hai tháng sau khi WHO thông báo đợt bùng phát Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu vào ngày 30.1.2020, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 được xác nhận trên toàn thế giới đã lên tới 1.000.000 người. Thế nhưng lúc đó, nhiều quốc gia vẫn chưa nhận thấy hết độ nguy hiểm của đại dịch. Và hai tháng sau nữa, số ca trên toàn thế giới vượt qua con số 10 triệu, với hơn 500.000 ca tử vong vào cuối tháng 6.

Bất chấp WHO liên tục kêu gọi sự thống nhất toàn cầu và cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn đang ở phía trước, thế giới chứng kiến các ca bệnh toàn cầu chạm mức 100 triệu, đánh dấu mốc khác khiến các nhà lãnh đạo toàn cầu, quan chức, chuyên gia y tế cộng đồng và thường dân phải suy ngẫm sâu sắc về những thất bại thiết yếu trong cuộc chiến chống dịch toàn cầu.

“Cơ hội vàng” bị bỏ lỡ

Theo các chuyên gia y tế, chìa khóa để kiểm soát căn bệnh truyền nhiễm như Covid-19 là phải thực hiện các biện pháp càng sớm càng tốt. Nhiều nơi như châu Âu và Mỹ đã hành động muộn. Vì vậy, rất khó dập tắt khi ngọn lửa đang bùng cháy lớn.

Sau khi WHO tuyên bố đợt bùng phát Covid-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu vào ngày 30.1.2020, châu Âu bắt đầu bùng phát dịch ở một số vùng của Italy vào cuối tháng 2 sau nhiều ca bệnh ở những vùng như Lombardy và Piedmont. Tiếp theo là nhiều quốc gia khác báo cáo các trường hợp nhiễm virus liên quan đến những người đã đến vùng bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương không áp đặt hạn chế bắt buộc đi lại hoặc hướng dẫn y tế công cộng cho đến đầu tháng 4, khi Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) đưa ra ý kiến chuyên gia về việc sử dụng khẩu trang như cách hiệu quả để giảm lây truyền từ người sang người.

Hơn nữa, mặc dù nhiều nước đã buộc phải cắt đứt giao lưu giữa người với người ở các cấp độ khác nhau, nhưng giới chức trách áp đặt hạn chế đi lại đã không tính đến đầy đủ tốc độ và quy mô của việc lây truyền virus. Lấy Mỹ làm ví dụ, nhiều chuyên gia cho rằng, việc xứ sở cờ hoa quyết định không cắt đứt liên lạc với các nước châu Âu đã trở thành nguồn gốc của làn sóng lây nhiễm đầu tiên ở bờ biển phía đông của nước này. Cho tới nay, Mỹ đã trở thành quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới.

Ngoài Mỹ, Ấn Độ và Brazil cũng có số ca dương tính với SARS- CoV-2 lớn hàng đầu toàn cầu. Ấn Độ đã vượt qua Brazil vào tháng 9.2020. Và mặc dù số ca nhiễm mới ngày càng tăng, Ấn Độ vẫn quyết định nới lỏng các hạn chế để mở cửa nền kinh tế.

Một số chuyên gia cũng coi việc thiếu thử nghiệm là lỗ hổng lớn khác trong cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch, do không hiểu biết đầy đủ về virus Corona và các đặc điểm của nó trong quá trình lây truyền, chẳng hạn như thông qua những người mang virus thầm lặng.

Phòng ngừa chặt chẽ, tiêm chủng diện rộng

Mặc dù thế giới vượt mốc 100 triệu người bị nhiễm bệnh, nhưng “vaccine (ngừa Covid-19) đang mang lại cho chúng ta niềm hy vọng”, người đứng đầu WHO cho biết hôm thứ Hai, trong khi một số chuyên gia dự đoán sẽ có điểm uốn cong của đại dịch nhờ sự kết hợp giữa các biện pháp phòng ngừa chặt chẽ hơn và chiến dịch tiêm chủng diện rộng.

Các chuyên gia tin rằng, những nỗ lực toàn cầu đến từ các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt và biện pháp thắt chặt sẽ giúp đưa thế giới vượt qua thời kỳ tăm tối trong năm nay và số ca mắc mới hàng ngày trên toàn cầu sẽ giảm đáng kể. Việc phát triển và phê duyệt vaccine an toàn và hiệu quả chưa đầy một năm sau khi xuất hiện loại virus mới là thành tựu khoa học đáng kinh ngạc và là nguồn hy vọng rất cần thiết.

Tuy nhiên, sự lạc quan nhanh chóng bị phủ bóng bởi nỗi lo về cách thức phân phối, khi hầu hết quốc gia giàu có giành mua phần lớn vaccine từ các công ty dược phẩm. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng bày tỏ sự lo ngại về chủ nghĩa dân tộc vaccine khi mà nhiều quốc gia thu nhập thấp và trung bình vẫn chưa tiếp cận được nguồn cung cấp vaccine.

Vì vậy, theo các chuyên gia y tế, vào thời điểm khó khăn hiện nay, các quốc gia ngoài tăng cường các hạn chế chống đại dịch, việc phê duyệt sớm vaccine cũng sẽ giúp đa dạng nguồn cung và chủ động chương trình tiêm chủng quốc gia.

Ngọc Minh