
Thiếu cảng biển, cảng cạn vốn
Trong Hội nghị giao ban vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ mới đây, đại diện của các tỉnh, thành phố đã nêu lên những vướng mắc về hệ thống giao thông của vùng. Trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, nhiều tuyến giao thông huyết mạch đang được triển khai như dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai trong tổng thể quy hoạch 2 hành lang, 1 vành đai kinh tế, sẽ được khởi công vào tháng 8 tới; Tuyến đường quốc lộ 5 mở rộng, nối các cực phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, dài 105 km, dự kiến khởi công vào ngày 19.5, là cầu nối quan trọng để thông thương hàng hóa của cả vùng với các cảng biển ở Hải Phòng và Quảng Ninh. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Trịnh Quang Sử, còn đang thiếu một quy hoạch đối với đoạn đường nối từ Đình Vũ đến Cát Hải. Nếu không có cầu nối này ra cảng nước sâu thì tuyến quốc lộ 5 mở rộng hoàn thành cũng không mấy ý nghĩa, vì hàng hóa không vận chuyển ra cảng được. Hiện đoạn đường này đang được Bộ Giao thông- Vận tải thiết kế nhưng tiến độ chậm. Một đoạn đường quan trọng khác là đoạn Hạ Long – Móng Cái. Mỗi năm có khoảng 7 triệu tấn hàng hóa vận chuyển qua con đường này và khối lượng ngày càng tăng. Hiện nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư xây dựng nhưng chưa triển khai được do chưa thống nhất được hình thức đầu tư.
Bên cạnh giao thông đường bộ, vấn đề cảng biển cũng là nỗi lo của vùng, khi trọng tâm tập trung vào cảng Hải Phòng, trong khi năng lực của cảng có hạn. Trong dự báo của Bộ Giao thông - Vận tải, năng lực bốc dỡ của cảng đến năm 2020 là 50 triệu tấn. Tuy nhiên, năm nay công suất ước tính đạt 30 triệu tấn và mỗi năm tăng khoảng 8 - 10 triệu tấn. Như vậy, đến năm 2010, công suất đã đạt 45 - 50 triệu tấn. Cùng với đường cao tốc, cảng biển, cần thiết phải có cảng cạn nhưng Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Bùi Vĩnh Kiên cho biết, hiện chưa có quy hoạch cảng nước cạn. Trong khi đó, đây là hạng mục rất cần thiết không chỉ đối với Bắc Ninh, mà còn đối với cả vùng. Bên cạnh đó, một số tuyến đường sắt quan trọng cần được đầu tư, nâng cấp như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn để đẩy mạnh thông thương hàng hóa với Trung Quốc.
Theo Bộ Giao thông - Vận tải, các dự án giao thông vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ bị chậm tiến độ hoặc chưa đầu tư được là do thiếu vốn. Hiện vốn bố trí hàng năm chỉ đủ cân đối vốn đối ứng cho các dự án ODA, không đủ vốn để triển khai các dự án khác. Trong khi đó, nhiều dự án huy động vốn chưa triển khai được do khả năng hoàn vốn thấp, năng lực các nhà đầu tư trong nước hạn chế, nhà đầu tư nước ngoài chưa sẵn sàng tham gia hoặc đưa ra những điều kiện không phù hợp với thực tế tại nước ta.
Hạn chế trong quản lý quy hoạch
Báo cáo của Ban điều phối phát triển các Vùng kinh tế trong điểm nhận định: Việc phát triển đô thị và khu công nghiệp trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ còn những điểm chưa hợp lý. Hệ thống đô thị của vùng phát triển khá nhanh nhưng chưa có quy hoạch chung với tầm nhìn dài hạn. Trong thời gian vừa qua, các tỉnh đồng loạt triển khai các đề án khu đô thị mới, trong đó có không ít các đề án không mang lại hiệu quả, gây lãng phí đất đai và vốn đầu tư.
Định hướng của Vùng là chuyển dần các khu công nghiệp sang phía Bắc Hà Nội để dễ dàng vận chuyện hàng hóa ra cảng biển. Hiện định hướng thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao được các tỉnh thực hiện khá tốt, đặc biệt là Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, với nhiều dự án về điện tử, linh kiện điện tử, công nghệ lắp ráp. Song, vấn đề hạ tầng phục vụ cho hoạt động của các khu công nghiệp và cụm công nghiệp chưa tốt. Điều đáng bàn là trong đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, mặc dù các địa phương đều dành đất xây dựng các khu nhà ở cho công nhân lao động, thế nhưng, dường như các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến hạ tầng phục vụ sản xuất, chưa quan tâm đến đời sống người lao động. Đây cũng là bức xúc được đại diện UBND tỉnh Hải Dương nêu ra. Theo phản ánh, Hải Dương hiện có gần 200 doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động nhưng công nhân không ở Hải Dương mà về Hải Phòng và Hà Nội. Lưu lượng xe từ Hà Nội đến Hải Dương rất lớn nhưng cơ sở hạ tầng của tỉnh chưa đáp ứng, điều này đã và đang gây gánh nặng cho các tỉnh, thành phố lân cận.
Thực tế trên cho thấy, quy hoạch đô thị và khu công nghiệp phải gắn với nhau, đặc biệt khi số lượng các khu công nghiệp ngày càng tăng. Trên địa bàn Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đã quy hoạch 209 KCN và Cụm công nghiệp, với tổng diện tích là 29.027ha, chiếm 1,87% tổng diện tích đất tự nhiên toàn vùng. Địa phương có khu công nghiệp nhiều nhất là Bắc Ninh với 10 khu, tiếp đến là Hải Dương 8 khu, Vĩnh Phúc 7 khu, Hưng Yên 6 khu. Trong số 27 khu công nghiệp đã có quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ có16 khu đang hoạt động, 11 khu đang trong thời kỳ xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, trong 16 khu đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy mới chỉ đạt 33%. Dự kiến, vùng sẽ quy hoạch 88 khu công nghiệp đến năm 2015 với diện tích trên 18.000 ha.
Với số lượng lớn các khu công nghiệp như vậy, vấn đề nhiều địa phương lo lắng là nếu không tính toán kỹ, đất nông nghiệp sẽ bị thu hẹp mà không mang lại hiệu quả. Về vấn đề này, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh : Các địa phương cần cân đối tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp. Định hướng của Ban điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm là lấy đất cằn cỗi, đất nông nghiệp hiệu quả thấp để xây dựng khu công nghiệp và đô thị.
Thiếu nhân lực chất lượng cao
Thiếu nhân lực là bài toán khó đối với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Bùi Vĩnh Kiên phản ánh. Có 2 nhà đầu tư nước ngoài lớn sẵn sàng đầu tư vào Bắc Ninh, nhưng một nhà đầu tư cần 30.000 lao động, một nhà đầu tư cần 24.000 lao động và các lao động phải được đào tạo. Tuy nhiên, việc cung cấp lượng lớn lao động như thế quả không dễ thực hiện.
Cho đến nay, vẫn chưa có thống kê chính thức về nhu cầu tuyển dụng lao động trong các khu công nghiệp để có chiến lược rõ ràng trong đào tạo nghề. Số lượng học viên ra trường vào làm các doanh nghiệp nhưng phải đào tạo lại rất lớn. Lao động kỹ thuật cũng thiếu trầm trọng, mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu trường đào tạo nghề. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ có 190 cơ sở dạy nghề, nhưng tập trung chủ yếu ở Hà Nội (66 cơ sở) và Hải Phòng (42 cơ sở). Lãnh đạo một số tỉnh cho biết, tỉnh có trường dạy nghề, nhưng chưa hiệu quả, vì vừa thiếu số lượng trường, vừa thiếu giáo viên, lại vừa thiếu thiết bị dạy học.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đàm Hữu Đắc cảnh báo rằng đã có hàng nghìn lao động nước ngoài có kỹ năng tốt làm việc tại Khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Xu hướng này sẽ ngày càng tăng trong các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu chế xuất nếu lao động trong nước không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Hệ quả là lao động trong nước thất nghiệp, còn doanh nghiệp phải tốn chi phí thuê lao động nước ngoài. Đây là nghịch lý. Do đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị Chính phủ cho lập 1 đến 2 trường cao đẳng dạy nghề đạt tiêu chuẩn khu vực, đào tạo lao động có chất lượng cao. Chính phủ cũng đã chỉ đạo, về lâu dài cần xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, nhiệm vụ trước mắt của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là giúp các địa phương giải quyết các điểm nóng về lao động.
VŨ DŨNG